Chuyện ly kỳ về những toán Fulro gần 20 năm ẩn náu trong rừng sâu:

Kỳ 3: Sự trở về của gia đình "Fulro nhí"

Thứ Tư, 15/07/2020 11:26

|

(CATP) Lúc 11 giờ ngày 24-3-1995, Công an huyện Đạ Huoai, sau nhiều ngày theo dõi đã bắt sống toàn bộ toán Fulro 5 người do K’Long Nhão – thiếu tá, tỉnh trưởng Runka, Long Khánh cầm đầu.

Sau đó, qua lời khai của những Fulro đầu thú, đầu hàng và tổng hợp nhiều nguồn tin khác, Công an Lâm Đồng nhận định, hiện còn một toán Fulro cuối cùng do K’Sờn là toán trưởng đang hoạt động tại địa bàn huyện Bảo Lâm, giáp ranh các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Đăk Lăk...

Ngày 27-3-1998, một số bà con đi hái trái ươi báo rằng, đã phát hiện dấu vết đào củ mài, củ chụp ở một khu rừng già thuộc xã Lộc Tân, cách trung tâm huyện Bảo Lâm chừng 25km. Công an huyện Bảo Lâm tiến hành kiểm tra, xác định nguồn tin có cơ sở.

Xe U-oát của lực lượng chức năng Lâm Đồng đưa nhóm ông K'Sờn rời khỏi rừng về với bà con, buôn làng. Ảnh tư liệu

Một nhóm trinh sát được cử vào hiện trường, qua dấu vết và dụng cụ đào củ mài để lại, nhóm công tác kết luận: chắc chắn có Fulro hoạt động trong khu vực này. Kế hoạch vây bắt được đề ra…

Bất ngờ gặp cô “Fulro nhí”!

Sau khi cân nhắc, tổ công tác loại bỏ biện pháp đấu tranh vũ trang và thống nhất: "không đổ máu". Một tổ công tác đặc biệt, gồm: K’Đẽo – nguyên trung úy, quyền quận trưởng quận B’Lao của Fulro, đầu thú năm 1981 (trở về làm thôn trưởng thôn 1, xã Lộc Tân); K’Krèo – nguyên thiếu úy Fulro ra hàng năm 1996; K’Brụi – Công an viên xã Lộc Tân, K’Bối – đảng viên, Trưởng Công an kiêm Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tân…

Tổ này do K’Bối là tổ trưởng, K’Krèo đi tiền trạm. Tổ được trang bị lương thực, thực phẩm đủ dùng trong nửa tháng, 2 khẩu AK, 1 thư gọi hàng của Trưởng Công an huyện Bảo Lâm.

Sáng 31-3-1998, tổ công tác đặc biệt được đưa đến cửa rừng. Mọi thành viên trong tổ đều rất hăng hái, an tâm với nhiệm vụ vì gia đình họ ở phía sau đã được chính quyền địa phương lo tươm tất về lương thực. Sau hai ngày hành quân trong rừng, họ phát hiện một chỗ ngủ của vài người còn mới. Tuy các dấu vết đã được cố tình xóa, nhưng những thành viên từng là Fulro của tổ công tác, bằng kinh nghiệm, vẫn xác định được hơi người còn phảng phất trong các lùm cây nên tiếp tục lặng lẽ tìm kiếm.

14h30 phút ngày 4-4-1998, một thành viên trong tổ đang đi bỗng nằm xoài ra đất, vui mừng ra dấu gọi đồng đội đến. Anh phát hiện 3 hố đào củ mài đang dở dang (củ mài mọc thẳng xuống đất, phải đào từ 1 đến 3m mới lấy được hết củ). K’Krèo bảo:

- Họ đào nửa chừng, đói, mệt quá nên về nghỉ. Đến xế chiều trời mát, chắc chắn sẽ đến đào tiếp!

Cả tổ đồng ý với nhận định đó nên ăn cơm no rồi chia nhau mai phục quanh 3 hố củ mài. Rừng yên tĩnh đến nghẹt thở. Tổ trưởng K’Bối sốt ruột nhìn đồng hồ.

15h30 phút, có tiếng lá sột soạt rồi một người xuất hiện trước mắt mọi người. Nhìn kỹ thì đó là một cô bé lem luốc, che thân bằng những mảnh vải vá víu, rách tả tơi. Cô đeo một chiếc gùi nhỏ, đan bằng cây mây rừng sau lưng và 2 con dao găm có bọc gỗ 2 bên hông, khom người, di động thoăn thoắt giữa các cụm lá. Đến bên 1 hố củ mài, cô bé đặt gùi xuống, hất mái tóc lòa xòa phủ kín đôi vai nhỏ để khoe ra 1 đôi mắt tròn xoe, đen tuyền.

