Kênh nào cũng đầy rác
Trưa 12-6-2020, phóng viên có mặt tại khu vực dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (chảy qua 4 quận: 6, 11, Tân Bình, Tân Phú), chứng kiến vô số loại rác thải trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Với chiều dài 6,8km, dòng kênh này đã được UBND TPHCM chi hơn 2.000 tỷ đồng để khắc phục tình trạng ô nhiễm, xây bờ kè, tạo cảnh quan, đường giao thông hai bên bờ, được người dân hoanh nghênh, nhiệt tình ủng hộ. Nhưng đến nay, con kênh đang tái ô nhiễm nghiêm trọng.
Đoạn kênh dọc đường Đồng Đen đến cửa xả ngay đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) dài khoảng 700m, những ngày qua dù trời đang mưa, nhưng nước từ lòng kênh vẫn xông lên mùi hôi thối. Dọc hai bên bờ có rất nhiều bảng cấm đổ rác và khẩu hiệu kêu gọi người dân chung tay vì môi trường, vì văn minh đô thị, nhưng bên dưới kênh, nhiều miệng cống vẫn tắc nghẽn do ứ đọng rác, nước không lưu thoát được, khiến ruồi, muỗi sinh sôi.
Kênh Tàu Hủ dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt bị rác xâm lấn.
Tương tự, nước trên các đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm chảy qua địa bàn hai quận 11 và Tân Phú cũng có màu đen kịt. Những ngày nắng nóng vừa qua, dòng kênh này bốc mùi hôi càng nồng nặc hơn. Bà Nguyễn Thị Dung (nhà ngay mặt kênh Tân Hóa - Lò Gốm) cho biết, tại đây không chỉ có người dân vô tư xả rác thải sinh hoạt ra kênh, mà nước thải từ các nhà máy, khu dân cư cũng đổ vào, làm dòng nước đen ngòm.
"Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, song ý thức của một số người dân chưa thay đổi, thường xuyên vứt rác xuống kênh" - bà Dung cho biết.
Trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, đoạn từ cầu chữ Y đến hạ nguồn, nước cũng đen và chứa đầy rác. Khu vực này có các thuyền bè neo đậu, tất cả rác sinh hoạt hằng ngày bị người sống trên thuyền bè xả thẳng xuống kênh. Cạnh đó, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nằm giữa hai đường Hoàng Sa, Trường Sa cũng đang đối diện với nguy cơ tái ô nhiễm.
Trước đây, khi mới hoàn tất dự án cải tạo ô nhiễm môi trường trên kênh này, dọc hai bên bờ rất sạch sẽ, nước trong vắt. Hiện nay, chỉ khoảng một phần ba kênh còn giữ được làn nước trong, không mùi hôi, đoạn còn lại nước đen kịt, bốc mùi vào những ngày nắng nóng.
Kênh Hy Vọng - tuyến thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất luôn quá tải vì ùn ứ rác
Nhiều lối thoát nước bị... bít!
Kênh Tân Trụ (đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến kênh Hy Vọng) dài chỉ hơn 1km, nhưng thường xuyên trong tình trạng ô nhiễm nặng. Cả mặt kênh đen đặc, bốc mùi hôi nồng nặc. Dọc theo dòng kênh, nhan nhản rác thải xả từ trên bờ tới dưới lòng kênh.
Đặc biệt, đoạn chạy dọc đường Nguyễn Phúc Chu (Q.Tân Bình) bị người dân đổ nhiều xà bần, hậu quả kênh đã nhỏ càng thu hẹp dòng chảy hơn. Theo một số người dân sống tại khu vực này, nước kênh lúc nào hôi thối. Mỗi khi mưa xuống, nước không kịp thoát ra kênh Hy Vọng (nối liền với kênh Tân Trụ), tràn vào nhà dân gây ngập.
Kênh A41 đoạn chảy qua khu dân cư phường 4 (Q.Tân Bình) là một trong ba hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất, với kết cấu bờ mương và lòng mương trước đây là 8m và 6m, sâu 3,5m; nhưng hiện nay, có những chỗ chỉ còn chưa đến 0,5m. Rác thải dồn ứ thành đống, dù vừa được cơ quan quản lý ra quân vớt rác cách đây khoảng một tháng. Cả hai kênh A41 và Hy Vọng (hai hướng thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất) ngập đầy rác, lại phải lo lắng về việc khu vực đường bay của sân bay này bị ngập khi mưa lớn.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm ngập ngụa rác sinh hoạt
Bà Đỗ Thị Hai sống tại khu vực này hơn 20 năm cho biết, các loại chai nhựa, bịch nylon, mút xốp, xác động vật... ngập kín mặt kênh hơn 6 tháng nay, nhưng không thấy nhân viên vệ sinh môi trường đến khơi thông. "Khu vực thượng nguồn dòng kênh tập trung nhiều công ty, chợ và khu dân cư..., xả ra lượng rác rất lớn. Khi số rác này đổ về khu vực cầu Hy Vọng thì đều bị dồn ứ lại, gây ô nhiễm trầm trọng" - Bà Hai nói.
Dự án cải tạo kênh Hy Vọng được UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện cấp bách từ năm 2013, nhưng đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBNDTP phê duyệt. Tưởng chừng dự án sẽ khởi công đúng kế hoạch, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) ra thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho Dự án quản lý rủi ro chống ngập cho TPHCM, khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng đi vào ngõ cụt.
Năm 2018, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM kiến nghị UBNDTP cải tạo kênh Hy Vọng bằng vốn ngân sách, với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt, trong khi đó, kênh này ngày càng ô nhiễm hơn.
Rạch Xuyên Tâm "thoi thóp"
Được đánh giá là con rạch ô nhiễm nhất thành phố, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được lập từ năm 2002, nhưng chưa thể triển khai. Theo lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (chiều dài toàn tuyến khoảng 6,2km) được Thành ủy, UBNDTP giao cho quận từ tháng 8-2016, yêu cầu bằng mọi cách phải hoàn thành dự án chậm nhất vào tháng 12-2018.
Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai do mức đầu tư quá lớn, khó kêu gọi các nhà đầu tư. Ban đầu, ước tính vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, gồm hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Do chậm trễ, đến nay chi phí giải phóng mặt bằng ước tính đã "đội" lên khoảng 3.750 tỷ đồng.
Bác Thu (70 tuổi) sống ven rạch Xuyên Tâm gần 50 năm, cho biết: "Trước đây, nước rạch này xanh trong, người dân còn dùng để sinh hoạt, trồng rau. Từ khi dân cư đến ở đông đúc, tiện tay vất hộp xốp, túi nylon... xuống nên rạch ngày càng ô nhiễm nặng nề". Nhiều năm qua, trong khi chờ dự án triển khai, chính quyền địa phương phải liên tục tiến hành thu gom rác, nhưng sau một thời gian, lòng rạch lại ngập rác
(Còn tiếp...)
Lấn rạch lập bãi xe tiền tỷ
Một trường hợp điển hình của hành vi san lấp kênh, rạch là sự hình thành của 2 bến "cóc" tại số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (P26, Q.Bình Thạnh). Hai bến "cóc" này ngang nhiên hoạt động ngay trước Bến xe Miền Đông, trá hình là bãi giữ xe. Do hoạt động đón, trả khách như một bến xe, 2 bến "cóc" này đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng hành vi đón, trả khách vẫn tiếp diễn.
Điều đáng nói, bến "cóc" này được xây dựng, cơi nới sau hành vi xâm lấn trái phép rạch Xuyên Tâm. "Khu vực đó trước đây là một bãi bùn lầy, nằm ven bờ rạch Xuyên Tâm. Người dân lấn chiếm, cơi nới để dựng nhà ở, riết rồi trở thành một bãi đất nhỏ. Theo thời gian, mỗi ngày lấn một chút, bãi đất nhỏ đó giờ có thể đậu vừa cỡ 20 chiếc xe 50 chỗ" - Một người dân trong khu vực cho biết.
Theo người dân, từ khoảng năm 2007, chủ 2 bãi giữ xe trá hình này đã bắt đầu thực hiện việc đổ đất, cát để xâm lấn rạch Xuyên Tâm, mở rộng diện tích bãi xe. Thời điểm đó, người dân địa phương nhiều lần báo cho chính quyền địa phương. Chính quyền cũng nhiều lần cử người đến để xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ 2 bãi xe này, nhưng mức phạt không đủ sức răn đe. Kết quả là con rạch nối ra bờ sông Bình Triệu hiện nay có khu đất phình ra bất thường.
Nhờ hoạt động xâm lấn sông trái phép, hai bến "cóc" này đã thu về doanh thu khổng lồ. Mỗi ngày, một chiếc xe giường nằm đỗ tại bãi phải trả từ 250 - 300 ngàn đồng. Với lượng xe tại bãi có lúc lên đến hơn 15 chiếc, chưa kể xe 16 chỗ và xe con, doanh thu của bến xe trái phép này lên đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Bãi xe doanh thu tiền tỷ công khai hoạt động, mở rộng bằng cách đổ xà bần lấn rạch Xuyên Tâm
UBND Q.Bình Thạnh cho biết, cơ quan này vừa có thông tin về công tác quản lý đất đai trên địa bàn, sau khi báo chí phản ánh về tình trạng hộ gia đình san lấp kênh, rạch làm bãi đậu xe. Theo phản ánh, nhà đất tại số 397 Đinh Bộ Lĩnh (khu vực trước Bến xe Miền Đông) có tình trạng san lấp kênh, rạch để làm bãi đậu xe. Từ bãi đất nhỏ, hơn chục năm qua, chủ đất liên tục san lấp kênh, rạch để mở rộng, đến nay đã trở thành bãi đậu có sức chứa hàng chục xe khách.
Theo tài liệu đăng ký năm 1982, thửa đất số 397 Đinh Bộ Lĩnh do ông L.V.Đ đăng ký sử dụng, với diện tích là 3.020m2. Bản đồ địa chính lập năm 2002, thửa đất trên thuộc loại đất ở đô thị. Trong quá trình sử dụng, bà L.T.S (con gái ông Đ.) có hành vi san lấp sông Bình Triệu, bị UBND Q.Bình Thạnh ra 4 quyết định xử phạt hành chính về hành vi đổ đất, đá xuống sông Bình Triệu làm cản trở dòng chảy, san lấp kênh mương thoát nước. Chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định trên vào đầu năm 2014.
Kiểm tra thực địa vào đầu tháng 8-2019, UBND Q.Bình Thạnh ghi nhận, hiện trạng thửa đất số 397 Đinh Bộ Lĩnh có diện tích lớn hơn so với khuôn viên đất thể hiện trên bản vẽ
(CATP) Dù được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt của thành phố, đóng vai trò quan trọng trong tiêu thoát nước, chống ngập, nhưng mạng lưới hơn 1.000km sông, rạch tại TPHCM luôn phải đối mặt với nhiều đe dọa, như: tình trạng lấn kênh, lấp rạch trái phép vẫn diễn ra, rác thải sinh hoạt tràn lan...