70 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 – 12/7/2016):

An ninh Tây Nguyên: Thầm lặng những chiến công chống Fulro

Thứ Tư, 13/07/2016 11:55  | Ngọc Hà

|

(CAO) Trong cuộc chiến đấu hàng chục năm với tổ chức phản động Fulro, lực lượng an ninh các tỉnh Tây Nguyên đã phải chịu rất nhiều gian khổ, hi sinh. Cái lớn nhất họ có được không phải là chiến thắng quân sự, mà là đưa được hàng ngàn người lầm lỡ trở về với chính nghĩa, với bản làng, người thân của mình.

Trong cuộc chiến đó, cán bộ chiến sĩ (CBCS) an ninh luôn lấy chính sách khoan hồng của pháp luật để đối đãi với những con người lầm đường lạc lối, kéo họ trở về với cuộc sống yên bình.

Đập tan tổ chức phản động Fulro

Về cơ bản, từ sau năm 1975, Fulro là một tổ chức phản động dai dẳng, kéo dài do những thế lực thù địch giật dây, mưu đồ chống phá chính quyền cách mạng Việt Nam. Sau năm 1975 đến 1991 là thời kỳ Fulro hoạt động vũ trang tàn bạo, phức tạp nhất, kéo dài hàng chục năm trời. Chúng tấn công vũ trang, bắn phá, đốt nhà, cướp bóc, bắt cóc và giết hại dân lành, gây căm phẫn trong nhân dân, tội ác trải dài khắp các tỉnh Tây Nguyên.

Được sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Thường vụ Đảng bộ các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo lực lượng an ninh phối hợp tích cực cùng quân đội, các lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân, trong mấy năm sau ngày giải phóng, bằng nhiều biện pháp đã làm tan rã toàn bộ bộ máy đầu não Fulro. Những năm tiếp theo, vừa áp dụng chính sách khoan hồng vừa mở những cuộc truy quét các nhóm Fulro ngoan cố, lực lượng an ninh Tây Nguyên đã làm tan rã “bóng ma” Fulro.

Nổi bật nhất trong đó là Chuyên án F101 đầy bản lĩnh, trí tuệ của Ban giám đốc Công an Lâm Đồng, mà Đại tá Vũ Linh (tự Tư Vũ), nguyên Đại đội trưởng điệp báo A2, người được đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn cử vào Nam hoạt động trong kháng chiến chống đế quốc, sau làm Trưởng ty Công an Lâm Đồng, Cụm trưởng Cụm an ninh Tây Nguyên – là linh hồn của chuyên án.

Kết quả, ta đã câu nhử về hàng chục đầu não, thủ lĩnh Fulro cùng hàng ngàn binh lính Fulro khác do tự nguyện hoặc bị ép buộc tham gia vào tổ chức này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chụp hình lưu niệm cùng các già làng tại xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

Nhiều cán bộ chiến sĩ Công an đã nêu gương anh dũng. Nhiều đơn vị đã lập được công lớn. Công an các tỉnh Tây Nguyên đều vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý do Đảng, nhà nước trao tặng; trong đó có gần 10 đơn vị thuộc khối an ninh và nhiều cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng. Đáng kể, trong số đó có các đơn vị, như: Cục An ninh Tây Nguyên, Phòng Bảo vệ chính trị 2 – nay là Phòng PA88 (Công an 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai), Ban an ninh TX.Pleiku (Gia Lai), Ban an ninh TX.Buôn Ma Thuột, Đội cảnh vệ an ninh vũ trang (Công an tỉnh Đắk Lắk), Công an huyện Đơn Dương (Lâm Đồng); các cá nhân Anh hùng LLVTND Việt Nam là Liệt sĩ như anh hùng Lâm Văn Thạnh, Liệt sĩ Lưu Thế Hà (Công an Lâm Đồng)…

Ngoài ra, còn hàng trăm tấm gương anh dũng, dũng cảm quên mình vì sự nghiệp bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc, trên mảnh đất Tây Nguyên.

Song, điều làm các cán bộ chiến sĩ thấy quý nhất là hàng ngàn thành viên Fulro đã nhận ra lỗi lầm của mình, trở về và được sống trong sự thương yêu của gia đình và cộng đồng xã hội.

Nhiều người trong số đó đã trở thành những công dân gương mẫu trong phong trào quần chúng Bảo vệ an ninh Tổ quốc, những nông dân sản xuất giỏi. Đặc biệt có người tiếp tục phát huy tài trí, uy tín của mình, làm đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trong cơ cấu bộ máy chính quyền từ cấp cơ sở đến TW. Điển hình trong số đó có ông Nahria Ya Đuk – nguyên Đệ nhất phó thủ tướng Fulro, bị bắt trong chuyên án F101, sau ông trở thành Đại biểu quốc hội, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng. “Tôi giờ phải có trách nhiệm với bà con, bảo vệ Tây Nguyên, không để bị kẻ xấu âm mưu phá hoại” – ông Ya Đuk tâm sự.

Ông Tunéh Đen (SN 1936) – nguyên trung tá, tỉnh trưởng Phan Rang của Fulro từng là cảnh sát của chế độ cũ, sau tham gia tổ chức phản động Fulro với lý do “muốn chiến đấu cho Tây Nguyên”. Tại tổ chức này, Đen được phong quân hàm đại úy, chỉ huy lực lượng Fulro với hơn 70 tay súng, hoạt động ở vùng rừng núi Đơn Dương, Đức Trọng.

Năm 1994, sau gần 20 năm lẩn trốn giữa rừng sâu, gây bao tai ương, đổ máu, nhận được đơn kêu gọi về hàng của lực lượng an ninh Lâm Đồng, ông Tunéh Đen đưa vợ con về hàng tại Công an huyện Đức Trọng.

Về hàng, ông Đen không những không bị trừng phạt mà còn được chính quyền địa phương cấp cho 3ha đất, làm nhà ở, được cấp vốn để làm ăn. Nhờ siêng năng, chăm chỉ, đến năm 1997, gia đình ông Tunéh Đen trở nên khá giả nhất vùng, còn có lương thực, của cải cho bà con, hàng xóm vay mượn. Năm 2006, ông Đen mất do phát bệnh hiểm nghèo.

Chung tay chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

Cùng thời gian trở về với ông Tunéh Đen còn có các toán Fulro khác tại huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm (Lâm Đồng), như nhóm K’Sờn, K’Long Nhão - thiếu tá Fulro, Tỉnh trưởng tỉnh Runka - Long Khánh cùng với cả chục người khác là cấp dưới, vợ con hai “thủ lĩnh” này.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Giám đốc Công an tỉnh Huỳnh Đức Hòa, Thiếu tá Bùi Văn Sơn – Phó phòng Bảo vệ chính trị 2, (nay ông là Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng) đã đích thân ra đón những toán Fulro cuối cùng này. Họ không những không phải chịu tù đày mà còn được các cán bộ chiến sĩ an ninh mua quần áo mới cho mặc, mua sữa, bánh, lương thực cho ăn, được ở nhà tập thể của Công an huyện cả tháng trời để tập làm quen, hòa nhập với cuộc sống đời thường.

K’Sờn – toán trưởng Fulro thốt lên: “Tôi đâu nghĩ trở về hàng cách mạng lại sung sướng thế. Vậy mà tôi đã bị tổ chức Fulro nhồi nhét, tuyên truyền: nếu để lọt vào tay Công an, chúng tôi sẽ bị chém đầu, phanh thây vì tội phản quốc… Công an các anh tốt quá!”.

Những năm qua, tại các tỉnh Tây Nguyên, Đảng, nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với bà con vùng đồng bào dân tộc ít người. Lãnh đạo địa phương, trực tiếp là lực lượng an ninh cơ sở đã thực hiện phương châm “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con, hướng dẫn bà con trồng cây lương thực, chăn nuôi hiệu quả; sửa chữa, làm nhà cho các đối tượng chính sách, các gia đình có hoàn cảnh neo đơn.

Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn chương trình 134, 135, 30a… của Chính phủ, các địa phương đã đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung, nâng cấp, làm mới đường liên thôn, đường dây điện trung thế và hạ thế; kêu gọi các tổ chức từ thiện hỗ trợ, lồng ghép vốn địa phương, xây dựng các trường học, trạm y tế đến từng thôn bản; tạo chuyển biến rõ rệt trong vùng đồng bào dân tộc.

Trinh sát An ninh Lâm Đồng thăm các già làng ở huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) - Ảnh: Ngọc Hà

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, An ninh quốc phòng toàn dân được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo; đời sống vật chất, tinh thần của bà con này càng được nâng lên.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà - Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên phát biểu: “Những kết quả này khẳng định tính đúng đắn từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào DTTS; đồng thời cũng thể hiện những nỗ lực, cố gắng to lớn của chính quyền và bà con nhân dân trên địa bàn.

Trong đó, đặc biệt là lực lượng an ninh Tây Nguyên, đã không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn kề vai sát cánh, “nằm vùng”, “bám buôn làng” để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, đề đạt những nguyện vọng của bà con; gữ gìn an ninh chính trị, để cùng chung tay xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang