Ông Đen khi đó trẻ khỏe lắm, say sưa kể cho chúng tôi nghe về hạnh phúc, niềm vui khi trở về, được chính quyền cấp 3ha đất canh tác, làm nhà ở.
Nghĩ lại những ngày đói khổ giữa rừng sâu, thèm từng miếng cơm, giấc ngủ yên bình, giờ nhìn thấy cái ăn, cái mặc trước mắt, vợ chồng ông Đen mừng rơi nước mắt.
Họ chịu khó lao động, canh tác, trồng trọt trên phần đất được nhà nước cấp nên nhà ông Đen khi đó đã nổi tiếng giàu có nhất vùng Tà Năng (sau tách xã, thuộc xã Đa Quyn).
Trung tá Võ Xuân Phương với chiếc nhẫn đồng gắn với câu chuyện kinh hoàng
Trong nhà, bắp (ngô), lúa, cà phê đầy các bao đựng. Ngoài sân, gà vịt nuôi cả đàn; máy xay xát trị giá hàng chục triệu đồng phục vụ gia đình và xay thuê cho bà con. Điều kiện kinh tế dư dả, vợ chồng ông Đen còn giúp đỡ vật chất, cây giống (cà phê) cho họ hàng, nhiều gia đình người Kinh.
Ông Đen khi đó kể với chúng tôi rất nhiều chuyện ly kỳ, đáng sợ trong những năm ông sống trong rừng. Kỷ vật đáng nhớ nhất ông Đen và vợ luôn giữ là một chiếc nhẫn đồng.
Ông Đen có được nó là từ một sự cố đau thương! Đó là một ngày giữa năm 1983, ông dùng súng M16 bắn hạ được 2 con heo rừng. Đang lặc lè kéo chiến lợi phẩm về, bỗng ông nghe tiếng “grừ…” đáng sợ.
Ngước mắt lên, thấy một "ông" cọp to lớn chặn ngang đường, nhe nanh. Đen giật mình, sẵn súng trong tay nổ luôn mấy phát, “ông ba mươi” ngã xuống. Lúc làm thịt cọp, ông Đen phát hiện trong bao tử của nó một chiếc nhẫn đồng có khắc chữ “thọ”. Con cọp này đã từng ăn thịt người?
Lần gặp gần nhất mới đây với bà Kiều Thị Hương - vợ ông Tunéh Đen, được cầm chiếc nhẫn trên tay, Trung tá Võ Xuân Phương – nguyên Trưởng Công an xã Đa Quyn, người từng một thời “vào sinh ra tử” (theo Đại tá Phan Văn Thái – nguyên Trưởng Công an huyện Đức Trọng, cả hai anh hiện đã nghỉ hưu) khi nhiều năm trời truy quét, gọi hàng tàn quân Fulro.
Trung tá Phương không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, xúc động: “Chiếc nhẫn này đúng là kiểu nhẫn của đồng bào thời đó chế tác. Sau này, một số bà con đổi sang đeo nhẫn bạc. Đây là phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số mỗi khi dựng vợ gả chồng. Có lẽ nào một chàng trai người đồng bào thiểu số đã bị con cọp đó ăn thịt!”.
Ông Đen sau đó còn bắn hạ một con voi để lấy lương thực cho gia đình ông và nhóm Fulro theo ông ở rừng. “Con voi ông Đen bắn nặng đến vài tấn. Cả đoàn người nhiều ngày đói lả vì không tìm được thứ gì để ăn, ông Đen đã bắn hạ con voi, cắt lấy một miếng thịt lớn, nướng rồi phơi làm lương khô để dành. Phần quý nhất của con voi là cặp ngà nặng đến 20kg được bảo quản cẩn thận, chỉ có ông Đen được ở gần, coi giữ.
Cứ vài tuần, ông lại cắt một khúc ngà, đưa lính thân cận mang đi bán, đổi lấy muối, gạo, quần áo. Muối mang về, ông chia cho mỗi người 1 muỗng, gói trong lá rừng, thỉnh thoảng ăn một hạt chứ không đủ để cho vào nồi nấu thức ăn. Áo quần ai rách rưới thì dùng vỏ cây rừng “khâu”, chắp vá lại. Hãn hữu lắm ông Đen mới đưa tiền sai lính đi mua quần áo, nhu yếu phẩm. Cặp ngà voi khi đó là tài sản duy nhất, dành để duy trì nuôi sống mấy chục con người. Ông Đen căn dặn, không ai được quyền bắn hạ thêm một con voi nào để lấy ngà. Ai trái lời sẽ bị ông ấy trừng phạt.” – bà Hương kể.
Cận cảnh chiếc nhẫn đồng khắc chữ "thọ" bà Hương còn giữ làm kỷ vật
Ở trong rừng, vợ chồng ông ở riêng một nơi kín đáo nhất, số lính còn lại dựng lều tạm ở chen chúc, tập trung một chỗ, chỉ cách vài bước chân. Lán trại của họ có khi là hang đá, có khi là cây, lá rừng, cỏ hợp thành. Họ gọi đó là những B.C (căn cứ, chỗ đóng quân).
Một lần, vợ chồng bà Hương vừa tắm xong cho cậu con trai ở bên một con suối, bất ngờ nghe có tiếng súng nổ. Ông Đen lập tức hô lớn “Chạy!”. Bà Hương chỉ kịp ôm chặt đứa con trai nhỏ vào lòng, dắt theo đứa lớn, cuống cuồng chạy thục mạng. Ông Đen vừa chạy thụt lùi, vừa dùng súng bắn lại lực lượng truy bắt. Một phát đạn bắn trúng xuyên đùi ông, máu lênh láng. Vừa chạy, ông vừa xé áo, quần tự băng bó vết thương cho mình…
Đến đầu những năm 90, toán Fulro dưới quyền của ông Đen bị chết dần vì thiếu, đói. Nhưng điều khiến ông Đen buồn khổ nhất là lần phải chôn Măng Sanh, cận vệ thân tín nhất của ông. Người lính cuối cùng này đang đào củ mài ăn thì bị sét đánh chết. Cái chết ấy đã để lại nỗi hoang mang cho ông Đen. Ông thấy núi rừng đầy những đe dọa, hãi hùng, thấy chức vụ tỉnh trưởng Fulro vô nghĩa. Nhớ đến người em ruột của mình đi theo cách mạng từ năm 1968, ông càng bị dày vò.
Một ngày đầu tháng 7-1994, khi đọc được truyền đơn kêu gọi đầu thú của Công an huyện Đức Trọng, Tunéh Đen quyết định trở về. Vợ ông vừa sanh đứa con thứ 6 được hơn 1 tháng, rất yếu, song ông vẫn hối hả cùng vợ con tìm đường mở lối ra rừng.
Sau 4 ngày đi bộ ròng rã, ông dắt díu vợ con ra khỏi rừng đến UBND xã trình diện. Vài giờ sau, Công an huyện Đức Trọng vào thu hồi súng đạn, con dấu “tỉnh trưởng” và các tài liệu của Tunéh Đen. Ông được tự do mà không gặp một trở ngại nào…
Năm 2006, ông Tunéh Đen mất, mộ của ông được xây ngay trên mảnh vườn rộng hơn 6 ha, bạt ngàn cà phê của gia đình. Bà Kiều Thị Hương – vợ ông bùi ngùi kể: “Căn nhà chúng tôi ở khi mới về là nhà gỗ, mái lợp tranh, nằm bên một con suối. Chồng tôi kể: Từ nhỏ, ông sống ở đây, đã mơ ước khi trưởng thành làm được một căn nhà nhỏ bên bờ suối, lấy vợ sinh một đàn con đông đúc, sống cuộc đời bình dị.
Sau khi bỏ Fulro trở về, nhà nước cho ông ấy được thỏa ước nguyện. Chúng tôi cất nhà, làm rẫy trên mảnh đất mà chồng tôi từng mơ ước. Hạnh phúc lắm! Được nhà nước cấp cho 3 ha đất canh tác, ban đầu vợ chồng tôi trồng mì, bắp, rau, những cây nông sản ngắn ngày để ăn chống đói. Đất tốt, bắp tốt lắm, cho năng suất cao. Bán bắp được nhiều tiền, không còn phải lo cái ăn trước mắt, vợ chồng tôi chuyển sang trồng cây cà phê”.
Hiện nay, với 6ha cà phê, bình quân mỗi năm gia đình bà Hương thu về vài trăm triệu đồng. Con cái được ăn học đàng hoàng. Con trai cả và con gái thứ đã lập gia đình, bà Hương đã có cháu nội, cháu ngoại đề huề.
Sau khi trở về, bà Hương được bố trí dạy học ở trường làng và mở lớp xóa mù tại nhà riêng.
Cung nỏ của Fulro tại Bảo tàng Công an tỉnh Lâm Đồng
gày ngày bà vẫn nhớ về người chồng của mình: “Thời gian khoảng năm 1991, thấy vợ con khổ vì điều kiện vật chất thiếu thốn ở trong rừng, chồng tôi nhiều đêm thức trắng. Tôi biết ông ấy đã nhận ra bản chất của Fulro, biết con đường mình đi là sai lầm. Nhưng ông ấy sợ bị trả thù, bị bắt hoặc bị đánh chết nên không dám trở về. Khi về rồi, sống cuộc đời bình yên, chúng tôi cứ tiếc mãi. Cách mạng không bao giờ quay lưng với những con người lầm đường lạc lối…” – bà Hương tâm sự!
(Còn tiếp...)
(CATP) Để giữ vững an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội,
lực lượng An ninh nhân dân đã luôn mưu trí, dũng cảm, kiên định, vượt qua nhiều thử thách, gian khổ, hy sinh. Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2020), Báo Công an TPHCM đăng loạt bài về những chiến công vẻ vang, hiển hách của lực lượng An ninh nhân dân trong quá trình đấu tranh, đẩy lùi, đập tan
tổ chức Fulro, đưa những người lầm đường lỡ bước quay về với cuộc sống đời thường, đóng góp quan trọng vào bình yên trên những buôn làng Tây nguyên.