Quốc hội khóa XIII: Quốc hội đã toàn tâm, toàn ý với dân chưa?

Thứ Sáu, 18/03/2016 16:01  | Kim Ngân

|

(CATP) Câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng như một yêu cầu tự vấn dành cho mỗi đại biểu. Không thể phủ nhận Quốc hội khóa XIII đã gần dân, sát dân hơn nhưng đâu đó vẫn còn món “nợ” với dân, khiến ngay những người trong cuộc còn trăn trở.

Cần “tinh thần dân cử”

Phải thừa nhận bóng dáng người dân đã xuất hiện nhiều hơn trên nghị trường Quốc hội khi tâm tư, nguyện vọng của họ đều được các đại biểu chuyển tải đầy đủ tới diễn đàn này. “Tự vấn” lại mình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, tuy là một đại biểu kiêm nhiệm, song ông đã dành rất nhiều thời gian để thực hiện vai trò của một đại biểu. “Nhưng thời gian cũng chỉ là một con số ước lệ thôi, quan trọng là công sức, tâm sức đầu tư cho nhiệm vụ này” - ông Nghĩa chia sẻ.

Có những lúc, để chuẩn bị tranh luận, đại biểu Nghĩa phải thức đêm nghiên cứu tài liệu. Thời gian phát biểu chỉ 7 phút, nhưng thời gian để chuẩn bị nội dung thì gấp 10 lần, 100 lần hoặc nhiều hơn. Ông Nghĩa nói: “Đại biểu cần cả một chuỗi dài những năm tháng học tập nghiên cứu, tìm hiểu thông tin chỉ để nói trong 7 phút đó”.

Cũng nhìn lại nhiệm kỳ qua, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, mỗi đại biểu đều rất nỗ lực, cố gắng để thực hiện vai trò là người đại biểu của dân. Theo ông Học, không ai không trăn trở, suy nghĩ, không mong muốn làm được nhiều việc cho dân, cho nước. Tuy nhiên, vị Phó đoàn chuyên trách của Phú Yên thừa nhận, kết quả cuối cùng đôi khi không như mong muốn và không phụ thuộc vào bản thân các đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thái Học 

Từ góc độ của mình, đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn, nói mỗi đại biểu đều toàn tâm, toàn ý thì chưa hoàn toàn đúng. Lý do là Quốc hội cơ cấu tới 70% đại biểu là kiêm nhiệm, nên họ không thể dành toàn bộ thời gian cho công việc của một đại biểu. “Đoàn tôi có 30 đại biểu mà chỉ có hai chuyên trách thôi. 28 người khác toàn chức sắc cao thì họ phải lo việc của họ chứ, bắt họ toàn tâm, toàn ý làm sao được?” - ông Lịch băn khoăn.

Tương tự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu nguyên nhân khiến một bộ phận đại biểu chưa thực sự toàn tâm, toàn ý với dân là do họ đang phải gánh những trọng trách khác. “Bí thư Tỉnh ủy mà biểu ông ấy dành thời gian, tâm sức trong suốt một tháng thì rất khó. Hay Bộ trưởng chẳng hạn, họ còn bao nhiêu việc khác nữa mà lại biểu ngồi tranh cãi hết luật này đến luật kia thì sao làm việc khác được” - ông Nghĩa nêu vấn đề.

Dù vậy, nếu có ai đó, trong suốt nhiệm kỳ của mình mà không phát biểu lời nào thì theo ông Nghĩa, cũng không nên cơ cấu họ vào Quốc hội. Vì lẽ, đã là đại biểu dân cử thì không thể không nói gì. “Biết bao tâm tư, nguyện vọng của dân, biết bao đơn từ, bức xúc của người dân mà không nói gì là không được” - đại biểu Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Dù chỉ ra những hạn chế nhất định của đại biểu kiêm nhiệm, nhưng theo đại biểu Trần Du Lịch, không nhất thiết phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Vấn đề là cần tăng chất lượng của nhóm đại biểu này. Ông Lịch đánh giá, đại biểu chuyên trách hiện nay hoạt động không đồng đều, chưa gắn với địa phương và chưa gắn với đơn vị bầu cử. Nói như ông Lịch thì, điều quan trọng là đại biểu “phải có tinh thần dân cử, chứ không phải theo kiểu phân công thì tôi làm”.

Khó trả hết “nợ” với dân

Chia sẻ với phóng viên, đại biểu Nguyễn Thái Học giãi bày, mỗi lần tiếp xúc với cử tri, với dân là mỗi lần ông lại thấy mình còn nợ dân. Tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân rất phong phú, đa dạng nhưng việc chuyển tải đến Quốc hội đôi khi chưa được hết. “Ý kiến của dân được đại biểu ghi nhận, đeo bám để được xem xét, giải quyết đến có kết quả cuối cùng còn ít lắm” - ông Học trăn trở.

“Nợ” với dân, theo ông Học, sẽ khó mà trả hết được vì giữa cái yêu cầu, đòi hỏi chính đáng và khả năng đáp ứng của đại biểu còn có hạn. Quan trọng là mỗi đại biểu phải thấy được trách nhiệm của mình, thấy được “món nợ” đó và cố gắng làm việc toàn tâm, toàn ý để “trả” cho dân. Đồng quan điểm đại biểu còn “nợ” dân nhiều, nhưng đại biểu Trần Du Lịch nói không nên cầu toàn vì có nhiều việc là do “lực bất tòng tâm”.

Nhận định tính phản biện của Quốc hội đã được nâng cao trong nhiệm kỳ XIII, đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết, nhiều đánh giá, phản biện sắc sảo trên nhiều lĩnh vực của ĐBQH được Chính phủ, các bộ, ngành tiếp thu ghi nhận, được cử tri đồng tình ủng hộ. Nhưng đại biểu này thừa nhận, so với yêu cầu đòi hỏi thì mỗi đại biểu còn phải cố gắng nhiều để tính phản biện được thể hiện thường xuyên, rõ nét hơn nữa.

Chung quan điểm này song theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, tính phản biện không được thể hiện rộng khắp. Cụ thể là nó chỉ diễn ra trong một phạm vi hẹp và tập trung vào một số đại biểu. Nguyên nhân của việc này, theo ông Nghĩa, cũng do cơ cấu đại biểu. “Cơ cấu đại biểu nếu dựa vào quan chức cấp trung hay cấp thấp thì những người này đang chịu sự lãnh đạo của các trưởng đoàn. Họ lại thường xuyên làm việc với các bộ, ngành Trung ương nên nếu họ đứng ra tranh luận, chất vấn các bộ, ngành thì khi các bộ, ngành về làm việc tại địa phương sẽ gặp khó khăn. Hoặc có những Bộ trưởng, Thứ trưởng ngành này thường không chất vấn Bộ trưởng, Thứ trưởng của ngành khác” - đại biểu Nghĩa phân tích.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa 

Nếu với đại biểu Nghĩa, lý do trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong phản biện tại nghị trường, thì theo đại biểu Nguyễn Thái Học, để phản biện tốt, đòi hỏi mỗi đại biểu phải có trí tuệ và bản lĩnh. “Có trí tuệ để phát hiện ra vấn đề cần phản biện, có bản lĩnh mới nêu được bản chất nội dung mình quan tâm” - ông Học nêu quan điểm. Đại biểu này cho rằng, phản biện trên tinh thần xây dựng vì cái chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc luôn được lãnh đạo Quốc hội khuyến khích và cử tri ủng hộ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang