(CAO) Dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng hơn 12 năm qua, ông Trần Viết Hùng (SN 1967, ngụ P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) mưu sinh bằng nghề sửa xe ở vỉa hè và bơm vá xe miễn phí cho học sinh, sinh viên, người lao động nghèo.
Đến Đà Nẵng, có dịp ghé qua gốc ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập (Q.Thanh Khê) người ra sẽ dễ dàng nhận ra ở đó có một điểm sửa xe nhỏ nhắn, phía trước là tấm biển sơn màu đỏ được dựng ngay ngắn khá nổi bật ghi dòng chữ “bơm vá xe 325, học sinh - người khuyết tật miễn phí”. Đó là điểm bơm, vá, sữa chữa xe miễn phí quen thuộc suốt 12 năm nay của người dân Đà Nẵng.
Hàng ngày, ông Hùng lại lụi cụi đến điểm bơm vá xe miễn phí cho người nghèo khó
Hàng ngày, cứ tầm 2 giờ chiều đến khoảng 11, 12 giờ khuya, ông Hùng lại lụi cụi đến góc ngã tư trên để sữa chữa, bơm vá xe. Thu nhập của ông từ việc bơm vá xe chẳng được bao nhiêu. Trung bình khoảng 70-100 ngàn đồng/ngày, đắt khách thì khoảng 120-130 ngàn đồng/ngày.
Ban đầu thấy mọi người bị xẹp lốp xe, hư hỏng nặng, nhưng vì không có tiền nên họ ngại vào chổ ông sửa chữa. Biết vậy nên ông để luôn tấm bảng cho mọi người thấy, kèm số điện thoại, ai cần thì gọi. Nếu không ở gần chỗ ông, ai có nhu cầu gọi, ông sẽ xách đồ nghề tới nơi sửa dùm, kể cả đêm hôm khuya khoắt.
Giải thích về việc làm của mình, ông Hùng trải lòng: “Ở đây gần hai trường học nên thường xuyên có các cháu đến sửa, bơm vá xe rất đông. Tui xem tụi nhỏ cũng như con của mình. Các cháu chưa làm ra tiền, đi học, được ba mẹ cho đôi ba đồng bạc nhưng cũng có khi chả có đồng nào nên các cháu đến sữa chữa, bơm vá xe, tui không lấy tiền. Với người tàn tật, mình không có tiền để cho họ, không giúp đỡ được tiền thì nên sửa giúp họ. Mấy người bán hàng rong, xe đẩy, họ cũng cực nhọc, nghèo khổ hơn mình, thôi thì lá lành nhiều đùm lá lành ít, nghèo khó giúp nhau”.
Bộ đồ nghề của ông Hùng
Khi biết về gia cảnh chạy ăn từng bữa của ông, không ít người bĩu môi chép miệng bảo ông là gã “khùng”, làm không đủ ăn mà bày đặt làm từ thiện. Ông chỉ cười trừ rồi bảo “mỗi người có một suy nghĩ riêng”.
Chúng tôi tìm đến chỗ sửa xe của ông Hùng vào một buổi chiều, gia tài của ông chỉ là một chiếc xe máy ba bánh tự chế để chở máy bơm, thùng đồ nghề đã cũ kỹ. Người đàn ông này có hình dáng gầy gò, da đen nhẻm, mắt đeo kính cận, có nụ cười hiền lành.
Đúng vào giờ tan trường, học sinh ghé đến mỗi lúc một đông, ông thao tác thật nhanh sao cho vừa bơm, vừa vá xe để cho kịp lượt người khác. Bơm, vá, sữa chữa, cho hàng chục lượt người nhưng ông chẳng những không lấy của ai đồng bạc nào mà luôn nở nụ cười thật tươi.
“Ổng là vậy đó, chả bao giờ lấy tiền của người nghèo chúng tôi. Nhiều người nhìn vào ông đôi khi ăn mặc lịch sự lại cứ tưởng ổng có dư thừa của ăn của để, chuyển qua làm chút việc thiện cho vui, tích đức cho con cháu, nhưng gia cảnh của ổng cũng khó khăn như chúng tôi, kiếm dăm ba đồng nuôi con”, bà Trần Thị Lan, người bán hàng rong thường xuyên ghé đây kể. “Mỗi khi xe bị hư là tụi cháu lại mang ra nhờ chú Hùng sửa mà chả bao giờ chú ấy lấy tiền công. Chú ấy đúng là người tốt, đáng để chúng cháu noi theo”, cháu Đỗ Thành Danh, học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng cho biết.
(CAO) Vào khoảng 8 giờ sáng hàng ngày, người Sài Gòn lại thấy ông cụ mái đầu bạc phơ, với dáng người gầy gò đạp xe đạp cà tàng từ Thị Nghè về Bưu Điện TP... Ông mỉm cười chào những người bán bưu thiệp, rồi chậm rãi bước đến bàn làm việc của mình và chờ tiếp vị khách đầu tiên...
Làm việc ở vỉa hè đến tận 11, 12 giờ đêm, khi trở về nhà thì đồng hồ đã điểm qua ngày mới. Tắm rửa, nghỉ ngơi được vài tiếng, ông lại lò mò dậy phụ giúp vợ chuẩn bị nồi bún bán buổi sáng - nguồn thu nhập chính của gia đình. Vợ chồng ông làm đủ thứ nghề để nuôi ba đứa con ăn học. Đứa lớn đã nghỉ học từ lớp 9, lý do mang bệnh phổi nặng, nhiều lúc con lên cơn bệnh nặng vợ chồng phải chạy vạy từng đồng khắp nơi để chữa trị.
Trước đây, ông chạy xe ôm, xe thồ, bốc vác, sau đó mới chuyển qua bơm, sửa xe. Hiện cả gia đình 7 người gồm cả mẹ già và em gái đang sống tại một căn chung cư cũ được đền bù theo diện tái định cư của cha mẹ. Gia đình từng nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương, tuy vậy, người đàn ông này vẫn mê làm việc thiện, giúp đỡ mọi người.
Bà Phượng - vợ ông Hùng Tâm sự: “Dẫu khó khăn vất vả nhưng chỉ cần mình có tấm lòng thơm thảo với người khó, khổ hơn mình là tui thấy hạnh phúc lắm!”. Chúng tôi càng cảm động hơn khi biết, gánh bún của chị Phượng cũng thường xuyên bán miễn phí cho các em học sinh, người nghèo khó khăn. Việc làm thiện nguyện của vợ chồng ông Hùng luôn được bà con mến mộ. “Đến nay, tui cũng chả nhớ mình đã giúp được cho bao nhiêu người, cứ hễ ai khó khăn tìm tới là tui giúp. Người nào thay thế phụ tùng cao quá thì mới lấy phí, còn nhỏ lẻ thì tôi giúp hết. Mình làm việc thiện, con cháu mình ra đường mới có cơ hội gặp người tốt, sống tích đức hơn”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Chúng tôi hỏi ông “bao giờ sẽ tháo tấm bảng này xuống?”, ông cười nói: “Đến khi tôi không còn sức để làm ở đây nữa, nếu giờ làm lấy công thì cũng thêm thu nhập cho gia đình nhưng vậy tâm mình nó không yên. Mình phải giúp ích cho đời, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều. Cuộc sống mỗi người làm thiện một chút sẽ cảm thấy cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.