Giáo sư Nguyễn Đức Dân – cây đại thụ của nền ngôn ngữ học Việt Nam

Thứ Năm, 23/06/2016 22:21

|

(CAO) Ngày 23-6, tại Trường Đại học KHXHNV TPHCM diễn ra Hội thảo khoa học về những đóng góp của GS Nguyễn Đức Dân cho nền ngôn ngữ học Việt Nam.

Đại diện Lãnh đạo Trường ĐH KHXH-NV trao tặng khánh vàng chúc mừng nhân GS Nguyễn Đức Dân 80 tuổi

Dịp này, NXB Trẻ đã cho ra mắt cuốn sách Logic của từ hư. Đây là cuốn sách thứ 21 trong cuộc đời nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Đức Dân, và là một trong rất nhiều công trình về logic – ngữ nghĩa, một khuynh hướng mới được nghiên cứu ngôn ngữ tại Việt Nam. GS Nguyễn Đức Dân được biết đến như là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này.

Sinh ra ở Hà Nội, nhưng nguyên quán của GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Dân là tại làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đây cũng chính là nơi ghi dấu nhiều kỉ niệm thời thơ ấu của GS cùng gia đình mình. Thân phụ của GS là cụ Nguyễn Đức Chung, Nguyên Trưởng ty kinh tế Hà Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Lúc sinh thời cụ Nguyễn Đức Chung đã có những tư tưởng rất cấp tiến về cải cách kinh tế đất nước. Thân mẫu của GS là cụ Nguyễn Thị Nga, cháu ngoại của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Vì thế, GS là chắt gọi Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là cụ ngoại.

Các nhà khoa học, NCS trong buổi tọa đàm
GS Nguyễn Đức Dân với GSTS Bùi Khánh Thế - nhà điền dã ngôn ngữ nổi tiếng của Việt Nam
Nhà ngôn ngữ học Trần Chút chúc mừng GSTS Nguyễn Đức Dân và phu nhân – PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang

Từ thời tiểu học cho tới thời kì phổ thông, GS đã luôn bộc lộ tư chất thông minh hiếm có khi đạt được những thành tích xuất sắc và đồng đều ở tất cả các môn.

Học chỉ năm cuối phổ thông (hệ 9 năm) năm 1954 đã ghi nhận thành tích xuất sắc toàn diện của GS với kết quả xếp hạng nhất/ nhì ở tất cả các môn học, và chung cuộc xếp hạng 1/47 học sinh toàn lớp. Bạn học cùng lớp với GS lúc bấy giờ còn có GS.Viện sĩ. NGND- Nguyên BT Bộ GD Phạm Minh Hạc, và Nguyên BT Bộ Y tế. UV Bộ Chính trị, Trưởng ban tuyên huấn TW Đỗ Nguyên Phương.

Thời đại học chàng sinh viên Nguyễn Đức Dân say sưa với toán sơ cấp và nghiên cứu toán học hiện đại. Thầy tâm sự: “May mắn cho thế hệ tôi là lúc đó được học thêm với các nhà khoa học giỏi nhất VN. Giáo sư Tạ Quang Bửu giới thiệu về logic toán, về ngôn ngữ máy tính. Giáo sư Lê Văn Thiêm giảng về hàm phức, về đại số đồng điều. Thầy Hoàng Tụy giảng về toán hữu hạn, qui hoạch tuyến tính. Thầy Hoàng Phương giảng về vật lý lượng tử. Thích thì học, cũng chẳng biết học thêm để làm gì. Không ngờ nhiều môn sau này đặc biệt có ích cho tôi, trong đó có logic toán và ngôn ngữ hình thức”.

Cuốn sách thứ 21 trong cuộc đời nghiên cứu của GS Nguyễn Đức Dân

Năm 26 tuổi, thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Dân được điều lên Phòng Phổ thông, phụ trách chỉ đạo Bộ môn Toán cấp 3 của Sở GD Hà Nội. Lúc bấy giờ, thầy được phân công chuyên phụ trách lớp “Bồi dưỡng Toán của Hà Nội” thi HSG. Có năm, 3 đội Toán do thầy bồi dưỡng đã giành hết ba giải Nhất, Nhì, Ba của kì thi HSG toàn miền Bắc. Sau này nhiều học trò do thầy bồi dưỡng đã trở thành các nhà Toán học có tiếng. Có thể nhắc tới: GS.TS. Phan Quốc Khánh, GS.TS. Đào Văn Lượng, GS.TS Nguyễn Bá Ân…

Từ năm 1966 tới năm 1970, GS được cử đi làm NCS tại Ba Lan. Vì yêu thích các vấn đề về logic và thống kê trong toán học, nên lúc bấy giờ GS đã xin đề đạt ba nguyện vọng nghiên cứu: Vấn đề toán học trong nghiên cứu ngôn ngữ; vấn đề toán học trong nghiên cứu kinh tế và vấn đề toán học trong nghiên cứu y học. Cuối cùng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chấp thuận cho GS đi sâu về vấn đề toán học trong nghiên cứu ngôn ngữ. Năm 1970, GS đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học hình thức với đề tài “Minh họa câu đơn tiếng Việt bằng ngữ pháp phạm trù” tại Warszawa, Ba Lan.

GS Nguyễn Đức Dân với GS.TS.VS Trần Ngọc Thêm
80 tuổi, GS Nguyễn Đức Dân vẫn đóng góp cho nền ngữ học Việt những công trình khoa học xuất sắc
GS Nguyễn Đức Dân với GS Chu Xuân Diên

Sau khi từ Ba Lan về nước, GS được phân công về trường ĐH Tổng hợp Hà Nội – Khoa Ngữ văn (nay là trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG Hà Nội). Lúc này, GS trở thành cánh chim đầu đàn, người thành lập ra bộ môn Ngôn ngữ học thống kê tại Khoa Ngữ văn.

Những năm 1979-1980: GS được mời sang giảng dạy tiếng Việt và Văn minh Việt Nam tại ĐH Paris 7, Pháp. Sau đó, khi về nước GS đã liên tục giới thiệu nhiều giảng viên Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội sang giảng dạy tại ĐH Paris 7. GS đã trở thành cầu nối kiến tạo các quan hệ hợp tác đào tạo giữa ĐH tổng hợp Hà Nội và ĐH Paris 7 nói riêng cũng như Việt Nam và Pháp nói chung.

Gần 60 trong sự nghiệp trồng người. Cho đến nay, từ Bắc chí Nam, từ Toán cho đến Ngôn ngữ, từ trực tiếp giảng dạy cho tới chỉ hướng dẫn nghiên cứu, có rất nhiều học trò của GS (từ các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, giảng viên, giáo viên, …đã trở thành những con người đóng góp những công lao nhất định cho xã hội.

Các nhà khoa học, đồng nghiệp cùng chụp hình lưu niện với GS Nguyễn Đức Dân và phu nhân
GS ký tặng cuốn sách mới nhất vừa xuất bản
Chụp hình với các NCS ngôn ngữ

Thầy giáo Nguyễn Đức Dân luôn là người trầm lắng, mực thước, nhưng cũng là người đầy nhiệt huyết, tận tình, tận tâm đối với tất cả mọi thế hệ học trò. Tình cảm của thầy cũng vì thế mà trầm mặc, sâu lắng, và bền lâu. Thầy luôn nhớ và ghi nhận các đóng góp dù lớn hay nhỏ của từng học trò trong mỗi công trình khoa học. Thầy dành những trang cảm ơn đầu tiên của các công trình để nhắc tên và ghi nhận các đóng góp của các đồng nghiệp – học trò. Có những học trò được đứng tên chung với thầy trong một công bố khoa học ngay từ khi còn là sinh viên. Và sau này, họ cũng đều đã thành danh.

Giờ đây, khi tuổi đã ở “xưa nay hiếm”, khi đôi chân đã bắt yếu dần, Thầy – vị GS.TS.NGƯT 80 tuổi đáng kính của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam vẫn miệt mài với những giảng đường, với những thế hệ học trò mới, với những công trình khoa học. Thấy ở Thầy cốt cách của một nhà khoa học, nhà giáo với kiến thức mô phạm và đạo đức mô phạm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang