(CAO) Đây là tâm tư của nhiều đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh trong phiên thảo luận ở tổ về các dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật của chúng ta không ổn. Bởi vì việc xây dựng các luật lại giao cho Chính phủ, trong khi Chính phủ cũng chỉ là một bên liên quan.
Theo bà Lan, nên để cho một bên thứ 3 độc lập để Quốc hội là đại diện tiếng nói của dân đóng góp ý kiến. Chứ nếu để Chính phủ làm luật, nhiều chuyên viên chỉ bằng lòng với các báo cáo, không có thực tế, hoặc nếu có lại nhìn theo góc độ Chính phủ, tức là nếu cái gì không làm được thì cấm.
Bà Lan chia sẻ: “Có những văn bản luật, đã có hàng chục lần góp ý mà cũng không biết cơ chế nào để tiếp thu. Các văn bản hoàn tất cũng hơi chậm, khó để đại biểu sắp xếp tham gia cho ý kiến cho đầy đủ. Khi đã đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì còn gì mà cãi nữa. Vả lại, chúng tôi cũng không muốn cãi nhau với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà muốn tranh luận với cơ quan soạn thảo. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại nói tiếp thu, nhưng tiếp thu cái gì, trong khi Ủy ban không phải là cơ quan soạn thảo!”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan tâm sự: “Nếu thông qua toàn luật đó tôi cũng không yên tâm, cảm thấy có tội. Tôi cũng có nhiều lỗi với cử tri, chẳng lẽ tôi khóc với cử tri, vì nhiệm vụ của tôi chỉ là chuyển thư. Tôi mới tham gia Quốc hội có một nhiệm kỳ, nhưng từ ngày tôi làm đại biểu, tôi ăn không ngon, ngủ không yên!”. Đại biểu Lan đề nghị, chúng ta phải xem xét lại công tác giám sát cho thỏa đáng để tìm lối ra cho kỳ tới, để đại biểu Quốc hội thực sự là cầu nối cho dân, để dân thực sự tin yêu.
Đại biểu Võ Thị Dung cũng mong muốn, trong nhiệm kì tới, cần quan tâm đến mối quan hệ giữa Quốc hội và cử tri, cần lắng nghe ý kiến của dân. Bà Dung đánh giá rằng: "nếu nhiệm kì qua, Quốc hội thể hiện thái độ quyết liệt hơn với vấn đề Biển Đông thì cử tri hài lòng hơn. Việc họp Quốc hội thì thời gian quá dài, nội dung dàn trải, những vấn đề cần tranh luận quyết liệt lại không được thảo luận.
Trong hoạt động của Quốc hội cần có bộ phận chuyên trách để hỗ trợ cho đại biểu, trong điều kiện số đại biểu kiêm nhiệm còn nhiều, chứ như hiện nay, đại biểu Quốc hội còn đơn độc lắm, hoạt động ra sao tùy sự nỗ lực mỗi cá nhân".
Đại biểu Võ Thị Dung
Nhận xét về báo cáo của Chính phủ, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng đã tự phê bình những mặt được và còn khó khăn. Đại biểu đề nghị thực hiện mục tiêu kinh tế là chúng ta phải đặt mục tiêu giảm khoảng cách giàu nghèo, vì đây là bản chất của chế độ chúng ta.
Còn vấn đề chống tham nhũng thì chưa được đề cập cụ thể trong báo cáo. Đây là trách nhiệm với nhân dân, cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội chúng ta. Cải cách hành chính hiện nay là nỗi khổ của người dân, tuy thời gian qua có giảm nhũng nhiễu làm khó cho dân, cho doanh nghiệp nhưng chưa đạt. Hay là tinh giảm bộ máy, giảm chỗ này lại phình chỗ kia.
Về báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Võ Thị Dung thẳng thắn: “Tôi rất bức xúc về tình trạng quan liêu trong hệ thống hành pháp, tư pháp của chúng ta vì đây là nỗi khổ của dân, cũng là rào cản để những đại biểu tâm huyết thấy nhức nhối, thấy còn nợ dân”.