(CATP) 28 năm đã qua, nhưng là người Việt Nam, mỗi khi nghe cái tên “Gạc Ma” là trái tim đã đập dồn lên những cảm xúc đan xen trái chiều: đau đớn, uất hận, tự hào. Gạc Ma hay Cô Lin, Len Đao chỉ là ba hòn đảo chìm nhỏ bé thuộc quần đảo Trường Sa. Nhưng ở nơi đó, đúng 28 năm trước, máu của 64 liệt sĩ anh hùng Việt Nam đã đổ trong cuộc chiến đấu hoàn toàn không cân sức để giữ từng tấc đảo, bảo vệ lá cờ Tổ quốc trước mũi súng của quân xâm lược.
Những người lính công binh thuộc Hải quân Việt Nam đi trên hai tàu vận tải là tàu HQ 604 và HQ 605 ra xây dựng cột cờ, mốc chủ quyền trên các bãi đá gần đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa. Do đã nhận được lệnh không dùng súng đạn nếu xảy ra tranh chấp đảo, những người lính Việt Nam gần như đi tới Gạc Ma với hai bàn tay không, cùng dụng cụ lao động. Vậy mà tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã điên cuồng xả súng vào họ, những người lính không vũ khí tự vệ.
Trong hoàn cảnh đó, trước cái chết, những người lính hải quân Việt Nam đã tự động xếp thành vòng tròn trên bãi đá Gạc Ma, cùng nắm tay nhau và nắm giữ ngọn cờ Tổ quốc không cho quân Trung Quốc cướp đoạt. Và hầu hết họ đã ngã xuống trước làn đạn quân thù, nhưng hai bãi đá Cô Lin và Len Đao thì đã được gìn giữ bằng chính máu xương và thân thể của họ cùng con tàu mà họ đã lái đâm xuyên lên đảo đá như một pháo đài quyết tử. Chính hùng khí, chứ không phải vũ khí, của những người lính hải quân Việt Nam đã khiến quân thù khiếp sợ, và chúng ta còn giữ được hai hòn đảo Cô Lin và Len Đao.
Vòng hoa được thả trên biển tưởng niệm sự hy sinh của 64 chiến sỹ tử thủ bảo vệ Gạc Ma
Còn nhớ, chỉ sau ngày 14-3-1988 mấy ngày, chúng tôi là những nhà văn Việt Nam đang theo học một lớp tập huấn ba tháng ở Viện Văn học mang tên Gorki thuộc Liên Xô (cũ), chúng tôi đã nghe hung tin về sự hy sinh của 64 liệt sĩ Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chúng tôi đã lặng người, cứ như không tin được sự thật này. Là những người lính bước ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi không quá xa lạ với những hy sinh mất mát. Nhưng cuộc chiến đấu và sự hy sinh lẫm liệt của 64 liệt sĩ Việt Nam ở Gạc Ma đã ập vào tâm hồn chúng tôi những ngọn sóng lớn. Thật khó để phân tích được cảm xúc của mình lúc đó. Và đến giờ, niềm đau Gạc Ma vẫn còn mãi.
Cuộc chiến Gạc Ma. Không, phải gọi đó là một cuộc thảm sát mới đúng. Nhưng điều kỳ lạ là trong chính cuộc thảm sát đó, những người anh hùng lại là những nạn nhân bị thảm sát, chứ không phải bọn người có đầy đủ vũ khí kia. Sừng sững trước mũi súng quân thù là những người lính đảo, họ đúng là đã “trần lưng ra trước mưa đạn quân thù”, họ đã xúm quanh ngọn cờ Tổ quốc mình, xúm quanh hòn đảo chìm tượng trưng cho máu thịt đất nước mình, họ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Từ ngày đó, câu nói trên không còn là câu khẩu hiệu, nó là lời thề xung trận của những người lính Việt, của tất cả những người Việt Nam yêu nước.
Có những người lính đảo
trần lưng trước mưa đạn quân thù
“chỉ được xáp lá cà bằng lê”
nhưng với khoảng cách này là không thể
đành chỉ được chết vì đảo
đành cho lãng quên vùi mấy mươi năm
Gạc Ma Gạc Ma
hãy kể cho con cháu anh điều này:
có những người lính đảo
đã chết theo vòng tròn
tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau
như một tràng hoa biển
không quỉ ma nào xé nổi
tràng hoa biển ấy
(“Chân sóng”- trích “Trường ca chân đất”-Thanh Thảo)
Năm 2012, khi viết “Trường ca chân đất”, tôi đã dành nguyên một chương “Chân sóng” trong trường ca này để viết về sự hy sinh lẫm liệt và bi tráng của những liệt sĩ Gạc Ma. Tôi coi đó là một nén hương lòng dâng lên anh linh những người anh hùng, dâng lên “vòng tròn bất tử” giờ đây đã thành những vòng sóng xúc cảm lan tỏa trong tâm hồn mỗi người Việt Nam yêu nước.
Với những người anh hùng như thế, chúng ta không bao giờ mất nước.Gạc Ma sẽ không bao giờ bị lãng quên.