(CAO) Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đã có hàng ngàn ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Đoàn Chủ tịch đã phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp được 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Tích cực hưởng ứng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, cử tri và nhân dân mong muốn cuộc bầu cử kế thừa và phát huy thành công Đại hội đảng bộ các cấp của Đảng để lựa chọn những đại biểu có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, tâm huyết với đất nước, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước.
Đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp để tổ chức cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.
Cử tri và nhân dân cả nước cũng rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Các cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết còn gần 3.800 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Trong đó nhiều ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước phải quyết liệt giữ vững chủ quyền Biển Đông.
Cũng nhân kỳ họp Quốc hội này, nhiều cử tri phản ánh: Việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà ở với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho nhiều người dân có thu nhập thấp mua được nhà để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người dân khi thực hiện ký hợp đồng tín dụng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, mặt khác, một số ngân hàng chưa giải thích rõ về các điều khoản trong hợp đồng theo quy định, dẫn đến tình trạng người dân bất ngờ, lúng túng trước thông tin áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016.
Cử tri kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát và có giải pháp kịp thời để bảo đảm những người có thu nhập thấp đã ký kết vay theo gói hỗ trợ trên tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống.
Các cử tri cũng lo lắng trước tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra rất khốc liệt, như: tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, xâm mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại miền Trung,Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân và dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Nguy cơ 300.000 ha đất tại đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, xâm mặn và khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu người đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Trung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đang hiện hữu.
Các cử tri đề nghị chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm mặn; hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như đề ra các biện pháp căn cơ, lâu dài trong việc quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều; điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích ứng lâu dài và phối hợp với các quốc gia láng giềng để cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.