Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Niềm hạnh phúc khi làm mẹ của một ‘đàn con’

Thứ Tư, 20/11/2024 15:04

|

(CAO) Tôi có cả một đàn con - đó là những khuôn miệng chúm chím, ánh mắt thơ ngây và bàn tay nhỏ xíu chìa ra cho tôi nắm, dẫn đi chập chững trong những năm tháng tươi đẹp đầu tiên của cuộc đời.

Mùa hè vừa kết thúc, trường tôi đã bắt đầu lên kế hoạch tổ chức hoạt động tôn vinh ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Trong khoảnh khắc đó, kí ức về bản thân mình của 6 năm về trước chợt ùa về, đó là khi tôi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp thứ hai trong đời - bằng cử nhân mầm non một cách đầy hi vọng.

Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường trung học, tôi đã nuôi nấng trong mình giấc mơ được trở thành giáo viên mầm non. Vậy nhưng, khi nghe tôi bày tỏ nguyện vọng, mẹ đã bảo rằng bao nhiêu nghề sao tôi không chọn, chọn ngành mầm non vất vả trăm bề. Mẹ lắng lo chăm trẻ con không hề dễ dàng, lỡ sơ suất gì cô chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhất là với người chưa lập gia đình, tuổi còn trẻ lại làm mẹ của một đàn con. Và cả việc vệ sinh, chăm bẵm sẽ khiến tôi lúc nào cũng trông như mẹ bỉm sữa thực thụ. Lời nói của mẹ đã khiến cô gái 18 tuổi là tôi chùn bước với mơ ước của mình và rẽ hướng đăng kí thi vào trường kinh tế.

Cậu trò nhỏ đang tìm chiếc thuyền có hình cô giáo của mình để thả một trái tim giấy

Ngày ra trường, tôi may mắn được nhận vào làm tại các doanh nghiệp, được tươm tất phấn son trong bộ đồ công sở, được học hỏi nhiều kinh nghiệm từ những anh chị đi trước. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi vẫn khắc khoải về ước mơ đã bỏ lỡ. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định theo đuổi đam mê của mình và đăng kí học Giáo dục mầm non văn bằng hai. Mỗi chiều, sau giờ làm việc, tôi đều đặn chạy xe máy từ Bình Dương lên Quận 10, TPHCM học, đều đặn mỗi ngày bất kể hôm ấy trời nắng hay mưa. Tôi nhớ mãi, ngày tốt nghiệp, khi tôi được khoác trên mình chiếc áo cử nhân lần thứ hai, mẹ ôm tôi và nói rằng: “Mẹ chúc mừng con đã nỗ lực theo đuổi đam mê”.

Sau 6 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, con đường này không hề dễ dàng nhưng mang lại cho tôi vô vàn cảm xúc. Đôi khi trong hành trình của mình tôi cũng gặp những tình huống khiến mình ấm ức, rơi nước mắt và đôi khi tủi thân trong nghề đã chọn. Tôi nhớ lại chuyện khi mới về đảm nhận lớp mới của ngôi trường hiện tại, vì chưa đủ kinh nghiệm để bao quát trẻ, tôi đã để xảy ra tình huống như trẻ chạy té, cào cấu hay thậm chí cắn nhau. Khi ấy tôi lắng lo tột độ, vết thương của con làm sao tôi chịu thay được và liệu phụ huynh có trách mắng và tố giác cô giáo như những video trên mạng xã hội? Vậy nhưng, may mắn cho tôi khi được gặp những bậc làm cha mẹ có đủ đầy sự thấu hiểu và cảm thông. Đó cũng là bài học giúp tôi quan sát trẻ kĩ lưỡng hơn cũng như bình tình xử lý sự cố.

Cậu trò nhỏ cầm chiếc thiệp chúc mừng ngày 20-11 do con cùng các cô làm tặng ba mẹ. Đây là hoạt động mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam của trường chúng tôi, để cùng các con gửi lời cảm ơn đến ba mẹ - những người thầy cô đầu tiên của con

Tôi nhớ chuỗi ngày đồng hành cùng cậu bé học trò đầy cá tính, một đứa trẻ khó khăn trong việc tiếp xúc với người lạ. Ban đầu, cậu bé khá thờ ơ, thậm chí còn đá vào bụng, đấm vào mặt tôi khi không vừa ý. Ngày một, ngày hai tình hình cũng không mấy khả quan, hễ lại gần là cậu là đẩy tôi ra xa hoặc hét lên chống đối. Đến ngày thứ ba, tôi đổi “chiến thuật”, chỉ quan sát con từ xa, mỗi khi có hoạt động thú vị tôi đều vui vẻ giới thiệu. Dần dần, ánh mắt con trở nên thân thiện hơn, bước từng bước thật chậm đến chơi cùng bạn bè. Một lần vô tình làm tôi đau, cậu bé ấy bối rối dùng tay xoa vào vết thương. Khi ấy tôi đưa tay ôm con vào lòng, cảm nhận trái tim bé nhỏ đang dần mở ra với mình.

Những ngày trẻ ốm, ăn được bao nhiêu lại trào ngược bấy nhiêu. Đầu tóc, quần áo tôi bê bết những thức ăn đã đút cho con. Cảm giác lúc ấy bất lực, thương cả cô lẫn trò, bộ đồng phục của cô lẫn con tưởng chừng nhuốm đầy nước mắt. Tôi hít một hơi thật sâu, kiên nhẫn đút lại từng muỗng cháo để con hồi phục dần sau cơn bệnh. Nhìn đôi chân con mạnh khỏe vui đùa, mẹ bé và tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Được chứng kiến học trò của mình khôn lớn từng ngày là niềm hạnh phúc của người làm thầy cô 

Hành trình nào cũng vậy, có những tình huống khiến tôi chùn bước. Như khi đọc những bài viết, tình huống mang hướng tiêu cực về nghề hay chính bản thân tôi khi chưa tìm được tiếng nói chung với phụ huynh. Vậy nhưng, chị sếp trực tiếp nói với tôi rằng, trước mỗi sự việc, hãy đặt vị trí vào đối phương, lắng nghe và thấu hiểu thì sự việc sẽ được giải quyết nhẹ nhàng hơn. Bởi trên hết, khi mối quan hệ phụ huynh và giáo viên tốt đẹp thì người được hưởng lợi ích chính là đứa trẻ, những cô cậu bé ở bên tôi 10 tiếng mỗi ngày.

Học trò đầu tiên của tôi là con trai - cậu bé hiểu chuyện luôn thông cảm với công việc của mẹ, chịu "chia sẻ" mẹ với các em bé, anh chị là học trò của mẹ

Nếu ai đó hỏi tôi, đâu là nguồn động lực để mỗi ngày tôi thêm yêu nghề và mến trẻ, tôi sẽ trả lời rằng khi được chơi cùng trẻ, tôi được sống lại những năm tháng tuổi thơ của mình và chứng kiến con trưởng thành. Hơn tất cả là, tôi xem lời Bác Hồ đã căn dặn trước lúc đi xa như kim chỉ nam trong hành trình của mình: “Dạy mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy thì phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây non lên tốt. Dạy trẻ nhỏ được tốt thì sau này các cháu trở thành người tốt.”

Tôi hạnh phúc vì đã chọn con đường này, được là mẹ của một đàn con!

Bình luận (0)

Lên đầu trang