Thu phục nhóm Fulro cuối cùng:

Kỳ 2: Đêm liên hoan trong rừng sâu

Thứ Ba, 31/10/2023 08:45

|

(CATP) KSờn im lặng đọc thư, không nói gì chỉ gật đầu và tủm tỉm cười. KBối - Trưởng tổ công tác đặc biệt lôi trong hành lý ra nào gạo, cá khô, mắm muối, bột ngọt... nói:

- Các bạn đói nhiều rồi, giờ nấu cơm ăn, uống rượu đã! Không còn gì để sợ nữa, đốt lửa lên!

Họ xúm lại làm cơm, ăn với cá khô, thịt cheo, ăn xong nấu thêm một nồi chè. KBrin - đứa con gái 9 tuổi và KNisson - con trai 2 tuổi của KSờn, cái bụng no căng vẫn cứ bắt chước người lớn đòi "Sà - piêng", "Sà - piêng" (ăn cơm). KSờn thấy vui trong bụng quá, anh đứng dậy đi quanh đống lửa cất tiếng hát bài "tùng - lằng" với lời hát da diết, du dương: "... Cúc cu cu ơi cu cu, gồ ra gô ma ra gô là gô..." (nội dung bài hát này dựa theo truyền thuyết của dân tộc Châu Mạ kể về người con trai yêu một con chim đẹp, chạy mãi vào rừng theo chim. Qua bao gian khổ, hiểm nguy, một bữa nọ "Giàng" cảm động nên hóa chim thành một cô gái xinh đẹp. Đôi bên xum họp hạnh phúc). Những người khác cũng vui quá, thi nhau hát suốt đêm.

Sau hơn 20 năm lẩn trốn trong rừng, đây là đêm đầu tiên những người tham gia Fulro được cơm no, rượu say, hạnh phúc. Mặt trời vừa lên, mọi người rủ nhau xuống con suối Đạm Por gần đó rửa mặt, thu vén hành lý trở về. Tổ trưởng KBối lúc này lôi ra những bộ quần áo mới bảo:

Các Fulro được ở trong nhà khách Công an huyện Bảo Lâm

- Anh Sáu - trưởng CA huyện dặn tôi cho các bạn quần áo mới. Các bạn không thể trở về với những bộ đồ rách nát thế này được, bà con buôn làng đến thăm sẽ buồn lắm!

Các Fulro cầm những bộ quần áo mới, rưng rưng nước mắt. Họ không ngờ chính quyền cách mạng có thể lo cho họ chu đáo như vậy! Vài phút sau, nam nữ, già trẻ xúng xính trong các bộ quần áo mới, họ bẽn lẽn bước ra khỏi các lùm cây, nhìn nhau cười ngất... Họ đi thành hàng một, vạch cây rừng trở về. 12 giờ 10 phút ngày 05/4/1998, tại cửa rừng thuộc xã Lộc Tân, Bảo Lâm, Lâm Đồng, "Anh Sáu", tức Thiếu tá Nguyễn Minh Thiệt - Trưởng CA huyện Bảo Lâm đã vui mừng đón toán Fulro gồm 6 người của KSờn trở về đầu hàng.

Vài ngày sau đó, anh kể với các tác giả loạt bài này: "Nhìn những khuôn mặt hốc hác, vàng bủng của họ, nhất là 2 cháu nhỏ, tôi xúc động vô cùng. Tôi không thấy họ là kẻ thù, chỉ thấy họ đáng thương! Sau bao nhiêu năm lầm đường, họ đã được trở về. Chúng tôi đón họ bằng tình thương chứ không phải những phát đạn!". Thượng tá Huỳnh Đức Hòa - Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng được báo cáo qua điện thoại ngay sau đó. Ngày 08/4/1998, Ban giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng đã về Bảo Lâm tổ chức lễ tặng Bằng khen cho tổ công tác đặc biệt 4 người và anh KLồng - người đã cung cấp nguồn tin quý giá ban đầu. Kèm theo Bằng khen, mỗi người được thưởng 2 triệu đồng. Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lâm tặng thêm 500 ngàn đồng cho mỗi người.

Riêng nhóm Fulro đầu thú được thưởng 3 triệu đồng, nhiều quần áo mới và được đồng chí Dương Sơn Hải - Chủ tịch UBND huyện hứa giúp cho mỗi người 6 tháng lương thực, cấp từ 5 - 10 ngàn mét vuông đất trồng cà phê ở buôn làng cũ và chính quyền sẽ hỗ trợ cho cất nhà. Một tương lai no ấm, xán lạn đang chờ họ phía trước...

Xe Công an huyện Bảo Lâm đón các Fulro ra đầu thú ở cửa rừng tháng 4/1998

Sau khi được chở bằng xe U-oát từ cửa rừng về trụ sở CA huyện Bảo Lâm, gia đình KSờn - toán trưởng được đưa vào trong một căn phòng đầy đủ tiện nghi (trong khu nhà khách CA huyện). KỚt, KLãi ở phòng bên cạnh. Các cán bộ, chiến sĩ CA phải tốn khá nhiều công sức mới truyền đạt cho họ được cách sử dụng toilet. Do 20 năm liên tục họ chỉ ăn củ mài nên trận liên hoan giữa rừng với tổ công tác đặc biệt đã làm họ bị sốc thức ăn, tiêu chảy. Họ được uống thuốc và ăn cháo loãng (không bỏ muối, đường, bột ngọt) vài ngày cho dạ dày quen với thức ăn mới, sau đó được ăn cơm theo tiêu chuẩn anh em CA đang hưởng. Họ ăn rất ngon, nhất là cô bé KaBrin. Bé nhai thức ăn với nét mặt đê mê tận hưởng. Có hôm thấy KaBrin ăn một bánh mì kẹp thịt, chúng tôi hỏi:

- Ăn cái gì vậy cháu?

- Bén... mì (cháu phát âm khó khăn).

- Ngon bằng củ mài không?

- Ngon hơn... ngon như... "chịt... cheo"...

"Rặn" được mấy câu như vậy xong, cháu cười ngặt nghẽo. Còn KNisson thấy người lạ là khóc thét. Cha nó - KSờn giải thích:

- Ở trong rừng không sợ con cọp, không sợ con voi, con trăn, nhưng mà rất sợ người. Nó chưa quen với người, nên sợ, khóc mãi!

Vũ khí và công cụ sinh tồn trong rừng của các gia đình Fulro

KSờn SN 1952 tại buôn Gia Rai (Lôn Thắng, Bảo Lâm), năm 1974 đi lính Bảo An - tiểu đoàn 260 Tuyên Đức. Cuối năm 1975, được Quận trưởng Fulro BZis rủ vào rừng, phong thiếu úy, hoạt động giữa khu vực giáp ranh Đắk Lắk - Lâm Đồng. Năm 1988, toán Fulro hơn 10 người do KSờn chỉ huy gặp một toán Fulro khác do KBrété dẫn đầu tại vùng Tà Nung, Lâm Hà. Sau khi hợp nhất, KBrété cùng một số chiến hữu chết vì một chứng bệnh lạ (toàn thân sưng vù lên trong mấy ngày rồi chết). KaLong - vợ của KBrété liền trở thành vợ của KSờn từ đó. Năm 1991, KSờn bỏ vợ con lại các chiến hữu nuôi để hộ tống một sĩ quan cấp tá của Fulro sang gặp các Fulro đầu sỏ ở Campuchia.

Nhiều tuần lễ chịu đói khát, băng rừng vượt núi, đến đại bản doanh của tổ chức mình, KSờn hoàn toàn thất vọng vì ở đó chẳng có cơ sở gì ngoài mấy hang đá, một nhúm người gầy rộc, đói rách và vài cây súng cổ lỗ chẳng còn đạn để săn thú! KSờn lại tiếp tục đào củ mài sống trong thời gian "hội nghị”. Nội dung được phổ biến là dù có đói khổ cũng không ra hàng nếu không muốn bị chặt làm 3 khúc... Chính sự xuyên tạc của bọn đầu sỏ Fulro như vậy đã làm hàng chục ngàn đồng bào dân tộc thiểu số vốn chất phác, dễ tin bị lùa vào rừng sống vất vưởng, đói khát như những bóng ma!

Hoàn cảnh theo Fulro của KỚt còn thê thảm hơn. KỚt SN 1952, sau 30/4/1975 là Xã đội phó xã Lộc Thắng. Một hôm, KỚt đang sung sướng ngồi ngắm rẫy lúa chín vàng thì 5 người vũ trang từ phía rừng xông ra. KỚt van xin:

- Ơ... lúa mình chín chưa tuốt, vợ có bầu, 4 đứa con không ai nuôi, cho mình về với vợ con đi!

Tên chỉ huy tự xưng là Quận trưởng KWòu thúc mũi súng vào gáy KỚt:

- Mày làm quan cho cộng sản lẽ ra phải bắn chết, nhưng tao tha. Theo chúng tao hay là chết?

KỚt gạt nước mắt, ra đi không lời từ biệt...

KLãi lớn hơn KỚt và KSờn 8 tuổi, thuộc Fulro "nòi". KLãi đi lính sư 23, bị quân giải phóng bắt làm tù binh từ tháng 02/1973. Sau 30/4/1975, được trả tự do, anh ta chạy luôn theo Fulro. Bị bắt cho cải tạo xong, lại trốn tiếp vào rừng nhập băng với nhiều toán Fulro. Cuối cùng các toán tan rã, KLãi theo KSờn cho đến ngày ra hàng...

*

* *

Trong 20 năm ở trừng, nhóm Fulro cuối cùng này đã sống ra sao? Họ uống máu các con thú săn bắn được để thay cho vị mặn của muối. Ăn đọt cây song mây có vị đắng làm gia vị, còn "cơm" là củ mài. Con nít mới đẻ, phụ nữ mới sanh thì nghiền củ mài ra làm cháo, nấu với rễ cây "k-ròng-liền". Sốt rét được trị bằng lá cây "păng-set" nấu đặc. Xà phòng được tự chế bằng cách dập dập thân cây "b-lách" cho nó sủi bọt. Bọt này cũng cay mắt như xà phòng thật. Đánh răng bằng than củi. Lửa được lấy rất nghệ thuật từ một viên đá thạch anh đập vào một mảnh sắt dày kẹp bùi nhùi. Cạo râu, hớt tóc bằng một mảnh thép móc từ đế giày nhà binh (Boot de Sault - trang bị cho quân đội Mỹ) ra mài bén.

Còn quần áo thì vào các nhà mồ lấy, nhà mồ còn cung cấp xoong, nồi, chén, rìu, rựa (vì tục lệ của đồng bào dân tộc là chia của cho người chết). Sau khi bắn được con thú rừng bằng cung nỏ bắn tên tẩm thuốc độc, họ sử dụng máu và đồ lòng của con vật trước. Các chỗ thịt ngon được phơi, sấy làm lương khô dự trữ. Đá với lửa là đồ chơi của mấy con nít, thỉnh thoảng cha chúng lại tặng thêm con khỉ chơi cho có bạn. Lúc mới ra CA huyện Bảo Lâm, Fulro "nhí” KaBrin 9 tuổi đã cắm đầu chạy khi thấy hình người trong tivi nói ồm ồm! Còn KaLòng - mẹ của các cháu thì mê mẩn vuốt ve cái chăn bông vừa ấm, vừa sạch sẽ. Chị bị bắt vào rừng khi mới 7 tuổi nên hiểu biết về xã hội hiện đại cũng không hơn gì mấy đứa trẻ do chị sinh ra!

Chiều 05/4/1998, toán Fulro của KSờn về đến CA huyện Bảo Lâm. Ngay hôm sau, mỗi ngày hàng trăm bà con, thân quyến của họ ở các buôn: Gia Rai, BKẻ... đã về thăm hỏi. Cuộc đoàn viên thật cảm động, những người già cứ ôm chặt lấy các Fulro, khóc, cười, nước mắt chan hòa: "... Cứ tưởng chết trong rừng núi cả rồi, ai ngờ lại được gặp ở đây...". Ngày KLãi ra đi, con gái tên KaNghiệp còn được mẹ nó địu trên lưng. Bây giờ KaNghiệp đã "bắt được chồng" (theo chế độ mẫu hệ), đẻ được cháu ngoại cho KLãi. Cô ta vừa gạt nước mắt vừa nói như vầy: "... Hồi nhỏ người ta cứ hỏi bố mình là ai? Mập hay ốm, cao hay thấp... mình đâu có trả lời được. Bây giờ mình sẽ kể cho cả làng biết mình có bố... mừng lắm!". KỚt, KSờn cũng "bị” nhiều con, cháu vây lấy, nhét đầy bánh trái vào vòng tay. Cả hai như người mất hồn, đón nhận hết tất cả với nước mắt tuôn chảy. Một cô cháu gái của KỚt ra về được một đoạn, nghĩ sao chạy vào nhét túi KỚt tờ giấy bạc 5.000 đồng.

Chúng tôi hỏi: "Cô còn đồng nào trong túi để về xe không?". Cô lắc đầu, vội chạy, mắt đỏ hoe. Anh chồng vạm vỡ đi cùng với cô nói: "... Người thân của mình về mừng lắm, vui lắm, không tiếc gì đâu. Vợ chồng mình có rẫy điều, sẽ chia một nửa...". Hạnh phúc cứ đến dồn dập, bất ngờ, làm những con người từng lầm đường, lạc lối cứ lặng đi. Không nói, nhưng họ hiểu tất cả. Vì vậy, mỗi lúc thấy các cán bộ CA đến, họ lại quỳ xuống chấp tay lạy tạ. Khi được nhắc nhở không được làm như vậy, họ lại khóc, nói: "... Các anh còn tốt hơn cả Giàng (trời), tốt hơn cả thần linh, chúng tôi không lạy sao được!".

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Theo dấu vết, tìm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang