Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ IX:

Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và sáng tạo

Thứ Sáu, 10/07/2015 15:10  | Hoài Hương

|

(CATP) Cũng như ở các kỳ đại hội khác, đại biểu, các nhà văn và những người yêu mến văn chương VN đều quan tâm đến nhân sự nhiệm kỳ mới. Và gần như đây là một vấn đề trọng tâm mà nó luôn được đề cập ở nhiều cấp trước đại hội.

Ban chấp hành (BCH) nếu thật sự là những người có nhiều uy tín cả nghề lẫn công việc hội, thì có thể là một tác nhân để có thể có nhiều tác phẩm chất lượng cao, và văn học VN có tầm thế thời đại xứng đáng.

Ghi chép bên lề đại hội:

Nhà văn Nguyễn Văn Tho (Việt kiều Đức): Tôi kỳ vọng vào BCH nhiệm kỳ mới nhận diện đúng văn học VN cần là gì. Ai lãnh đạo cũng không quan trọng, nhưng phải là người có uy tín cả về tư cách chính trị, chuyên môn, có được tầm kết nối các nhà văn để tạo sự “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo”. Riêng về nghề, theo tôi, cần phải thay đổi cách nhìn như bao lâu nay để đánh giá đúng nhiều vấn đề (được - bị) xem là nhạy cảm, ví dụ như: chiến tranh - hậu chiến tranh, những góc khuất xã hội... Đã đủ thời gian để đánh giá đúng và nhà văn phải được phép vào cuộc, không thể bỏ qua...

Nhà thơ Thái Thăng Long: Thật ra tôi không quan tâm lắm về chuyện ai vào BCH nhiệm kỳ mới. Vì với tôi, việc cần và quan tâm của nhà văn là viết, là tác phẩm. Không phải BCH là người a- b- c... mà ảnh hưởng đến tác phẩm của mình. Nhưng có một BCH là những người cho mình nể, phục, cho mình cảm thấy yên tâm khi họ sẽ làm việc vì các quyền lợi của các nhà văn, thì tôi ủng hộ. Nhưng giả sử những người ngồi ghế đó mà nghĩ tới quyền lợi riêng, không làm được gì cho chung, thì tôi chỉ buồn, và bản thân vẫn cứ theo đuổi công việc đam mê của mình là viết... chẳng ảnh hưởng gì.

Nhà văn Trần Hữu Việt: Thẻ căn cước của nhà văn là tác phẩm. Nên việc sáng tạo ra tác phẩm văn học chất lượng cao là quan trọng nhất. Việc nhân sự BCH nhiệm kỳ mới, theo tôi nên có người trẻ, vì thật sự đây là thời của trẻ, người trẻ trong BCH sẽ như tác nhân kích thích cho những người viết trẻ những sáng tạo mang tầm thời đại, như sự kế thừa các lớp đàn anh đi trước. Nhưng trẻ hóa BCH cũng không có nghĩa là tất cả đều trẻ, thay đổi hết. Vì già có kinh nghiệm - trải nghiệm của người già, đặc biệt có uy tín cao, có thể kết nối nhiều thế hệ nhà văn có tiếng nói chung.

Nhà văn Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn VN khóa 8): Khi được hỏi về vị trí chủ tịch nhiệm kỳ mới, trong khi ông là người được phiếu cao gần như tuyệt đối thăm dò ý kiến trước Đại hội lần IX, ông cười rất thoải mái: “Mình phải biết giữ sự bình yên trong mình, đừng vì những ý kiến này kia mà làm cho xao động hay vọng động. Nếu như được mọi người tín nhiệm tiếp tục ở trong BCH nhiệm kỳ mới thì cũng gắng sức toàn tâm toàn ý vì công việc của hội. Còn như mọi người thấy tôi cần nghỉ, thì mình cũng thanh thản mà nghỉ, và khi đó sẽ giành thời gian để viết, công việc mà thời gian qua tôi chưa thực hiện được cho bản thân mình...”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang