(CAO) Vào giây phút cuối cùng vào lúc 7 giờ sáng của ngày 14-3-1988 trên đảo san hô Gạc Ma, Trung úy Trần Văn Phương vẫn giữ chặt lá cờ tổ quốc khi trên mình đầy máu và vết thương, anh vẫn không hề biết vợ anh đã có thai hơn một tháng. Và sau đó, đứa con gái duy nhất của anh đã lớn lên mà chưa một lần được nhìn thấy và gọi tiếng cha.
Cô tên là Trần Thị Thủy năm nay 27 tuổi, hiện đang là thiếu úy Lữ Đoàn 146 vùng 4 Hải quân, đã trả lời phỏng vấn trên Đài Tiếng Nói Việt Nam, phát sóng trên kênh VOV1 ngày 08-07-2015, về cảm xúc của mình khi hay tin về cuộc đấu giá bức tranh Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử nhằm tri ân 64 gia đình liệt sĩ đã hy sinh tại đạo Gạc Ma.
Bức tranh “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử”
Cảm xúc của chị như thế nào khi nhìn thấy bức tranh Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử, mà trong đó hình ảnh người cha của mình – liệt sĩ Trần Văn Phương đang cầm lá ngọn cờ tổ quốc?
Lúc mà em biết được bức tranh vẽ hình bố em và các đồng đội của bố em kết thành vòng tròn bất tử ở Gạc Ma được đấu giá để làm việc ý nghĩa như thế thì em thực sự rất là xúc động…
Mỗi lần nhìn thấy bức tranh này cảm xúc của em lại hết sức khó tả. Và bên cạnh sự xúc động đó thì em còn có lòng tự hào của mình với người cha. Đây không những là bức tranh có ý nghĩa với chỉ riêng mình em mà còn có ý nghĩa hết sức nhân văn với toàn dân tộc. Được biết nó được đấu giá để làm việc hết sức ý nghĩa như thế em cũng hết sức cảm ơn những người đã tổ chức nên việc này.
Chị còn giữ những kỷ vật của cha mình ạ?
Kỷ vật của ba em cũng có một số bức thư, bức thư của ba ngày xưa ba để lại cho mẹ. Còn em lúc đấy, lúc ba hy sinh thì mẹ chưa sinh cho nên em chỉ giữ lại những bức thư của bố thôi.
Có một bức thư trước khi hy sinh ba gửi cho mẹ là cho em nhiều cảm động nhất. Bức thư dặn dò lại mẹ, lần cuối cùng bố đi. Nghe mẹ kể lại, trước lúc bố đi, nếu mẹ ở nhà có bầu, mẹ sinh con trai thì mẹ đặt tên Tư Long, mẹ sinh con gái thì đặt tên Thủy. Bố hy sinh thì mẹ em biết có bầu, mẹ đặt tên như bố dặn.
Bố em hy sinh thì mẹ em mới 22 tuổi, cuộc sống có nhiều khó khăn. Một phụ nữ còn trẻ thì mất chồng chịu nhiều thiệt thòi trong khi lại bụng mang dạ chửa. Ông bà nội ngoại hai bên cũng khó khăn. Hồi đấy mẹ em vất vả lắm, em thì thiếu thốn vật chất, tinh thần, mẹ em cũng vậy. Nhưng mẹ em vượt qua tất cả, không để lại điều tiếng gì và vượt qua mọi khó khăn để nuôi em trưởng thành như ngày hôm nay
Được biết chị đã quay lại nơi thiếu uý Trần Văn Phương hy sinh, hẳn là lúc đó chị có nhiều cảm xúc, chị có thể chia sẻ không ạ?
Năm 2010, em có dịp được đi Trường Sa 2 lần. Buổi sáng hôm đấy, tàu đi qua vùng biển Gạc Ma, mình đừng từ phía Sinh Tồn nhìn lại thì em gần như nhìn thấy bố. Em nhìn về hướng Gạc Ma thì gần như em nhìn thấy bố, nhìn thấy bố đang đứng từ xa nhìn lại em. Lúc đấy em bật khóc ở cửa biển, em gọi điện cho mẹ....
Em nhìn thấy hình bóng của bố nhìn em như đang thúc giục, đang có một cái gì đấy. Lúc đó em gọi điện cho mẹ, hai mẹ con khóc. Mẹ bảo thôi bây giờ con có dịp được đi ra đó thì thôi cố gắng phấn đấu. Mẹ cũng động viên an ủi vậy thôi. Em có suy nghĩ sẽ đưa mẹ trở lại vùng biển đấy để được đi qua nơi bố hy sinh mà không biết nguyện vọng của mình có được hay không.
Đến tận bây giờ chị vẫn còn rất nhiều cảm xúc. Hiện tại bây giờ với cá nhân mình thì chị có mong ước gì lớn nhất?
Ban đầu vào đây công tác thì cũng có nhiều khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của các tổ chức nên hiện tại vợ chồng em cũng được xây được một căn nhà nho nhỏ để có nơi thờ tự bố nhưng nguyện vọng to lớn của em có được nơi thờ tự bố đàng hoàng thì bước đầu cũng hoàn thành rồi. Nhưng giờ muốn có nơi để đưa mẹ về sống vì hiện giờ mẹ em đang đi làm thuê ở Sài Gòn.
Xin cảm ơn chia sẻ của chị!