(CAO) Ngày 19-3-2016, tại TP.HCM, TAND Tối cao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với bản án, quyết định đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao chủ trì hội thảo cùng với sự tham gia của các chuyên gia pháp luật và chánh án tòa án của 32 tỉnh thành phía Nam.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình cho biết, theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có nhiệm vụ: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”…
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao chủ trì hội thảo
“Việt Nam là thành viên của nhiều văn kiện quốc tế song phương, đa phương, là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ là thành viên của Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì việc áp dụng án lệ trong xét xử sẽ góp phần nâng cao năng lực của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại. Đặc biệt là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo đảm các phán quyết của tòa án công khai, minh bạch, thống nhất, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Để triển khai quy định của Luật Tổ chức TAND, ngày 19-10-2015 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ và xác định: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
Các đại biểu tham dự
35 bản án, quyết định của tòa mà TAND tối cao đưa ra lấy ý kiến lần này, chưa phải là án lệ mà mới chỉ là những lựa chọn bước đầu, dự kiến đề xuất làm nguồn để phát triển thành án lệ.
Tại hội thảo, với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về pháp luật, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và đại diện của các tòa án, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các đại biểu thảo luận, trao đổi, bình luận thẳng thắn về những bản án, quyết định được đưa ra; trong đó, tập trung vào một số bản án, quyết định có tính điển hình để làm nổi bật nội dung và giá trị của án lệ; bảo đảm những lập luận, phán quyết được công nhận là án lệ phải có tính chuẩn mực, có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; bảo đảm công bằng; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.
Hai vấn đề mà các chuyên gia tranh luận nhiều nhất là công bố nguyên văn bản án hay biên tập lại cho có tính khái quát để dễ áp dụng, hay có cần thiết phải mã hóa án lệ hay không.
Với đặc điểm của đời sống cộng đồng dân cư nước ta hiện nay, luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần thiết phải mã hóa một phần, đó là tên và địa chỉ, bởi vì tránh trường hợp có người sử dụng án lệ làm ảnh hưởng gia đình, dòng họ có tên trong bản án, tâm lý con cháu không muốn nhớ đến những điều không tốt đẹp của cha ông mình. Do vậy, TAND tối cao cũng như Trường Đại học Luật phải nghiên cứu các viết tắt trong án lệ áp dụng.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa
Ngược lại, luật sư Trương Thị Hòa người đã từng áp dụng án lệ trước giải phóng đưa ra quan điểm là không nên viết tắt tên, địa chỉ vì điều này không vi phạm pháp luật.
Luật sư Trương Thị Hòa
GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, đưa ra quan điểm cần phải viết lại án lệ trên nguyên tắc khái quát hóa vấn đề, chỉ viết những tình tiết nào bắt buộc phải đưa vào án lệ không nhất thiết phải viết tất cả. cùng quan điểm.
GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM,
Còn viết lại án lệ, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng nên công bố nguyên văn nhưng có phần bình luận bên dưới của các chuyên gia pháp luật mới triển khai áp dụng.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Đại, chủ nhiệm khoa dân sự, Đại học luật TP.HCM, không có vấn đề gì phải mã hóa án lệ. TS Đại dẫn chứng trước đây ông cũng đã viết một cuốn sách về án lệ, vì cẩn thận sợ bị kiện nên chỉ viết tên thôi, khi đưa nhà xuất bản lại viết thành tên tắt, khi phát hành ra không ai hiểu gì cả.
PGS.TS Đỗ Văn Đại, chủ nhiệm khoa dân sự, Đại học luật TP.HCM
TS Đại nhận xét 35 bản án quyết định đưa ra lấy ý kiến lại sa vào những sự vụ cụ thể chưa khái quát hóa lên vấn đề, thiếu “thần thái” của một án lệ. TS Đại đề nghị TAND tối cao nên xây dựng án lệ chứ không phải lựa chọn án như đang làm.
Kết thúc buổi hội thảo, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình ghi nhận hết tất cả những ý kiến đóng góp hết sức bổ ích, để hoàn thiện tập án lệ đầu tiên để trình Hội đồng thẩm phán tối cao xem xét, thông qua, cho áp dụng trên cả nước.