Kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6:

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần sự phối hợp hành động

Thứ Hai, 01/06/2020 08:40

|

(CATP) Sự phát triển của công nghệ và mạng Internet đang ảnh hưởng mạnh mẽ, đồng thời làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của mọi người, các gia đình, trong đó có những tác động to lớn đối với trẻ em.

Ngày nay, trẻ tiếp xúc với mạng ngay từ giai đoạn nhận biết sự vật, học nói, học nhiều điều từ mạng Internet, nhưng môi trường trên mạng cũng mang lại nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần những giải pháp tổng thể, từ truyền thống, áp dụng công nghệ thông tin và đặc biệt cần sự vào cuộc của liên ngành, liên quốc gia, của mọi cá nhân và các tổ chức chính trị - xã hội.

Giáo dục về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em là rất cần thiết

Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sau gần 16 năm hoạt động, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số 111 (gọi tắt là Tổng đài 111) đã nhận trên 4 triệu cuộc gọi đến trao đổi về các vấn đề liên quan đến trẻ em. 5 tháng đầu năm 2020, tổng đài này nhận hơn 230 ngàn cuộc gọi đến nhờ tư vấn, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc về trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhận định: Những vấn đề xâm hại trẻ em (XHTE) trên mạng ngày càng đa dạng, phức tạp. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, Tổng đài 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng khi phát hiện con mình truy cập vào những trang thông tin xấu (web đen) trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an hàng năm tiếp nhận khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan đến trẻ em, tuy nhiên trong đó số vụ việc về tội phạm XHTE trên môi trường mạng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn.

Hiện có các hình thức phổ biến về nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội (MXH) mà trẻ em, đặc biệt từ 11 - 16 tuổi, thường gặp phải: tiếp cận thông tin giả (fake news); dễ dàng bị bắt nạt trên mạng mà đôi khi để lại hậu quả nhiều hơn trong thực tế (bị chia sẻ các clip về bạo hành, bắt nạt, nhiều em không dám quay lại trường và khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng); ngày càng nhiều trò chơi của trẻ có kết nối Internet dẫn đến nguy cơ lọt thông tin cá nhân; trẻ bị gạ gẫm về tình dục; trẻ rất dễ truy cập các trang thông tin xấu, độc, nguy hại thường được gửi kèm hoặc hiển thị trong những phần mềm trò chơi, xem phim... dành cho trẻ liên quan đến lừa đảo, tôn giáo, chính trị, thậm chí là tình dục, cờ bạc, cá độ...; trẻ em là đối tượng rất dễ bị dụ dỗ trên MXH...

Đối tượng XHTE đa dạng, đặc biệt trên môi trường mạng; trong khi các phương thức, thủ đoạn XHTE ngày càng tinh vi, đa dạng, phức tạp. Vấn đề này ngày càng trở nên nhức nhối, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, của mọi cá nhân, tổ chức xã hội.

Ngày 27-5, trong phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV về thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống XHTE, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng chống XHTE nói riêng nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn”.

Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020 - 2025” do Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức mới đây, bà Hoàng Thị Hoa - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết, việc bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có thể thực hiện việc bảo vệ trẻ em nếu có sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia, liên khu vực. Bên cạnh đó cần lấy ý kiến của trẻ để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Phải để trẻ phát biểu ý kiến của mình một cách dân chủ, để trẻ em nói về những điều trẻ em lo lắng và cần giúp đỡ.

Ông Hoàng Minh Tiến - Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin mạng - xác định, việc trẻ em bị nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng là tác động của cuộc cách mạng công nghệ. Do đó, vấn đề này phải được giải quyết bằng giải pháp công nghệ và đề cập đến việc xây dựng “Bộ kỹ năng số” với các thông tin trang bị cho trẻ những kỹ năng tương tác an toàn trên môi trường mạng, chủ động bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ có hại.

Song song với đó, trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ thông tin là xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, hấp dẫn, thu hút dành cho trẻ, để trẻ tránh xa các yếu tố xấu, độc trên môi trường mạng. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp truyền thống như: hoàn thiện hành lang pháp lý, giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tăng cường giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Việc bảo vệ trẻ em trên MXH cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà cả cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV sáng 27-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng chống XHTE nói riêng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mặc dù vậy, trên cả nước vẫn xảy ra 8.442 vụ XHTE được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ bị xâm hại. Ngoài ra, còn lượng lớn trẻ lao động không đúng quy định, trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và tảo hôn.

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống XHTE đạt được những kết quả quan trọng. Công tác thanh kiểm tra, giám sát về phòng chống XHTE được quan tâm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe; việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu.

Qua công tác giám sát, đoàn đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống XHTE; tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát công tác phòng chống xâm hại trẻ em... D.THANH

Ngày 31-5, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung đã đến trao quà cho các em thiếu nhi tại khu lưu trú công nhân Láng Le - Bàu Cò, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.

Được biết, từ ngày 30-5 đến 7-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã phối hợp với Thành đoàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình chăm lo cho thiếu nhi là con công nhân lao động ảnh hưởng dịch Covid-19 tại các khu lưu trú công nhân. Theo đó, Ban tổ chức đã trao 500 phần quà và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em tại các khu lưu trú công nhân. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn thăm và tặng 1.115 phần quà cho trẻ mồ côi, khuyết tật đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố (mỗi phần trị giá 200.000 đồng, gồm sữa, bánh, kẹo...).

Lê Ngân

Bình luận (0)

Lên đầu trang