Có tiếng lá sột soạt từ bụi lùm xa xa, rồi một mái đầu bù xù xuất hiện, đó là một phụ nữ hốc hác, rách rưới, trên vai địu một đứa bé. Chị ta không đeo gùi, tay lăm lăm một con dao dài, nhọn. Chị bước nhẹ như cơn gió, đạp rôm rốp lên đám lá khô dưới chân, tiến về phía cô bé…

Cô bé Ka B’rin trổ tài lấy lửa từ 2 viên đá và bùi nhùi là cỏ khô. Ảnh tư liệu

Hạnh phúc vỡ òa giữa rừng sâu

Người phụ nữ địu con đến bên hố củ mài, bỏ con bò lê la bên cạnh, sau đó chị chúi đầu xuống hố, phụ cô bé đào. Ở 2 hố củ mài còn lại cũng xuất hiện 2 người đàn ông gày nhẳng, đóng khố, mang gùi và cung nỏ sau lưng. Họ cởi bỏ hành lý, bắt tay hùng hục đào củ mài. Từ chỗ mai phục, tổ trưởng K’Bối ra hiệu cho K’Krèo đi tay không từ phía sau lao ra câu cổ hai ông đang đào củ mài, miệng la toáng lên:

- Ơi, K’Ớt, K’Lãi! Mình là K’Krèo đây!

Cả hai giật mình quay lại nhìn K’Krèo rồi mừng rỡ ôm chặt, hỏi han nhau tới tấp:

- Mình ra đầu hàng cách mạng được 3 năm rồi. Trở về được chính quyền cấp đất, cho nhà ở buôn làng, sống đầm ấm lắm! - K’Bối xúc động kể. Các Fulro như K’Ớt, K’Lãi và người phụ nữ địu con nghe rất chăm chú nhưng chưa thật tin. K’Krèo rút trong túi ra một tấm giấy:

Đây là thư anh Sáu – Trưởng Công an huyện Bảo Lâm gửi cho các bạn, mình đọc nhé: “... Kính gởi các anh K’Sờn, K’Tách cùng các anh chị em còn ngoài rừng. Tổ chức Fulro hiện nay đã tan rã toàn bộ, ngay cả toán K’Long Nhão, K’Bối, K’Krèo cũng đã trở về với chính quyền cách mạng, được khoan hồng, có công ăn việc làm, có đất làm nhà, trồng cây cà phê, cây lúa, cây bắp…

Chúng tôi đưa anh K’Krèo vào kêu gọi các anh trở về với chính quyền cách mạng, với gia đình, xã hội. Tôi bảo đảm các anh sẽ được khoan hồng và đối xử tử tế như K’Long Nhão, K’Krèo và nhiều anh em khác. Ký tên: Thiếu tá Nguyễn Minh Thiệt, Trưởng Công an huyện Bảo Lâm…”.

Vật dụng sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

K’Krèo đọc xong, toán Fulro chuyền cho nhau xem thư kêu gọi, bàn tán:

- Có con dấu đỏ đàng hoàng, chắc là của cách mạng thiệt rồi. K’Krèo không lừa chúng ta đâu… K’Krèo chức vụ lớn, ra hàng không bị bắn chết thì chúng ta sợ gì?

K’Krèo ôn tồn giải thích rồi gọi 3 người còn lại trong tổ công tác bước ra với súng AK lủng lẳng trên vai, khuôn mặt tươi vui, thân thiện. Một Fulro bảo: Mình tin rồi đó, nhưng phải đến hỏi K’Sờn. Nó là toán trưởng, đang ở gần đây! K’Sờn lúc này đang ngồi trong một lùm cây rậm. Nghe tiếng chân, anh ta ngẩng lên thấy K’Ớt, K’Lãi mặt mày rạng rỡ vừa chạy đến gần, vừa khua tay la lối:

- Về thôi K’Sờn! Về thôi…

K’Sờn ra hiệu im lặng, giữ bí mật. K’Krèo chạy đến nắm tay K’Sờn:

- Chính phủ cách mạng cho người vào gọi chúng ta về, có cả thư của Trưởng Công an huyện!

Ka Lòng (vợ K’Sờn) giục chồng:

- Về thôi, khổ lắm rồi!

K’Sờn im lặng đọc thư, không nói gì, nhưng vẫn có chút hoài nghi. K’Bối lên tiếng:

- Anh em phải tin chúng tôi chứ! Chúng tôi có súng, nếu muốn tiêu diệt anh em, chúng tôi đã nổ súng rồi. Chúng tôi làm theo hướng dẫn của cán bộ, đều là muốn tốt cho anh em. Cán bộ cách mạng không như anh em mình từng nghĩ. Theo Fulro, chúng ta khổ nhiều rồi. K’Sờn chưa đủ khổ sao?

Nghe vậy, K’Sờn thuận tình với vợ và cấp dưới: ra rừng!...

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Cuộc trở về của gia đình
 
Kỳ 2: Trở về cùng những kỷ niệm “rợn tóc gáy”!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang