"Hiện tượng" Đại học Tôn Đức Thắng
Vụ PGS.TS Đinh Công Hướng - nhà nghiên cứu Toán học có năng lực với 69 công trình KH công bố quốc tế trên các Tạp chí ISI/Scopus và "bán" 21 trong 69 công trình này cho ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Thủ Dầu Một, thêm lần nữa khiến dư luận dấy lên những câu hỏi về các trường ĐH "mua", "hợp tác" bài nghiên cứu để "nâng cấp" trường, đặc biệt trên bảng xếp hạng (BXH) các trường ĐH uy tín của thế giới.
Tháng 02/2022, nhiều báo chí trong và ngoài nước đưa tin trong bảng xếp hạng ĐH trẻ năm 2022 (Young University Rankings 2022) được Times Higher Education (THE) công bố ngày 15/02/2022, ĐH Tôn Đức Thắng đứng thứ 98 trong tổng số 539 trường được xếp hạng.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên của Việt Nam được xếp vào top 500 ĐH tốt nhất thế giới của THE - tháng 9/2021, cùng với ĐH Duy Tân - thành lập năm 1994 tại Đà Nẵng - ở vị trí 122. Ngoài 2 trường trên, Việt Nam còn 2 đại diện góp mặt, gồm ĐH Quốc gia Hà Nội (trong nhóm 301- 350) và ĐH Quốc gia TPHCM (nhóm 401+).
Điểm đánh giá các ĐH Việt Nam trên bảng xếp hạng ĐH trẻ thế giới của THE (Ảnh chụp màn hình)
Việc ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân lần đầu tiên có tên trong top 500 của bảng xếp hạng ĐH thế giới của THE gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật. Đặc biệt ĐH Tôn Đức Thắng trở thành "hiện tượng" trong nghiên cứu khoa học (NCKH) của làng ĐH Việt Nam.
Sự thực về công bố khoa học của Đại học Tôn Đức Thắng
Theo Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN), công bố ISI của Việt Nam năm 2019 ước tính khoảng 7.705 bài, nhưng riêng công bố của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chiếm gần 28% của cả nước (2.134 bài). Con số đó làm các nhà nghiên cứu (NC) kinh ngạc, vì giai đoạn 2008 - 2012 số công bố quốc tế trên Tạp chí danh mục ISI của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ dăm bảy bài/năm. Dư luận rộ lên thông tin trường này "mua" BBKH và ngay trong năm 2022, ĐH Tôn Đức Thắng chỉ còn 455 BBKH công bố quốc tế, bằng 1/6 năm 2020 (số liệu của Bộ KHCN)! Theo thống kê của trường này, từ ngày 01/01/2019 đến 31/12/2021, ĐH Tôn Đức Thắng đã công bố 5.569 bài báo trên các tạp chí KH có trong chỉ mục trích dẫn của WoS và Scopus.
Trước những lùm xùm đó, tháng 8/2022 trả lời báo chí, ông Vũ Anh Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết, tháng 5/2022 đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về hoạt động KHCN của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2019 - 2021 cho thấy, 70% số công trình công bố của trường là từ các thành viên hợp tác kiêm nhiệm bên ngoài trường, không làm việc cơ hữu tại trường. Giai đoạn 2019 - 2021, trường đã chi vượt quá định mức cho nghiên cứu khoa học (NCKH) so với tổng thu của nhà trường.
Cũng theo ông Vũ Đức Anh, ĐH Tôn Đức Thắng đã từng bước điều chỉnh chính sách, không ký hợp đồng NCKH với các NC viên kiêm nhiệm, không có những hoạt động NC gắn với trường; tăng cường nâng cao năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên, NC viên cơ hữu. Do đó, thời gian tới, số lượng BBKH công bố quốc tế của trường có thể sẽ giảm.
Liêm chính trong công bố khoa học?
Thực tế, nhờ số lượng BBKH được công bố quốc tế trong các năm từ 2015 đến 2021, mà chủ yếu do các NC viên kiêm nhiệm, không có những hoạt động NC gắn với trường được công bố (trong đó có nhiều công trình đứng tên PGS-TS Đinh Công Hướng), đã góp phần đưa trường này xếp thứ 6 thế giới về ngành Toán, cao hơn cả Cambridge, Oxford, MIT, UC Berkeley. Uy tín của ĐH Tôn Đức Thắng lên rất cao trên bảng xếp hạng ĐH là nhờ vậy!
Còn một vấn đề khác, theo GS.TS KH Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, thống kê về công bố của ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng trên các tạp chí của Nhà xuất bản (NXB) MDPI (Multidisciplinary Digital Publishing Institute - một trong những NXB thuộc loại tác giả phải trả tiền đăng bài, chất lượng nhiều công trình không đáng tin cậy, cho thấy Tạp chí Mathematics (chuyên về Toán của MDPI) đã đăng 6.241 bài báo; trong đó ĐH Duy Tân 15 bài (có 13 bài là tác giả nước ngoài), ĐH Tôn Đức Thắng 61 bài (trong đó 55 bài là của tác giả nước ngoài). Để đăng mỗi bài trên tạp chí này, tác giả phải trả 1.600 france Thụy Sĩ (khoảng 1.750 USD) cho NXB MDPI. Tổng số công bố trên tất cả tạp chí thuộc MDPI từ 2010 - 2021: ĐH Duy Tân 585 bài, ĐH Tôn Đức Thắng 857 bài.
Cũng theo GS Trung, tờ Mathematics của MDPI thậm chí còn không nằm trong danh mục tạp chí được đánh chỉ mục của Hội Toán học Mỹ. Theo hội này, tổng số công bố Toán học được bình duyệt của 2 ĐH trên từ năm 2010 đến nay: ĐH Duy Tân 424 bài, ĐH Tôn Đức Thắng 1.325 bài.
Các nhà NC đặt vấn đề liêm chính KH trong trường hợp này, thậm chí còn nghi ngờ ĐH Tôn Đức Thắng "mua" các BBKH thông qua các hợp đồng mua bán với các nhà KH trong và ngoài nước. Thực tế việc mua bán các BBKH từng là chiêu trò của một số trường ĐH ở các nước đang phát triển. Nguy hiểm của vấn đề này là tạo nên giá trị "ảo" về chất lượng ĐH, giúp ĐH đó thăng hạng trên BXH của nhiều tổ chức uy tín thế giới, với mục đích cuối cùng là thương mại, vì lợi nhuận khi ngày càng thu hút nhiều sinh viên (SV) theo học, cuối cùng người bị "lừa" cũng chính là SV!
Việc ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân có nhiều BBKH được công bố do các NC viên kiêm nhiệm, không có những hoạt động NC gắn với trường công bố, thậm chí "mua" hợp pháp (có hợp đồng), hoặc "cậy đăng"có trả tiền, có thể không vi phạm pháp luật nhưng thiếu liêm chính trong KH, vì nó tạo ra những giá trị "ảo". Các trường làm theo cách này chỉ đạt thành tích "ảo", mất tiền, hiệu quả thấp, thậm chí tác dụng ngược.
Không chỉ ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân "mua" hay "hợp tác" với các nhà NC đứng tên trường mình để công bố các BBKH, hoặc "cậy đăng" để trả tiền, các trường khác như ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), ĐH Hồng Đức... đều ít nhiều xảy ra hoạt động này và thực tế nó không thể nâng cao chất lượng của các trường ĐH ấy.
Đó là thực tế xót xa về chất lượng của các trường có hoạt động này, bởi việc "mua" hay "hợp tác" công bố các BBKH quốc tế không thể làm cho các trường trên nâng cao chất lượng. Lấy ví dụ như ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), điểm chuẩn trúng tuyển năm 2023 của 30 ngành chỉ lấy 14 điểm, 6 ngành lấy 14,5 điểm. Đây là mức điểm chuẩn thấp nhất cả mùa tuyển sinh năm 2023.
Hoạt động "mua" hay "hợp tác" với các nhà NC để công bố các BBKH quốc tế như "đỉnh núi băng" (có thể tan chảy bất cứ lúc nào) - như cách nói của GS.TSKH Ngô Việt Trung.
Tác giả bài báo khoa học ghi sai địa chỉ có sai không?
Để trả lời câu hỏi này cần phải xét việc các trường ĐH mua bài từ bên ngoài có sai không? Mới đây báo chí thế giới (Times, France24, Nature...) đưa tin về việc các ĐH ở Saudi Arabia trả tiền các nhà KH có số lần trích dẫn cao ở các nước phương Tây để họ ghi địa chỉ ở Saudi Arabia nhằm nâng thứ hạng trong các bảng xếp hạng ĐH. Tờ báo Thế giới đại học ví chuyện này giống như việc dùng "thuốc kích thích" (doping) trong thể thao và coi việc "ghi sai địa chỉ không khác gì việc nguỵ tạo số liệu, đạo văn hay phe đảng trích dẫn", "làm giảm lòng tin đối với khoa học" (https://www.universityworldnews.com/post.php...). Họ cũng nói rằng đây chỉ là "đỉnh núi băng" (có thể tan chảy bất cứ lúc nào).
Chúng ta có thể đặt câu hỏi là tại sao các ĐH ở phương Tây không chơi trò mua bài để nâng hạng? Họ đâu có thiếu tiền, nhưng họ biết không thể "đùa với lửa"! Năm 2021, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh của ĐH Temple bị Tòa án Liên bang Mỹ kết tội lừa đảo vì đã ngụy tạo số liệu SV để nâng hạng trường mình (https://www.justice.gov/.../united-states-v-moshe-porat...). Ông này bị kết án 14 tháng tù và phạt 0,25 triệu USD. Đại học Temple thoát tội liên đới bằng cách dàn xếp ngoài tòa, họ đã phải trả gần 5,5 triệu USD cho các SV kiện đã bị lừa vào học vì thứ hạng cao của trường.
Nhìn về Việt Nam, chúng ta thấy ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng luôn dẫn đầu Việt Nam trong các bảng xếp hạng ĐH trên thế giới về mọi mặt, thậm chí có mặt còn hơn ĐH Harvard của Mỹ. Việc các ĐH này mua bài bên ngoài cần phải bị lên án vì nó làm mất niềm tin của xã hội về nền giáo dục Việt Nam: Gây ra tình trạng thật giả lẫn lộn chất lượng đào tạo và NC; coi việc không trung thực trong kê khai thành tích là bình thường, thổi phồng xếp hạng để thu hút SV.
Làm thế nào để chống vấn nạn ghi sai địa chỉ? Tờ báo Thế giới đại học khuyến cáo giới truyền thông, chính quyền và các cơ quan quản lý thận trọng khi dùng BXH để đánh giá trường ĐH. Các cơ sở dữ liệu và xếp hạng "cần bảo đảm số liệu của họ phản ánh thực tế và có biện pháp trừng phạt nếu số liệu sai" (số liệu do chính các trường ĐH cung cấp). Theo GS Puigdomènech - thành viên Tổ chức Diễn đàn liêm chính NC của Quỹ KH Châu Âu: "Các nhà KH cần biết rằng việc này (ghi sai địa chỉ) có thể bị coi là hành vi sai trái (misconduct) liên quan đến sự nghiệp chuyên môn của họ”.
Sau khi báo chí đưa tin về các ĐH Saudi Arabia mua bài, Bộ trưởng Bộ ĐH Tây Ban Nha tuyên bố sẽ điều tra việc các nhà KH nước này bán bài. Đại học Cordoba ở Tây Ban Nha đã cho 1 nhà KH nghỉ việc không lương 13 năm vì tội ghi địa chỉ sai (https://time.news/saudi-arabian-universities-joan.../).
Bài báo của tờ Thế giới đại học kết thúc bằng bình luận của GS Puigdomènech: "Chúng ta cần khẳng định xếp hạng và chỉ số trích dẫn không nói lên điều gì về chất lượng nghiên cứu KH" rất đáng để chúng ta suy ngẫm!
GS-TSKH NGÔ VIỆT TRUNG - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam
(CATP) Ngày 07/11/2023, Chuyên đề Công an TPHCM đăng bài viết của tác giả Lưu Vĩnh Hy "Liêm chính khoa học nhìn từ trường hợp của PGS.TS Đinh Công Hướng". Sau khi báo phát hành, tòa soạn nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả, nhất là các nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học (KH). Chuyên đề Công an TPHCM xin chuyển đến bạn đọc một số nội dung của vấn đề đang được quan tâm, với hy vọng góp thêm những cách nhìn đa diện để nền KH nước nhà ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước; trong đó, công lao của các nhà KH cần được tôn vinh xứng đáng.