Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ quyết định 3 chức danh chủ chốt

Thứ Sáu, 18/03/2016 18:22  | Thanh Hoà

|

(CAO) Chiều 18-3-2016, tại buổi họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII,  Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ dành một nửa thời gian (từ ngày 31-3 đến ngày 12-4-2016) để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.

Thông thường, công tác nhân sự, bầu các chức danh chủ chốt như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội sẽ để đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới phê chuẩn, nhưng do chúng ta mới tiến hành xong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, có một số chức danh không tham gia Ban chấp hành TW khóa mới, không ra ứng cử nữa, nhưng phải đến tháng 7-2016 mới hết nhiệm kỳ, thời gian còn khá dài, nên Quốc hội quyết định xem xét luôn để tạo động lực mới, khí thế mới cho nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên thực hiện việc bầu sớm này.

Còn với các chức danh như Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ…thì trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ phê chuẩn các chức danh đối với các thành viên Chính phủ. Đồng thời, cũng sẽ kiện toàn các chức danh của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Đây là kỳ họp cuối cùng nhưng rất quan trọng của Quốc hội khóa XIII, diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại cuộc họp báo

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 4 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật, bao gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Về công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.

Để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiề nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thảo luận trong kỳ họp, trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ có 10 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang