(CAO) Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, đại biểu Quốc hội không chỉ hát hay mà phải hiểu biết rất nhiều lĩnh vực, hiểu biết về pháp luật, về kinh tế xã hội,… để góp phần xây dựng luật, pháp lệnh, giám sát quá trình thực hiện pháp luật và nói lên ý kiến, kiến nghị của dân,…
Tại cuộc họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế về các vấn đề xung quanh cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Để đảm bảo sự công bằng cho người tự ứng cử, theo quy định của pháp luật, không có sự phân biệt nào giữa người được ứng cử và tự ứng cử.
Hội đồng bầu cử quốc gia hiện đã nhận được khoảng 90% hồ sơ đại biểu, sơ bộ đánh giá tất cả hồ sơ đều như nhau, đều được cùng một đoàn đi vận động bầu cử cho tất cả các đại biểu. Về đại biểu đại diện cho giới văn nghệ sĩ ra ứng cử quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, đại biểu Quốc hội không chỉ hát hay mà phải hiểu biết rất nhiều lĩnh vực, hiểu biết về pháp luật, về kinh tế xã hội,… để góp phần xây dựng luật, pháp lệnh, giám sát quá trình thực hiện pháp luật và nói lên ý kiến, kiến nghị của dân,…
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại cuộc họp báo
Vì vậy, nếu người đó đảm bảo các tiêu chuẩn này thì Quốc hội cũng rất hoan nghênh. Nhưng việc ứng cử là một chuyện, còn được bầu hay không lại là chuyện khác.
Việc những người tự ứng cử trong kỳ này tỏ ra rất chủ động trong việc tự giới thiệu để vận động cho mình, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đó là quyền của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, cũng là hơi sớm, vì hiện mới đang ở Hiệp thương lần hai, khi nào có danh sách chính thức, thực hiện Hiệp thương lần ba, thì việc vận động bầu cử phải theo quy định của pháp luật.