Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề tái định cư trở nên cấp bách (bài cuối)

Thứ Năm, 09/11/2023 15:18  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng sạt lở, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng khu tái định cư (TDC) để bố trí chỗ ở.

Thế nhưng do thiếu sinh kế nên nhiều người dân đã quay về nơi cũ mưu sinh, bất chấp khuyến cáo, nguy hiểm rình rập. Mặt khác, chính quyền địa phương gặp khó khi chưa đủ quỹ đất, nguồn lực để xây dựng các khu TĐC.

Vụ sạt lở nghiêm trọng ở tỉnh Cà Mau.

TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, hiện có khoảng 20.000 hộ dân sống ven các tuyến sông có nguy cơ cao, cần khẩn trương di dời ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, TP Cần Thơ - những nơi sạt lở nghiêm trọng nhất. Tất cả đang chờ Trung ương tiếp sức bởi nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng là quá sức đối với các địa phương. Trong khi giải pháp công trình đắt đỏ, lại không thể bảo vệ hết khỏi các nguy cơ, các chuyên gia cho rằng ưu tiên trước hết là di dời, tái định cư và ổn định sinh kế cho người dân vùng sạt lở để giảm thiệt hại.

Dạo một vòng các khu tái định cư huyện Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà cấp bốn xây tường kiên cố hoặc đổ cột bê-tông, lợp tole chạy dài cả cây số trong tình trạng…vườn không nhà trống! Bên ngoài cỏ dại mọc um tùm, tường nhà rêu phủ kín, nứt nẻ, trơ khung. Ghé vào TĐC có hơn 30 căn nhà bị bỏ hoang ở ấp Long Sơn (xã Thông Bình, huyện Tân Hồng), chúng tôi thấy nhiều hộ dân đã tận dụng làm chỗ nuôi gà, chứa vật tư, nông cụ.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Bé cho biết: Những năm gần đây, sạt lở bủa vây người dân đồng bằng, lũ nhỏ khiến nguồn lợi thủy sản theo đó cũng dần cạn kiệt, làm cho sinh kế của biết bao gia đình khó hơn bao giờ hết. Từ đó, nhiều người phải rời quê hương tha phương cầu thực, bỏ lại những TDC nằm trơ trọi, đìu hiu.

Trở lại các khu dân cư ở xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình) chúng tôi thấy nhiều gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp, nợ nần. Có thâm niên hàng chục năm đánh bắt thủy sản, nhưng từ khi chuyển đến KDC buộc phải bỏ nghề. Ông Lê Văn Sáu buồn bã nói: “Lên đây nhiều cái bất tiện nên một số hộ đã về lại nơi cũ hoặc bỏ đi thành phố mưu sinh. Khi ở nhà sát mé sông nông dân còn nhờ nắm rau, chăn nuôi gà, vịt cải thiện đời sống; còn bây giờ lên đây đất đai chật chội chỉ đủ để cất nhà, không có khoảnh vườn trồng trọt, lại cấm chăn nuôi đến nỗi cái gì cũng phải mua thì rất khó sống”.

Gia đình ông Sáu chuyển về khu tái định cư ở hơn 10 năm nay. Tuy nhiên do làm thuê, làm mướn chỉ đủ tiền mua gạo nên tiền nợ cái khung nhà vợ chồng ông và rất nhiều người trong xóm chẳng trả xong. “Nhà quá nghèo nên đứa con gái học hết lớp 9 đành nghỉ để lên thành phố làm công nhân”, ông Sáu tâm sự.

Là hộ bị mất nhà trong vụ sạt lở kinh hoàng trên sông Vàm Nao, bà Bùi Thị Kết (ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) kể, sau vụ sạt lở gia đình được bố trí tái định cư và cất nhà ở. Để cất được căn nhà có diện tích 5m và dài 16m2 gia đình bà Kết phải bỏ ra số tiền 340 triệu đồng. Khoản này một phần do tích góp, một phần đi vay mượn. “Cuộc sống ở khu tái định cư khó khăn nên nhiều gia đình đã quay về chỗ sạt lở cũ ở do bờ kè đã xây dựng hoàn thiện”, bà Kết cho biết.

Tuy nhiên hơn 3 năm đưa vào sử dụng, 3km kè bảo vệ sông Tiền (chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình) đã 4 lần sạt lở, mất đi 1,3km, nguy cơ đe doạ tính mạng người dân quay về nơi cũ vẫn thường trực.

Chuyên gia đề xuất cần ưu tiên cho di dời dân và tái định cư. 

LO QUỸ ĐẤT ĐỂ DÂN CẤT NHÀ, CANH TÁC

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni (giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ), cái khó nhất hiện nay chính là tập quán sinh sống bao đời của người dân miền Tây Nam bộ, vốn đã quen với kiểu “trên bến dưới thuyền”, xây cất nhà ở ven bờ sông, kênh, rạch vì liên quan đến sinh kế trên sông nước. Tập quán ấy đã ăn sâu đến mức trở thành văn hóa của vùng đất này nên để thay đổi suy nghĩ hay vận động các hộ dân di dời đến khu vực khác sinh sống là rất khó.

Nói về tình hình bố trí do người dân sạt lở tại địa phương, bà Đặng Thị Bé Sáu (Phó chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Khu vực sạt lở chợ Tích Thiện có 30 hộ bị ảnh hưởng, có nguy cơ phải giải tỏa. Như vậy, những trường hợp này có thể được cấp đất tái định cư. Thế nhưng, điều chúng tôi lo lắng nhất là chính sách dành cho người dân vùng bị sạt lở còn chưa được nhiều. Ở cấp huyện hiện nay chưa có quỹ đất để hỗ trợ cho những người có nhà cửa bị mất trắng…”.

Tiến sĩ Dương Văn Ni cho rằng, việc lo tái định cư và tạo sinh kế mới cho người dân vùng sạt lở ở ĐBSCL đã trở nên cấp bách và cần sự vào cuộc của các bộ, ngành. Rất cần thực hiện một cuộc di dân lớn để di dời người dân sống ở các vùng ven bờ sông, kênh, rạch đến khu vực sống an toàn. Đối với các công trình mang tính lịch sử thì buộc phải cải tạo, nâng cấp, kè để giữ lại. Phải có kế hoạch rõ ràng và vào cuộc ngay thì trong vòng 10 năm tới mới có thể giải quyết được cho người dân ở các điểm nóng, cấp bách. Còn để di dời toàn bộ người dân vùng sạt lở thì phải gấp 3, 4 lần khoảng thời gian trên.

Việc để người dân tiếp tục phát triển nhà ven sông, kênh rạch cho thấy địa phương chưa đủ quyết tâm, chưa xem sạt lở là vấn đề bức thiết, không làm tốt tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành. Người dân vẫn nghĩ bờ sông là của “chùa” còn chính quyền thì buông lỏng quản lý.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện.

ƯU TIÊN DI DỜI, ỔN ĐỊNH SINH KẾ CHO NGƯỜI DÂN

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, do đó để tránh thiệt hại tài sản, tính mạng và ổn định đời sống cho 20.000 hộ dân ven sông ĐBSCL chúng ta có thể nghĩ tới 3 nhóm giải pháp: giải pháp công trình, giải pháp mềm và giải pháp rút lui. Giải pháp công trình có ưu điểm là nhanh, bảo vệ được một số nơi trong một thời gian, nhưng cũng đã bộc lộ hàng loạt nhược điểm, nhất là rất đắt đỏ, mỗi công trình có thể tốn từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Biện pháp công trình chỉ nên được thực hiện ở những nơi thật sự xung yếu, như đô thị, khu đông dân cư, nơi có cơ hạ tầng quan trọng chưa thể di dời.

Còn biện pháp mềm như trồng bần ven sông thì rất phù hợp sinh thái, chi phí thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt bùn cát, toàn bộ đáy sông kênh rạch ĐBSCL đều bị sâu hơn trước đây thì việc trồng bần và các biện pháp mềm khác cũng chỉ khả thi ở những nơi còn bồi hoặc ít sạt lở. Những nơi sạt lở mạnh thì biện pháp này cũng không còn làm được.

Việc ưu tiên thứ nhất là di dời, tái định cư và ổn định sinh kế cho người dân. Di dời trước sẽ đỡ thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân hơn là di dời sau khi sạt lở đã xảy ra. Đây là một thách thức lớn, cả với người dân và chính quyền. Khi chúng ta sống ở một nơi nào đó thì như là cái cây bám rễ về mặt xã hội, quan hệ xóm giềng, quan hệ mua bán, sinh kế, con cái đi học. Dù biết là sạt lở đang đe dọa nhưng bây giờ đi đâu, đến nơi mới thì sống bằng cái gì? Đối với chính quyền, cái khó là không thuyết phục được người dân di dời và quỹ đất ở đâu mà lập khu tái định cư, rồi làm sao hỗ trợ người dân ổn định sinh kế trong khi thiếu ngân sách. Biết là khó, nhưng biện pháp này vẫn cần được ưu tiên. Hơn nữa, càng thiếu kinh phí thì càng phải giảm đầu tư hàng ngàn tỷ vào những công trình chống sạt lở kém hiệu quả để ưu tiên cho công tác di dời.

Vấn đề thứ hai là cảnh báo sớm. Vẫn còn những vụ sạt lở xảy ra bất ngờ, khi mà chân bờ sông đã rỗng mà người dân sống ở trên không hề hay biết cho đến khi toàn bộ khối đất trượt xuống sông, kéo theo nhà cửa, tài sản của bà con. Sạt lở bờ sông ĐBSCL thường xảy ra từ giữa đến cuối mùa khô vì khi đó mực nước sông thấp nhất, tức là lúc bờ cao nhất, nặng nhất.

Với đặc điểm sạt lở bờ sông ĐBSCL là chân bờ bên dưới bị rỗng, hay gọi là “hàm ếch” bên dưới bờ sông, việc cảnh báo sớm để người dân kịp di dời chính là tìm và phát hiện kịp thời những “hàm ếch” mới hình thành trong tuần, trong tháng để thông báo cho người dân. Việc này không khó, không tốn kém với những thiết bị siêu âm quét lòng sông tại những đoạn sông có nguy cơ cao vào những tháng từ giữa đến cuối mùa khô.

 CẦN XEM LẠI QUY HOẠCH

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, trong tương lai cát sẽ ngày càng khan hiếm. Do đó, việc sử dụng cát cho hoạt động xây dựng dân dụng, đường sá, cơ sở hạ tầng sẽ phải thay đổi. Theo ông Thiện, việc đầu tiên cần phải thay đổi là quy hoạch đô thị. Trong bối cảnh sụt lún đồng bằng và khan hiếm cát thì việc sử dụng bê-tông nặng nề sẽ khó tiếp diễn. Quy hoạch nên chuyển sang hướng xây dựng ít phụ thuộc vào bê-tông và cát. Có thể áp dụng một số biện pháp để giảm lượng cát như áp dụng các Tiêu chuẩn xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, giảm trọng lượng tòa nhà bằng thiết kế nhẹ, sử dụng vật liệu nhẹ, khung gỗ từ rừng trồng.

Đối với các đô thị mới quy hoạch nên áp dụng nguyên tắc “cân bằng đào đắp”. Thay vì bơm cát để san lấp thì nên đào hệ thống kênh mương, ao hồ trong nội ô và dùng chính đất đào để san lấp. Làm như vậy sẽ giảm diện tích xây dựng và tạo được không gian đô thị thông thoáng. Hệ thống kênh mương, ao hồ trong nội ô, nhờ thế, sẽ tạo cảnh quan đẹp làm tăng giá trị của bất động sản lên nhiều lần. Hệ thống kênh mương này cũng giúp thoát nước, hấp thu nhiệt, điều hòa tiểu khí hậu cho đô thị.

Về xây dựng đường sá, trước đây khi làm đường ở đồng bằng sông Cửu Long người ta thường đào một hoặc hai con kênh song song hai bên đường và dùng đất đắp lên làm nền đường. Việc này tiết kiệm được rất nhiều cát san lấp mà còn tạo được môi trường nước thông thoáng. Đây là kinh nghiệm có thể nghiên cứu áp dụng.

Làm đường cao tốc trên cao thay cho đường cao tốc ở mặt đất có thể tiết kiệm được lượng cát rất lớn cho việc san lấp nền đường. Dù chi phí xây dựng ban đầu cao đối với phương án đường cao tốc trên cao nhưng nếu tính toán đầy đủ lợi ích cho vòng đời công trình, kể cả về kinh tế, xã hội, môi trường thì phương án làm đường cao tốc trên cao vượt trội so phương án làm đường cao tốc ở mặt đất. Ở những đoạn đi qua địa hình trũng thấp, làm đường cao tốc trên cao sẽ bảo đảm công trình tránh được bị ngập thường xuyên, cản trở lưu thông nước gây tù đọng, ô nhiễm.

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long: Bất an nơi của biển (bài 2)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang