(CATP) Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh để lại cho thế hệ mai sau tấm gương sáng về bản lĩnh trung kiên, đức độ của người chiến sĩ cách mạng. Quan điểm, tư tưởng và phương châm chỉ đạo của ông vẫn còn nguyên giá trị, là bài học lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.
NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA TP.HCM
Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh sinh ra tại Sài Gòn, sớm giác ngộ cách mạng, năm 22 tuổi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước: Tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ và Cách mạng tháng Tám, tiếp tục kháng chiến 9 năm ở Nam bộ từ miền Đông đến Đồng Tháp Mười, rồi căn cứ rừng U Minh...
Hơn 10 năm làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô - viết, đồng chí đã góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đấu tranh chống Mỹ cứu nước, xây dựng nước nhà, giữ vững hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc. Suốt gần 50 tuổi Đảng, có tới 49 năm đồng chí dành để phát triển phong trào Esperanto tại Việt Nam - thể hiện tinh thần đấu tranh không mệt mỏi vì tự do, bình đẳng, bác ái. Trong 15 năm hoạt động bí mật lẫn bán hợp pháp, 4 lần bị bắt vào tù, có lần bị kêu án tử hình, đồng chí luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, bất khuất, trung với nước, hiếu với dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh
Nhà báo Phạm Dân từng nói: “Điều rất lạ, anh là dân Tây mang quốc tịch Pháp mà lại trở thành một người Cộng sản từ rất sớm (lúc 18 tuổi) và là người chống Tây đến mức phải chịu án tử hình sau ngày Nam kỳ khởi nghĩa. Việc mang quốc tịch Pháp của anh cũng khá đặc biệt. Ba anh là hạ sĩ quan quân đội Pháp, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, ông tình nguyện sang Pháp chống quân Đức xâm lược. Khi chiến tranh Đức - Pháp chấm dứt, ông không phải sang Pháp nhưng chính phủ nước này vẫn công nhận ông là dân Tây. Ông rất đông con, nhưng chỉ đến anh Kỉnh - người con thứ 8 - mới mang quốc tịch Pháp, còn những người con trước vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
Từ nhỏ anh đã tiếp xúc với nhiều cán bộ Cộng sản tên tuổi như Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai... nên sớm giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa Cộng sản. Năm 1931, anh tham gia Cộng sản Đoàn. Năm 1933 sau khi vào Đảng Cộng sản, anh là người lãnh đạo Hội Liên hiệp thanh niên. Anh giỏi tiếng Pháp nên đã viết cho nhiều báo ngoại văn. Khi anh Nguyễn Văn Cừ và anh Hà Huy Tập ra tờ Dân chúng, anh trực tiếp biên tập và quản lý, tổ chức bán báo khắp lục tỉnh Nam kỳ, đến số 90 mới bị Pháp đóng cửa...”.
Nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM ông Nguyễn Minh Triết từng nói: “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh là nhà lãnh đạo đức trọng, tài cao. Qua những giai đoạn thăng trầm của đất nước, tài năng và phẩm chất cách mạng của đồng chí được thể hiện đậm nét trên nhiều lĩnh vực: vận động quần chúng, công tác Đảng, tuyên huấn, báo chí, đối ngoại.
Đối với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn trước đây cũng như Đảng bộ và nhân dân TPHCM ngày nay, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh là người có ơn sâu nghĩa nặng. Trải qua 13 năm sống hòa nhập trong quần chúng, gắn bó máu thịt với các phong trào đấu tranh hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp giữa lòng Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí đã để lại trên những trang sử vàng của Đảng bộ TP.HCM nhiều dấu ấn tốt đẹp.
NGƯỜI CHỒNG, NGƯỜI CHA ĐÁNG KÍNH
Bà Mạc Thị Kim Cúc - phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - chia sẻ: “Mấy chục năm chung sống và công tác gần anh, tôi nhận thấy ở anh những phẩm chất đáng quý. Anh cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng Cộng sản, có lối sống, phẩm chất đạo đức trong sáng, giản dị, không vụ lợi”. Khi đất nước giải phóng, có người khuyên nên xin lại 6 căn phố ở đường Nguyễn Trãi và 2,2 héc-ta đất ở huyện Bình Chánh vì có đủ bằng khoán của cha mẹ để lại, nhưng đồng chí trả lời: “Nên giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng vào mục đích cao cả hơn”.
Khi Nhà nước có ý định cấp nhà rộng hơn, ông lại từ chối, chỉ muốn có một phòng đủ cho gia đình ở là được rồi. Mang quốc tịch Pháp, nhưng ông đã từ bỏ, chọn sống cuộc đời giản dị, không xa hoa lãng phí. Ông chăm lo giáo dục ba người con về đạo đức, lối sống, kiến thức, lấy giáo dục thuyết phục làm chính, không bao giờ lớn tiếng, nặng lời...
Lãnh đạo TP.HCM thăm gia đình đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh
Sáng 25-2-2016 đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM đã đến thăm gia đình đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh và thắp hương tưởng nhớ người con ưu tú của vùng đất Sài Gòn - TPHCM, tại nhà riêng của ông ở quận 2.
Đoàn đã cùng xem phim tư liệu về quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí tại chiến khu, ở Sài Gòn - Chợ Lớn, trên đất nước Liên Xô (cũ) nơi đồng chí đảm nhận vai trò đại sứ... Đại diện đoàn lãnh đạo, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã ân cần thăm hỏi bà Mạc Thị Kim Cúc (65 năm tuổi Đảng), phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, đồng thời khẳng định các hoạt động tưởng nhớ ông - người chiến sĩ cộng sản kiên trung là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, thể hiện sự trân trọng những cống hiến của các thế hệ đi trước, cũng là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bà Mạc Thị Kim Cúc bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo thành phố dành cho đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh và gia đình.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh sinh ngày 28-2-1916 tại Sài Gòn, bí danh Thượng Vũ, Trung Nam.
Năm 1932, đồng chí hoạt động trong Hội học sinh vận mệnh của Đảng ở trường Huỳnh Công Phát (Sài Gòn). Từ năm 1938 - 1944, đồng chí hoạt động bí mật ở vùng Chợ Lớn, Gia Định. Tháng 8-1945, làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Xứ ủy viên Nam kỳ, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Sài Gòn và Nam bộ.
Ngày 6-1-1946, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tiên; tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951 được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phụ trách Văn phòng Trung ương Cục miền Nam.
Từ năm 1955 - 1974, đồng chí được cử làm Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, đại sứ nước ta tại Liên Xô, Bí thư Đảng Đoàn các tổ chức đoàn kết và hữu nghị.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Đồng chí qua đời ngày 26-10-1981, thọ 65 tuổi.
Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Hồ Chí Minh.
|