Người mẹ và những kỷ vật của liệt sĩ Gạc Ma

Thứ Bảy, 12/03/2016 09:45  | Hải Đường

|

(CAO) Đã 28 năm trôi qua, kể từ ngày diễn ra Trận chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ngày 14-3-1988, nhưng sự đau xót, thương nhớ vẫn còn hiện rõ lên gương mặt của bà Trương Thị Ngò (89 tuổi).

Mẹ Ngò là mẹ của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường (SN 1962, trú thôn Thanh Quýt 1, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Chúng tôi đi dọc theo đường làng để tìm về nhà mẹ Ngò. Khi vừa hỏi đến mẹ, người dân đã rất nhiệt tình chỉ dẫn đến tận nhà. Thấy khách lạ đến, mẹ Ngò chống gậy ra chào hỏi và mới vào nhà.

Mẹ Trương Thị Ngò đang cầm sổ nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường

Qua trò chuyện, Mẹ Ngò chia sẻ nỗi đau và niềm tự hào về con trai bà, liệt sĩ Nguyễn Bá Cường. Mẹ sinh được ba người con, gồm Nguyễn Bá Hùng, Nguyễn Bá Xuân và Nguyễn Bá Cường (út Cường).

Mẹ nhớ lại, hồi nhỏ, út Cường rất ham học nên đã thi đỗ vào trường đại học tổng hợp Đà Lạt. Gia đình mẹ, các con đều tham gia cách mạng cả. Trước khi út Cường đi ra đảo làm nhiệm vụ, mẹ có dặn dò là nếu ra đó cho dù có cực khổ đến mấy cũng không được bỏ về, nếu bỏ về thì mẹ không nhìn mặt mấy đâu nhé.

Mẹ Ngò đang cầm chiếc ba lô của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường
Chiếc hòm của mẹ Ngò mua cho liệt sĩ Nguyễn Bá Cường

Một thời gian sau, mẹ ở nhà có người đưa giấy báo út Cường hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ ở ngoài đảo xa. Lúc đó, mẹ khóc rất nhiều, mỗi lần mẹ xem lại chiếc ba lô, quần, áo hay nhìn những dòng chữ dòng nhật ký của út Cường viết là nước mắt mẹ lại chảy.

Mẹ Ngò lôi chiếc hòm mà ngày mẹ mua cho út Cường ngày mới đi học ở trên Đà Lạt học và năm 1988 có bài viết tuyên dương về những người lính Trường Sa, trong đó có Thượng sĩ Nguyễn Bá Cường, và sổ đoàn viên, những tấm ảnh trắng đen thời sinh viên và trong quân trường.

Huân chương chiến công hạng nhì của Nhà nước thưởng cho liệt sĩ Nguyễn Bá Cường
Ảnh chân dung của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường

Mẹ Ngò xúc động kể tiếp: “Các kỷ vật, sổ đoàn viên, sổ nhật ký của thằng Cường tôi để trong chiếc hòm cất cẩn thận, nó là tài sản quý giá nhất của cuộc đời tôi, mỗi lần đọc dòng nhật ký của thằng Cường là nước mắt tôi lại chảy”.

Rời nhà Mẹ Ngò, chúng tôi xúc động và chỉ biết cầu chúc cho mẹ thật mạnh khỏe và sống lâu cùng với con cháu. Tổ quốc và nhân dân luôn luôn ghi nhớ công ơn của các anh đã ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang