Quốc hội khóa XIII: Không còn khoảng cách giữa dân và Quốc hội

Thứ Năm, 17/03/2016 15:50  | Kim Ngân

|

(CATP) Nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XIII đang đi vào những ngày làm việc cuối cùng. Đây cũng là thời điểm để các đại biểu nhìn nhận lại mình sau 5 năm được cử tri cả nước gửi trao trọng trách. Mỗi đại biểu (ĐB), theo nhiều cách, có những đóng góp khác nhau trong nhiệm kỳ của mình.

Nhưng điểm nhấn quan trọng nhất, rõ nét nhất là các hoạt động nghị trường đã có sự tham gia mạnh mẽ của người dân khi những tâm tư, nguyện vọng của họ đều được mang tới diễn đàn này.

Dấu ấn lập hiến, lập pháp

Chức năng lập pháp vốn là nhiệm vụ trọng tâm, nặng nề nhất của mỗi nhiệm kỳ QH. Ở nhiệm kỳ XIII này, QH còn để lại dấu ấn đặc biệt khi sửa đổi và thông qua Hiến pháp - đạo luật cơ bản nhất của mỗi quốc gia. Bên cạnh việc kế thừa và phát triển các giá trị cốt lõi, nền tảng của các bản Hiến pháp cũ, Hiến pháp mới bổ sung, làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn nhiều nội dung mới, quan trọng, phù hợp với đường lối, định hướng phát triển đất nước.

Nhớ về thời khắc bấm nút thông qua Hiến pháp 2013, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chia sẻ: “Đó là giây phút thiêng liêng dâng trào niềm vui, niềm tự hào đối với tôi. Bản Hiến pháp là sự thể hiện trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong đó có phần đóng góp của các đại biểu”.

Kể lại thời điểm thảo luận về nội dung Hiến pháp, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho hay, tính dân chủ được thể hiện rất cao. Nhiều ý kiến đóng góp (kể cả trái dự thảo) của tất cả các tầng lớp nhân dân, qua các kênh chính thức, không chính thức đều được tập hợp, ghi nhận và chuyển cho các đại biểu QH. Cách làm này đã tác động rất nhiều tới đại biểu vì họ cảm nhận rõ việc người dân đã được thỏa mãn nhu cầu dân chủ của mình. Đặc biệt, ĐB Trương Trọng Nghĩa chỉ ra tính dân chủ còn thể hiện rõ hơn khi lần đầu tiên quyền con người được đưa vào Chương II của Hiến pháp và được công nhận như một quyền phổ quát. Với nhiều điểm sửa đổi quan trọng, ông Nghĩa nhận định, Hiến pháp 2013 đã tạo bệ phóng cho đất nước bước sang một thời kỳ mới.

Từ những thay đổi trong nội dung Hiến pháp, một loạt các luật, bộ luật được sửa đổi theo. Tính đến hết kỳ họp thứ 10 (tháng 11-2015), Quốc hội khóa XIII đã ban hành 100 luật, bộ luật. Dự kiến tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua 7 dự án luật. Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đánh giá, QH khóa XIII hoàn thiện gần như toàn bộ hệ thống pháp luật, từ ban hành Hiến pháp 2013 đến sửa đổi các luật, bộ luật, trong đó có cả những luật được xây dựng mới lại. Cũng ở nhiệm kỳ QH này, lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức Nhà nước Việt Nam có khái niệm chính quyền địa phương. Có điều, vị Phó đoàn chuyên trách TPHCM chưa hài lòng khi ông cho rằng Hiến pháp đã mở nhưng luật thì khép lại. “Đó là điểm tôi tâm tư và tôi mong QH khóa tới sẽ sửa Luật Chính quyền địa phương cho phù hợp với Hiến pháp” - ông Lịch bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Hiến pháp 2013

Dù ghi dấu đổi mới song hoạt động lập pháp của QH vẫn còn tồn tại những bất cập. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIII thừa nhận công tác lập pháp chưa khắc phục được việc điều chỉnh thường xuyên Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Một số đạo luật còn có quy định chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống nên hiệu quả điều chỉnh và tính khả thi không cao... ĐB Trần Du Lịch lưu ý, hạn chế trong công tác làm luật của nhiệm kỳ QH khóa XIII là dù xây dựng rất nhiều luật nhưng tính đồng bộ của luật chưa được nhìn nhận, dẫn đến phát sinh những xung đột. “Có những luật cần làm trước thì lại không làm kịp” - ông Lịch phàn nàn và bày tỏ sự không an tâm trước tính thụ động của QH trong làm luật. Theo ông Lịch, tình trạng “cái gì Chính phủ có thì Quốc hội thông qua, còn Chính phủ chưa làm được thì để lại” cho thấy tính chủ động của QH còn hạn chế.

Tăng sức mạnh giám sát bằng lấy phiếu tín nhiệm

QH hội khóa XIII đã ghi dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Việc làm này đã nâng vai trò giám sát của QH lên một bước lớn. Toàn bộ quy trình LPTN được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát. Đánh giá cao hoạt động này, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói, việc LPTN có tác dụng tích cực, tác động đến lãnh đạo các ngành, buộc họ phải quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm, lời nói và việc làm của mình.

Cũng ghi nhận những chuyển biến này, ĐB Trần Du Lịch kiến nghị nên tổ chức LPTN hai lần trong một nhiệm kỳ. “Hai lần sẽ tác động nhiều hơn. Đánh giá của xã hội sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành” - ông Lịch nói. Còn ĐB Nghĩa thì đề xuất, nhiệm kỳ tới nên tham khảo để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm. Trước khi tiến hành việc này, ông Nghĩa gợi ý, các đại biểu có thể thăm dò, tham khảo ý kiến của nhân dân.

Cùng với việc LPTN, hoạt động giám sát của QH cũng có nhiều đổi mới, hiệu quả và thực chất hơn. Điều này tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Nhiều nội dung giám sát quan trọng được triển khai, từ những vấn đề kinh tế vĩ mô đến các vấn đề dân sinh bức xúc. Qua hoạt động giám sát, thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội được phản ánh tới nghị trường chân thực hơn; những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp được phát hiện.

Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch còn băn khoăn vì hiệu quả giám sát thực tế chưa cao, việc tổ chức giải trình của các Bộ đối với những vấn đề dân quan tâm chưa tốt. “Đại biểu cần tham gia tích cực hơn trong giải quyết khiếu tố của dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của dân” - ĐB Lịch yêu cầu. Lấy ví dụ ngay đoàn TPHCM, ông Lịch cho biết, dù cả đoàn đã rất tích cực giải quyết nhưng số vụ việc tồn đọng vẫn còn nhiều. “Nguyên nhân một phần do cơ chế, một phần do khả năng đeo bám vụ việc của từng ĐB QH chưa sát”, theo đại biểu Lịch. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang