Bên cạnh đó, nỗi lo lớn nhất của họ là chỗ tái định cư, cũng như việc làm ăn bị ảnh hưởng, thậm chí thất nghiệp nếu về nơi ở mới.
MẤT ĂN MẤT NGỦ
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 19 điểm sạt lở, trong đó có 18 điểm xảy ra ở huyện Châu Thành và 1 điểm ở huyện Châu Thành A. Tổng chiều dài sạt lở là 467m, diện tích mất đất hơn 2.100m2. Ước tổng thiệt hại hơn 1,4 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 1 điểm sạt lở, thiệt hại tăng hơn 500 triệu đồng.
Các vụ sạt lở gần nhất là ngày 28-5-2020, diễn ra ở các tuyến kênh Cái Muồng, Cái Đôi, Mái Dầm. Trong đó, Mái Dầm là tuyến nguy cơ cao, thường xuyên bị sạt lở ở hai bên bờ sông, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, đi lại của người dân. Cụ thể, một đoạn đường dài 32m (ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành) bị sạt lở, ăn sâu vào bờ nơi rộng nhất 7m, diện tích mất đất 224m2. Sự cố làm đứt đoạn con lộ bê tông rộng 3m và có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà của 3 hộ dân.
Bà Trần Thị Út Hường (ngụ tại địa phương) buồn bã cho biết: “Trước đó, có một đoạn răn nứt dài theo con lộ. Đến khoảng 1 giờ đêm ngày 28-5, tôi nghe thấy tiếng lụp bụp, cứ tưởng là người ta đi chài lưới nên không ra xem. Đến sáng, bà con đi ngang nói đất sụp rồi. Gia đình đơn chiếc, có 2 mẹ con nương tựa nhau. Giờ đất lở tới cửa rồi, tôi lo lắm. Nhà không có cửa sau nên tôi mới nhờ người cắt tường làm lối thoát hiểm rồi ở tạm vì không còn chỗ để di dời”.
Tại tỉnh Tiền Giang, các huyện, thị nội đồng thuộc dự án ngọt hóa Gò Công, vùng kiểm soát lũ phía Tây, vùng Đồng Tháp Mười là những địa bàn thường xuyên xảy ra sạt lở. Vào tháng 4-2020, một đoạn đường nhựa (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) dài trên 50m cặp theo bờ phía tây sông Đường Nước bị sạt lở. Tương tự, một đoạn đường tỉnh 873 (đoạn qua xã Bình Xuân, TX.Gò Công) dài hàng trăm mét bất ngờ bị sạt lở xuống sông Vàm Gié, khiến giao thông bị cắt đứt.
Theo báo cáo của UBND huyện Gò Công Tây, từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở kênh mương và đường giao thông trên địa bàn diễn biến phức tạp. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tuyến kênh 14. Theo thống kê, có 30 hộ dân bị thiệt hại do sạt lở, trong đó có 1 căn nhà bị sạt lở hoàn toàn, 2 căn bị sạt lở từ 70 - 75%, 11 hộ bị thiệt hại về đất sản xuất với diện tích mất đất lên đến gần 4.000m2, 16 hộ bị thiệt hại về hoa màu, cây trái.
Ông Trần Anh Thư (Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang) cho biết, trong năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng chiều dài sạt lở 3.445m, làm mất 18.042m2 đất, ảnh hưởng đến 146 căn nhà, ước thiệt hại khoảng 32,6 tỷ đồng. Trong các vụ sạt lở năm 2019, vụ sạt lở đoạn Quốc lộ 91 tại xã Bình Mỹ vào ngày 31-7-2019 có chiều dài 85m, di dời 16 căn nhà, thiệt hại hơn 25 tỷ đồng.
Đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch, với tổng chiều dài 410m, làm mất 1.907m2 đất, cần di dời 56 căn nhà, thiệt hại về đất và tài sản khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Nhà cạnh điểm sạt lở Quốc lộ 91 vừa diễn ra vào sáng ngày 27-5, ông Lê Bá Tròn (45 tuổi, ngụ ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ) cho biết: “Cách nay 2 năm, gia đình dành số tiền hơn 500 triệu đồng cất lại căn nhà 6 người ở. Mấy bữa trước thì thấy vết nứt, ngày nào cũng dòm chừng thấy vết nứt mở rộng, khiến ai cũng mất ăn mất ngủ.
Khoảng hơn 5 giờ tôi thức dậy đi ra xem thấy vết nứt rộng hơn. Thời điểm đó, nhiều người hàng xóm cùng đứng ra xem, bất ngờ thấy mảng lớn mặt đường nghiêng, rồi sụp đổ xuống sông Hậu. Tôi cầu trời cho chỉ sạt lở bao nhiêu đừng lở nữa, bởi nhà mới cất nợ chưa trả xong”.
Người dân vùng sạt lở vừa lo mất nhà, mất đất còn lo không chỗ tái định cư.
VỪA LO CHỖ Ở, VỪA LO XÂY NHÀ
Mới đây, tuyến đường Thiên Hộ Dương (thuộc thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vừa xảy ra sạt lở bờ sông, nhiều ngôi nhà đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm. Theo đó, đoạn sạt lở có vị trí 40m, rộng 3,5m làm tuyến đường giao thông huyết mạch bị chia cắt. Phía trong vị trí sạt lở là khu dân cư.
Chị Võ Thị Yến Nhi cho biết: “Sau 2 trận sạt lở liền kề con đường đã sụp trọn xuống lòng sông. Hiện vị trí sạt lở đã sát vách nhà nên gia đình phải tìm nhà người thân ở nhờ chứ không dám bám trụ lại”.
Tương tự, có nhà nằm trong khu vực này khiến gia đình hết sức lo lắng. Ông Võ Thái Hòa cho biết: “Để giữ đất tôi đã bỏ tiền mua bạt, cát về gia cố nhưng không mang lại hiệu quả. Giờ ban đêm gia đình không dám ở, nghe con chuột chạy phát ra tiếng cũng đã sợ rồi. Gia đình không biết sạt lở bất cứ lúc nào. Nếu sạt lở chúng tôi được bố trí tái định cư cũng lấy đâu ra tiền xây dựng nhà mới”.
Được biết tuyến đường Thiên Hộ Dương được đưa vào sử dụng năm 2007. Vào năm 2019, đã xảy ra vụ sạt lở đường dài 500m. Biện pháp khắc phục đã được triển khai, tuy nhiên tình trạng sạt lở vẫn tái diễn.
Liên quan đến việc di dời và bố trí cho người dân ở khu vực sạt lở Quốc lộ 91 vào ngày 27-5 (đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ), ông Trần Thanh Nhã (Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Châu Phú) - cho biết: Trong số 31 hộ nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm, phải di dời thì có đến 80% không có đất để di dời. Hiện nay huyện đang lên phương án bố trí vào khu dân cư vượt lũ xã Bình Long, bởi khu vực này còn nền linh hoạt.
“Trước đây, kế hoạch xây dựng cụm dân cư huyện có trình tỉnh thì kết hợp với đường. Tuy nhiên trước tình hình hiện nay là cần phải điều chỉnh dự án. Do vậy để giải tỏa mặt bằng 13 héc-ta đất cần số kinh phí là 50 tỷ đồng” – ông Nhã cho hay.
(Còn tiếp...)