Vuông tròn ký ức mẹ cha
Bà Lê Thị Muộn (84 tuổi, hiện trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự) tuy tuổi cao sức yếu nhưng những ký ức về đứa con trai bé vẫn hằn in trong tâm trí bà. Bà có 8 người con, Sự là con kế út. Học xong cấp ba, Sự thích đi bộ đội nên về vận động bố mẹ cho đi. Được vào lính Hải quân thì niềm vui càng trào dâng. Ăn Tết Nguyên đán xong, Sự háo hức vào đơn vị. Nhưng nào ngờ hơn nửa tháng sau thì bà Muộn nghe tin dữ, từ đó vĩnh viễn mất đứa con trai mà bà yêu quý.
Điều đau buồn hơn, khi biết tin anh Sự mất vào buổi sáng thì bố anh Sự bị “sốc”, khoảng 17 giờ ông cũng vĩnh viễn ra đi. Nỗi đau đại tang phủ kính lên gia đình bà Muộn thời bấy giờ, dường như không thể vượt qua mất mát quá lớn, nhưng vì những đứa con thơ, vì gia đình mà bà Muộn cố gắng sống để làm điểm tựa cho các con.
“Năm đó nó trở lại đơn vị, có để lại chiếc áo Hải quân, tôi đã may lại thành cái áo của mình để mỗi lần nhớ con lại mang vào để xoa dịu phần nào nỗi đau, thương nhớ con. 28 năm qua, chiếc áo vẫn là kỷ vật vô giá lưu giữ suốt đời”, bà Muộn chia sẻ, tay vân vê chiếc áo.
Mẹ Lê Thị Muộn nhận quà hỗ trợ của Báo Công an TP.HCM. 28 năm qua mẹ vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ con - Ảnh: Xuân Hoài
Còn trong ký ức của bà Hồ Thị Lại (80 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc), liệt sĩ Trương Quốc Hùng mãi mãi còn sống ở tuổi 20. Là con trai, nhưng Hùng giỏi hơn cả con gái. Đi học về, từ nấu nướng, chăm sóc ông bà ngoại, phụ thêm mẹ nuôi heo, làm việc nhà đâu vào đấy. Lớn lên ước ao được đi bộ đội Hải quân. Khi nguyện vọng được đáp ứng, vào Cam Ranh biên thư về cho mẹ rất ngắn gọn: “Con khỏe, bạn bè đông vui, má đừng lo, đừng buồn chi hết”. Nào ngờ đó là bức tâm thư cuối cùng mà bà nhận được từ đứa con trai bé bỏng của mình…
Ông Trần Huỷnh (trú 166 đường Núi Thành, Đà Nẵng) năm nay đã 94 tuổi, tuy lãng tai nhưng khi nhắc đến con mình (liệt sĩ Trần Tài) thì ông kể lể không hết chuyện. Ông có 3 người con đều tham gia bộ đội. Tài hy sinh, Cường sau này cũng bị tai biến chết trẻ, chỉ còn anh Trần Trọng là điểm nương tựa tuổi già của ông…
Ông Lê Văn Xuân (76 tuổi, trú phường Hòa Cường Nam) có 7 đứa con, trong đó liệt sĩ Lê Văn Sanh là tài hoa nhất. Hát hay, đàn giỏi, kể chuyện hài thì không bao giờ hết chuyện. Câu chuyện về liệt sĩ Sanh cũng hết sức bí hiểm mà người thân không thể lí giải hết.
Ông Xuân nâng niu tấm áo hải quân của liệt sỹ Sanh - Ảnh: Xuân Hoài
“Ngày mà anh Sanh hy sinh (thời ấy báo chí, truyền thông chưa phát triển, vài ngày sau mới biết tin) thì đêm đó, Sanh về báo mộng. Tôi nghe Sanh kể cùng đồng đội chiến đấu khi bị tàu Trung Quốc tấn công. Anh em đồng đội chống trả quyết liệt. Mặt Sanh đen sạm, bị cụt mất một chân… rồi tôi tỉnh giấc. Sau những ngày đó, tôi kể lại cho vợ nghe mà lòng nôn nao, bồn chồn. Khi nghe đài phát thanh đọc danh sách liệt sĩ hy sinh trong trận “Hải chiến Trường Sa”, chờ mãi không thấy hy vọng sống sót, nào ngờ liệt sĩ Lê Văn Sanh kế người cuối cùng”, ông Xuân bùi ngùi nhớ lại.
Chuyện tình của liệt sĩ Sanh hết sức li kỳ. Trong khu nhà mà Sanh ở, có cô L. (quê Duy Xuyên, Quảng Nam) ra ở với chị gái làm việc tại Đà Nẵng. Hai người có tình cảm với nhau. Về ăn Tết Nguyên đán năm 1988 trước khi vào Cam Ranh để ra đảo, khi liên hoan chia tay, chị L. nói: “Anh ra đi làm nhiệm vụ, cố gắng trở về, em đợi”. Nào ngờ lần đi ấy là lần cuối cùng hai người gặp nhau. Chị L. luôn bỏ ảnh anh Sanh trong phòng ngủ của mình để tưởng nhớ mối tình ngắn ngủi.
Khoảng ba năm sau, chị L. đi lấy chồng. Nào ngờ, trước lúc tổ chức lễ cưới 1 ngày, chồng sắp cưới của chị L. đang làm rạp cưới bị điện giật chết. Chị L. buồn quá, đi tu trong thời gian dài. Giờ chị L. trở về quê, sống một mình, trong nhà luôn thờ anh Sanh và cả chồng sắp cưới, thi thoảng ra nhà ông Xuân ghé thăm gia đình, nhất là ngày 26-1 (Âm lịch), ngày mà nhiều gia đình làm ngày giỗ cho các liệt sĩ hy sinh trong trận “Hải chiến Trường Sa”…
Còn đó những nỗi niềm…
Anh Dương Văn Dũng sau khi trở về, cuộc sống, sức khỏe của anh gặp nhiều trắc trở. Anh Dũng có đứa con trai thì năm học lớp 12 cháu bị tai nạn giao thông qua đời. Giờ con hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi học nhưng hoàn cảnh gia đình quá éo le. Anh Dũng làm thợ hồ, nhưng từ tháng 7-2015 sau khi phát hiện mình bị ung thư vòm họng thì chỉ chuyên tâm đi chữa bệnh. Anh vừa xạ trị lần 1, sắp tới chuẩn bị xạ trị tiếp. Cả nhà chỉ dựa vào vợ anh Dũng buôn bán hoa quả ở chợ, tiền cựu tù của anh Dũng mỗi tháng được 800 ngàn đồng cũng không đáng là bao để đỡ đần thêm gia đình. Anh Dũng không có chế độ thương bệnh binh nên đau ốm cũng tự bươn chải vay mượn người thân để chữa trị bệnh tật…
“Đang nằm viện nhưng những ngày này, tôi gắng về nhà để ngày 14-3 đi thắp hương cho các đồng đội hy sinh trong trận “Hải chiến Trường Sa” 1988 ấy. Vì cả Đà Nẵng có 10 anh em tham gia thì chỉ có tôi còn sống sót. Trong lòng tôi luôn có các đồng đội song hành bên mình”, anh Dũng tâm sự.
Trong số 9 liệt sĩ ở Đà Nẵng hy sinh trong trận “Hải chiến Trường Sa” 1988 năm ấy, thì hoàn cảnh, số phận của gia đình liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn (SN 1968) là lênh đênh nhất.
Bà Huỳnh Thị Kế (84 tuổi, hiện trú tại kiệt 448/10 đường Núi Thành, quận Hải Châu) là vợ hai của ông Nguyễn Điện (SN 1928). Vợ đầu của ông có 4 người con trai nhưng bà mất sớm. Sau này ông Điện lấy bà Kế sinh được anh Nguyễn Phú Đoàn và một người em gái. Ông Điện bị tai biến, gần 6 năm trời bà Kế chăm sóc ông từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Cách đây 3 năm, ông mất, bà Kế thì đau ốm triền miên. Mỗi tháng tiền chế độ mẹ liệt sĩ, người có công được tổng cộng gần 2 triệu đồng, bà Kế cũng rất vất vả, nhất là khi trái gió trở trời…
Mẹ Kế bên di ảnh con trai là liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn - Ảnh: Xuân Hoài
“Điều mà tôi đau đớn nhất là đứa con trai yêu quý của mình từ bấy đến nay chưa được đưa di ảnh vào trong nhà để thờ mà phải để ngoài am thờ phía trước sân gần cổng. Ước ao của tôi là có một mảnh đất làm căn nhà nho nhỏ, để đưa di ảnh thờ con tôi vào nhà thờ thì tôi nhắm mắt mới được yên lòng”, bà Kế nước mắt vắn dài.
Nói về lí do, một số người hiểu chuyện cho biết, những người con của bà vợ trước không cho đưa di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn vào thờ vì cho rằng kiêng kị hay vì một lí do nào đó mà bà Kế cũng không thể biết. Tuy nhiều lần địa phương, đơn vị (Trung đoàn E83), đồng đội của liệt sĩ Đoàn đã đến động viên những người con bà trước của ông Điện đưa di ảnh liệt sĩ Đoàn vào nhà thờ nhưng mấy chục năm qua họ vẫn chưa đồng ý.
Trước đây, con gái bà Kế li hôn, chuyển về ở với bà Kế, nhưng sau khi được TP. Đà Nẵng duyệt căn hộ chung cư dành cho phụ nữ đơn thân thì con gái bà về trên đó ở, bà Kế ở nhà một mình.
“Có lần làm đơn họ nói con gái tôi có căn hộ chung cư rồi, nhưng đó là chế độ của mẹ đơn thân, hơn nữa tuổi già sức tôi yếu không thể đi lại lên xuống cầu thang được, nơi thờ phụng con tôi để ở chung cư, sau này tôi mất đi sẽ ra sao, không được yên lòng nên khẩn thiết đề nghị thành phố xem xét”, bà Kế kiến nghị.
“Bà Kế đã làm đơn xin một lô đất để xây nhà tình nghĩa thờ phượng liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, phường Hòa Cường Nam xét thấy nguyện vọng chính đáng nên đã chuyển đơn lên sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng xem xét. Hy vọng lãnh đạo thành phố sớm xem xét để nguyện vọng trên”, anh Lê Văn Chép, cán bộ phường Hòa Cường Nam nói.
Khi cầm 5 triệu đồng Báo Công an TP. Hồ Chí Minh trao, bà Kế tay run run: “Tôi sẽ tích góp, để dành. Nếu thành phố cho đất thì tôi góp thêm làm nhà để thờ con trai mình”.