Đà Lạt:

Người xe ôm thắm tình nhân ái

Thứ Tư, 29/06/2016 11:53

|

(CAO) Lấy vợ là một người phụ nữ khuyết tật, công việc chỉ là một anh xe ôm, hoàn cảnh gia đình còn nhiều vất vả, khó khăn, vậy nhưng anh vẫn dành tấm lòng bao la chia sẻ vật chất, tinh thần với những mảnh đời bất hạnh.

Đến tổ dân phố 1, đường Trạng Trình, phường 9, TP. Đà Lạt, cán bộ và người dân ở đây hầu như ai cũng đều biết đến anh Lương Bá Cang (SN 1972), người mà bà con nơi đây vẫn thường gọi anh với cái tên thân thuộc, trìu mến “Anh Dũng”. Mọi người yêu mến anh bởi anh là người láng giềng tốt bụng, sống chan hòa với bà con hàng xóm.

Họ cảm phục anh, bởi anh đã vượt qua tâm lí đời thường khi anh chọn chị Trần Thị Thành làm người bạn đời để cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong suốt cuộc đời. Chị Thành là một người khuyết tật, chỉ cao một mét, phải di chuyển trên hai lưng bàn chân, lại mắc căn bệnh ung thư tủy hiểm nghèo. Anh đến với chị bởi tìm thấy ở chị một người phụ nữ khuyết tật nhưng giàu nghị lực và luôn sống lạc quan.

Mọi người kính trọng anh, bởi anh là người có trái tim nhân ái, nghĩa tình, luôn giúp đỡ những người có cuộc sống khó khăn, bất hạnh, những người khuyết tật như chính người bạn đời của mình. Mỗi ngày, ngoài thời gian làm bao nhiêu công việc cực nhọc để trang trải cho cuộc sống gia đình như: chạy xe thồ, sửa chữa xe đạp, hớt tóc… anh luôn dành thời gian để làm việc thiện, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ một cách tận tình, trách nhiệm đối với những con người bất hạnh, những người khuyết tật, những người mắc bệnh hiểm nghèo, mà không hề so đo, tính toán thiệt hơn.

Anh Dũng cõng người khuyết tật - Ảnh: Đàm Thị Thắm 

Chỉ cần nghe tin ở đâu đó có người khốn khó cần giúp đỡ, anh lại tìm đến. Đôi khi có thể chỉ là những giúp đỡ nhỏ nhoi nhưng đầy ắp tình người: quyên góp quần áo cũ cho người nghèo; vận động mọi người ủng hộ tiền mua áo quan cho những người vừa mất, có hoàn cảnh neo đơn, nghèo khó; quyên góp tiền để giúp cho người nghèo có tiền chữa bệnh, tham gia lao động công ích...

Những công việc thiện nguyện mà anh đã làm thật khó mà kể hết. Việc giúp đỡ những người khuyết tật không thể tự di chuyển phải bò, phải lết, những người không tự mình cầm dụng cụ để ăn… là những việc làm thường xuyên của anh; người này anh cõng, người kia anh bế, người khác anh dìu, người nọ anh đẩy xe lăn… người anh bón cơm, người anh đút cháo. Anh cứ xoay vần, chạy đi chạy lại hỗ trợ họ những lúc rảnh rỗi, khi người thân của họ bận rộn mưu sinh.

Anh tham gia Hội người khuyết tật TP. Đà Lạt đã trên 10 năm. Hiện nay, Hội có khoảng trên 250 người. Là nhân tố tích cực của Hội, anh luôn tham gia tự giác và gần như tất cả mọi hoạt động của Hội, nhằm sẻ chia và giúp đỡ tốt nhất cho những người khuyết tật. Mỗi tháng, Hội sinh hoạt câu lạc bộ một lần để trao đổi, chia sẻ tâm tư, triển khai chương trình hoạt động Hội trong tháng. Những buổi sinh hoạt câu lạc bộ quan trọng như vậy, anh không bao giờ vắng mặt. Hàng năm, người khuyết tật được khám bệnh định kì tại phòng khám Khu vực I, anh luôn tham gia bồng, bế,… để đưa những bệnh nhân nặng được đến khám chữa bệnh kịp thời.

Để có kinh phí hoạt động Hội và ủng hộ những người khuyết tật, hoặc những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang bị ốm đau bệnh nặng… anh Dũng luôn cùng một số thành viên trong Hội tích cực vận động các nhà hảo tâm đồng hành, giúp đỡ, như cô Thái Thị Hạnh (nhà giáo về hưu), cô Lê Thị Minh Im (Trưởng ban tổ chức sự kiện Hội người khuyết tật TP. Đà Lạt), Bác sĩ Tô Thị Kiều Sương (công tác tại bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch), bà Hoàng Thị Nga (Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố 6) và còn nhiều mạnh thường quân khác, các nhà sư chùa Sư nữ, chùa Linh Phong, tịnh xá Ngọc Tín, chùa Tuệ Quang, chùa Phước Huệ, chùa Vạn Hạnh…

Anh Dũng phát quà cho người khuyết tật - Ảnh: Đàm Thị Thắm 

Anh thường xuyên liên hệ với Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng, báo chí để thông qua đó, đăng tin những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng, như: chị Phạm Thị Trung Thu người khuyết tật lại mắc bệnh hiểm nghèo, chồng chị Trần Thị Cẩm Hương bị ung thư xương, bé Trang bị ung thư máu…

Anh còn liên hệ với Khoa công tác xã hội và phát triển cộng đồng Trường đại học Đà Lạt để được hỗ trợ những suất học bổng có giá trị bằng tiền mặt và hiện vật trao cho con của những người khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập; tặng quà cho các cháu bị khuyết tật ở Làng Hòa Bình Đà Lạt vào các dịp Tết, Trung thu…

Hàng năm vào các ngày 8-3, ngày 20-10, hay ngày 3-12 (ngày Quốc tế người khuyết tật) anh cùng các thành viên trong Hội tổ chức đêm liên hoan văn nghệ chào mừng các ngày lễ và gây quỹ Hội. Anh tham gia chương trình văn nghệ cùng với những người khuyết tật trong Hội, đem lời ca tiếng hát của mình làm đẹp cho đời, làm niềm vui tinh thần. Anh giúp đỡ, động viên những người khuyết tật trong Hội tham gia các giải thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật được tổ chức thường niên của tỉnh Lâm Đồng.

Qua hội thi, người khuyết tật được tiếp cận với các hoạt động thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe, loại thương tật, giúp người khuyết tật có điều kiện hòa nhập với cộng đồng.

Thông qua các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, người khuyết tật được khẳng định mình chưa thực sự vô nghĩa trong cuộc đời này. Hàng năm, anh cùng một số thành viên trong Hội tổ chức cho những người khuyết tật đi tham quan, khi ở Huế, lúc ở Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phan Rang… Mỗi chuyến đi như vậy đã làm ấm áp thêm tình cảm giữa những người khuyết tật ở các địa phương. Với anh Dũng đó là những chuyến đi quý báu để anh học hỏi kinh nghiệm từ Hội khuyết tật các tỉnh bạn trong cách chăm sóc, cư xử với người khuyết tật, để họ không bị đau đớn về thể xác, không bị tổn thương về mặt tinh thần... giúp họ lạc quan, yêu đời và tự tin hơn trong cuộc sống.

Trong suốt mười ba năm qua, anh tham gia tích cực mọi hoạt động của Hội. Từ năm 2005 đến năm 2013, anh được Hội hỗ trợ 100.000 đồng/tháng và từ năm 2014 là 350.000 đồng/tháng. Nếu tính toán thiệt hơn, có lẽ anh sẽ không thể tham gia mọi hoạt động mà không ngừng nghỉ như trong suốt thời gian qua, khi chính hoàn cảnh gia đình anh cũng khó khăn, nghèo nàn, vợ vừa khuyết tật, vừa bị căn bệnh ung thư tủy, con anh cũng là trẻ khuyết tật.

Anh tự nguyện làm việc nghĩa, thầm lặng, hi sinh, cống hiến trong suốt bao năm qua. Chia sẻ với chúng tôi, anh nói đơn giản: “Làm từ thiện không được cho phép mình ngại khó, sợ khổ, không được tự ái, giận hờn. Phải lấy sự làm việc nghĩa là niềm vui và lẽ sống”. Anh tâm sự: “Sở dĩ anh làm được như vậy vì anh luôn nghĩ đến và khâm phục phong cách, lối sống, cách ứng xử của Bác Hồ với mọi người: bình dị, chân tình, ân cần, gần gũi, hòa đồng, yêu thương, quý mến, khiêm nhường, độ lượng”.

“Con thật tuyệt vời, không ai giống như con”- đó là những lời ngợi ca của các ông, bà, cô, bác trong Hội người khuyết tật TP. Đà Lạt dành cho anh. Xã hội chúng ta vẫn cần lắm, cần lắm những tấm gương sáng giữa đời thường như anh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang