(CAO) “Một khi Tập đoàn TH tham gia hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học dài hơi và có chiều sâu, chắc chắn hệ sinh thái san hô ở Cát Bà sẽ phục hồi. Đây sẽ là nguồn bổ sung san hô quan trọng cho toàn bộ khu vực biển phía Bắc Việt Nam” - Ông Chu Thế Cường - Chuyên gia biển và vùng dưới bờ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) nhận định.
Trong khuôn khổ Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E), từ năm 2021 - 2022, Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà và IUCN đã triển khai thực hiện chương trình “Giám sát rạn san hô nhằm đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà” do Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (THFC), tập đoàn TH tài trợ.
Tập đoàn TH làm việc với VQG Cát Bà và các tổ chức bảo vệ môi trường về các biện pháp bảo tồn san hô - Ảnh: Tập đoàn TH
Qua quá trình giám sát đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô, VQG Cát Bà và Tập đoàn TH đã đề xuất nhiều biện pháp bảo tồn như: thành lập khu bảo tồn biển Cát Bà, giám sát hệ sinh thái biển; triển khai vườn ươm giống san hô phục vụ công tác phục hồi các rạn san hô bị suy thoái; thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ rạn san hô…
Đánh giá về cách tiếp cận của Tập đoàn TH trong dự án bảo tồn rạn san hô ở VQG Cát Bà, ông Nguyễn Đăng Ngải - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường biển cho biết: “Tập đoàn TH đã tiếp cận dự án một cách bài bản, khoa học và bền vững. Chuyên gia Phát triển bền vững của Tập đoàn trực tiếp tham gia khảo sát nhằm đánh giá và nhận diện các vấn đề địa phương cũng như VQG đang cần rồi mới lập kế hoạch triển khai. Trong quá trình tài trợ, Tập đoàn cũng thường xuyên đánh giá hiệu quả định kỳ và đề xuất giải pháp cho tương lai”.
Năm 2023 trên cơ sở kết quả đạt được, Tập đoàn TH đã thảo luận với VQG Cát Bà và IUCN về các biện pháp bảo tồn san hô. Từ đó thống nhất hỗ trợ VQG Cát Bà thiết lập hệ thống phao neo bảo vệ 29,5 hecta diện tích mặt biển khu vực có rạn san hô phân bố tại Vạn Tà, Giỏ Cùng và Ba Đình.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Giám đốc Phát biển bền vững Tập đoàn TH trao tặng phao neo cho đại diện VQG Cát Bà - Ảnh: Tập đoàn TH
“Trên thế giới hoạt động thả phao neo nhận diện khu vực cần bảo tồn được thực hiện rất phổ biến. Tại Việt Nam, đây là hoạt động bắt buộc theo Luật Thủy sản khi muốn thiết lập khu vực bảo tồn. Tuy nhiên vì điều kiện kinh phí còn khó khăn nên hệ thống phao neo ở nhiều khu bảo tồn chưa thực sự đầy đủ. Vì lẽ đó, sự hỗ trợ của Tập đoàn TH ở nội dung này là hết sức thiết thực, thúc đẩy hoạt động bảo tồn hiệu quả hơn rất nhiều” - ông Chu Thế Cường - Chuyên gia biển và vùng dưới bờ của IUCN chia sẻ.
Ngày 6-7/11/2023, đại diện IUCN, tập đoàn TH, VQG Cát Bà đã triển khai tổng kết chương trình năm 2023 và tiến hành thả phao neo nhận diện khu vực bảo tồn san hô. “Rất vui và hạnh phúc vì hành động tuy nhỏ bé nhưng mang lại kết quả to lớn cho công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển Việt Nam” là cảm xúc của anh Trương Quốc Bảo - Giám đốc Marketing cũng như mọi cán bộ nhân viên Tập đoàn TH khi trực tiếp thả phao neo tại khu vực biển Giỏ Cùng, Cát Bà.
Khi hệ thống phao neo được thả với mật độ đủ dày, đồng nghĩa với việc diện tích cần bảo tồn được xác định trực quan, dễ nhận diện. Từ đây giúp người dân, tàu thuyền qua lại nhanh chóng nhận ra khu vực có rạn san hô cần bảo vệ để chủ động tránh, không neo đậu tàu thuyền. Đồng thời phao neo còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật, hạn chế đánh bắt trái phép trong các phân vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô.
Chia sẻ quan điểm triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học của Tập đoàn TH, bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Giám đốc Phát triển bền vững cho biết: “Tại tập đoàn TH - Môi Trường là một trong những trụ cột luôn được chú trọng thực thi. Dự án bảo tồn san hô tại vườn QGCB là một trong nhiều dự án chúng tôi triển khai trong khuôn khổ Liên minh VB4E.
Việc TH hỗ trợ VQG Cát Bà thả phao khoanh vùng sinh thái rạn san hô là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm quản lý, thực thi pháp luật, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô. Năm 2024 chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng VQG Cát Bà thực hiện các giải pháp bảo tồn tiếp theo. Trong đó sẽ ưu tiên hỗ trợ xây dựng vườn ươm giống san hô để giúp VQG Cát Bà chủ động nguồn giống cho trồng phục hồi san hô trên những rạn bị suy thoái".
Trước đó, tháng 9/2023, VQG Cát Bà đã tiến hành thả phao neo đợt một tại khu vực Vạn Tà và Ba Đình. Phao sau khi thả được bàn giao cho các trạm Kiểm lâm thuộc địa bàn VQG Cát Bà quản lý, bảo vệ. Phao sẽ được bảo dưỡng định kỳ 1 lần/1 năm, có dự trù thay mới và lắp đặt lại hệ thống dây, phao theo đúng số thứ tự, vị trí ban đầu.
“Hiện tại, san hô hay các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nghiêm trọng. Việc phục hồi là vô cùng lâu dài về thời gian và tốn kém về tiền bạc. Kinh phí của nhà nước không thể đủ, chính vì vậy, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp như TH rất quan trọng. Một khi Tập đoàn TH tham gia hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học dài hơi và có chiều sâu, chắc chắn hệ sinh thái san hô ở Cát Bà sẽ phục hồi. Đây sẽ là nguồn bổ sung san hô quan trọng cho toàn bộ khu vực biển phía Bắc Việt Nam” - ông Chu Thế Cường nhận định.
Cán bộ nhân viên Tập đoàn TH trực tiếp tham gia thả phao neo tại khu vực biển Giỏ Cùng - VQG Cát Bà