Đa dạng linh vật rắn chào xuân mới Ất Tỵ 2025

Thứ Sáu, 24/01/2025 11:58

|

(CATP) Hòa trong niềm hân hoan đón chào năm mới Ất Tỵ 2025, nhiều địa phương trong cả nước dựng và trưng bày biểu tượng linh vật năm Ất Tỵ, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương nhằm tạo điểm nhấn, góp thêm sự phong phú trong chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân để phục vụ nhân dân, du khách.

Đến thời điểm này, “cuộc đua” linh vật rắn - biểu tượng của năm Ất Tỵ - đón Tết Nguyên đán đang diễn ra rất sôi nổi và thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Sáng 21/01, cặp đôi linh vật rắn ở đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ đã lộ diện gây ấn tượng với người dân TPHCM và du khách vì kích thước khổng lồ, uốn lượn đan xen tạo hình trái tim độc đáo. Nhiều người dân đi ngang qua đã rất háo hức được chụp ảnh “sớm” với cặp đôi linh vật này. Cặp đôi linh vật rắn trên đường hoa Nguyễn Huệ được đặt tên Kim Tỵ và Ngân Tỵ với chiều dài lần lượt 42m và 25m toàn thân uốn lượn 3 vòng đan xen lẫn nhau, tạo thành đế rộng hơn 11m, độ cao tính từ phần thân tiếp giáp với nền hoa đến đỉnh đầu cao trên 6m.

Đôi Kim Tỵ và Ngân Tỵ đặt ngay cổng vào Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025

Kim Tỵ và Ngân Tỵ có 70% vật liệu chế tác là vật liệu thân thiện môi trường. Đầu và bụng rắn ốp tấm cót ép sơn màu, toàn bộ phần lưng phía trên được phủ lớp vảy mica gương có tính phản quang, tạo sự óng ánh của “kim” và “ngân”. Tổng số vảy trên thân của Ngân Tỵ khoảng 2.700 miếng vảy và Kim Tỵ gần 3.600 miếng vảy, được gắn hoàn toàn bằng thủ công kết hợp đèn LED chạy dọc hai bên bụng. Mắt rắn cũng là điểm nổi bật với đường kính 10cm, sơn màu theo thiết kế, tạo sự linh hoạt.

Với chủ đề “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa” sẽ có khoảng 90 tạo hình linh vật năm Tỵ được trưng bày tại Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025. Những linh vật này được thể hiện với đa dạng sắc thái và hình dáng, trong đó có cả những chú rắn đội nón lá, quấn khăn rằn khá dễ thương, hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ thú vị. Đường hoa sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân và du khách từ 19 giờ ngày 27/01 (tức 28 Tết) đến 21 giờ ngày 02/02 (mùng 5 Tết).

Rắn dát vàng ở Bạc Liêu

Ngự trị ngay đầu đường dẫn vào khu vực trung tâm hành chính tỉnh, linh vật rắn ở Bạc Liêu không chỉ gây ấn tượng mạnh với người dân địa phương mà còn thu hút sự chú ý của du khách thập phương. Công trình được chế tác với sự tỉ mỉ, công phu của các nghệ nhân địa phương, sử dụng khung sắt uốn cong tinh xảo. Lớp vảy của rắn được phủ tráng gương màu vàng, tạo nên hiệu ứng lấp lánh. Với chiều cao 3,5m (riêng thân rắn cao 2,3m), linh vật rắn này là điểm nhấn ấn tượng về mặt thị giác. Tại Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, Bến Tre, chú rắn xanh mặc áo vest với vẻ mặt hài hước đem lại sự bất ngờ, thú vị cho người dân và du khách. Điểm ấn tượng nhất của linh vật là phần đuôi được cách điệu thành hình ảnh một chiếc bẫy ong. Chi tiết này phản ánh một phần đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của người dân Chợ Lách, Bến Tre.

Linh vật rắn ở Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, linh vật rắn - chú rắn hổ Linh vật rắn hổ mang ở Đà Nẵng Cặp linh vật rắn ở Phú Thọ mang màu vàng nổi bật đang “làm mưa làm gió” những ngày qua. Linh vật rắn hổ mang này được đặt ở công viên phía Tây cầu Rồng, có độ cao 5m, phần mang rộng 2,6m, phần thân uốn lượn hàng chục mét. Chú rắn hổ mang với thần thái sinh động, đôi mắt sắc bén và dáng cuộn mình đầy khí thế. Nhiều người nhận xét, linh vật rắn ở Đà Nẵng rất oai phong và có hồn.

“Nàng rắn” đánh má hồng, đầu đội hoa ở Hà Tĩnh

Tại Hà Tĩnh, linh vật rắn cao 8m, đánh “má hồng”, đầu đội hoa trong khuôn viên của chùa Phổ Độ (xã Hộ Độ, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng khiến cộng đồng mạng xôn xao vì độ đáng yêu của “nàng rắn”. Sau khoảng 1 tháng thi công, linh vật rắn được trưng bày trong khuôn viên của chùa Phổ Độ đã hoàn thành. Linh vật được làm chủ yếu từ nhựa dẻo, được các nghệ nhân ở TP.Huế và tỉnh Quảng Trị thực hiện với phần thân, đuôi thiết kế khá tỉ mỉ. Phần đầu linh vật có màu hồng, mắt long lanh, đội vòng hoa, phần thân được tạo hình, lắp ghép từ hàng chục ngàn miếng nhựa màu vàng nhỏ cuộn tròn tạo thành vảy rắn rất đẹp.

Chú rắn đội nón ngộ nghĩnh ở Quảng Trị

Tại Quảng Trị, nghệ nhân Đinh Văn Tâm cũng gây sốt trên mạng với linh vật rắn màu cam đầy sáng tạo với mũ đội đầu ngộ nghĩnh, dáng vẻ uyển chuyển và độc đáo. Đây là tác phẩm mới nhất của nghệ nhân Đinh Văn Tâm (SN 1990, trú huyện Triệu Phong, Quảng Trị), người từng gây ấn tượng mạnh với các linh vật Tết như hổ, mèo và rồng trong những năm trước. Với chiều cao 2m và chiều dài 2,5m, mô hình rắn được đặt tại một vườn hoa trên đồi, phóng tầm nhìn ra cánh đồng điện gió thơ mộng ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Ngay khi ra mắt, mô hình rắn đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ tài năng của nghệ nhân Đinh Văn Tâm, đa số đều cho rằng linh vật rắn ở Quảng Trị đáng yêu và sống động, khác biệt so với hình ảnh thường thấy về loài rắn.

Cặp linh vật rắn ở Phú Thọ

Tại Phú Thọ, cặp linh vật rắn được trưng bày tại Hội chợ Tết Ất Tỵ 2025 ở trung tâm quảng trường Hùng Vương (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cũng gây sốt vì độ dễ thương, được cộng đồng mạng bình chọn là “hoa hậu rắn” trong “cuộc đua” linh vật năm nay. Với thiết kế theo phong cách chibi (vẽ nhân vật cách điệu kiểu Nhật Bản) dễ thương, cặp linh vật này có chiều cao trên 3m, một con rắn màu vàng đội mũ thần Tài, con còn lại được sơn màu xanh dương và đội mũ đỏ. Cả hai linh vật được tạo hình dễ thương, với đầu to, mắt to long lanh và nụ cười thân thiện. Từ khi trình làng, cặp rắn chibi lập tức thu hút nhiều người dân và du khách đến chụp ảnh check-in. Trên các diễn đàn, hình ảnh về đôi linh vật của Phú Thọ cũng được chia sẻ và dành nhiều lời khen ngợi.

Đơn vị tổ chức cho biết, họ đã miêu tả với các nghệ nhân mong muốn tạo hình rắn sao cho không đáng sợ mà thật dễ thương, mục đích tạo cảnh quan để người dân đến vui chơi có thể thưởng lãm và chụp ảnh check-in trong dịp Tết này. Còn rất nhiều tạo hình linh vật rắn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, mỗi linh vật rắn đều mang ý nghĩa riêng, không chỉ làm đẹp cho không gian Tết mà còn truyền tải những thông điệp tích cực về cuộc sống. Sự đa dạng trong thiết kế, từ uy nghi, lộng lẫy đến sáng tạo hài hước, dễ thương, đã góp phần tạo nên không khí Tết Ất Tỵ rộn ràng, để người dân cảm nhận trọn vẹn một mùa xuân mới an lành đang về.

Bình luận (0)

Lên đầu trang