Sạt lở xảy ra, đời sống người dân bị đảo lộn, các địa phương phải chi khoản kinh phí lớn để khắc phục sự cố.
TỪ SẠT LỞ CẦU…
Tại TP.Cần Thơ, từ đầu năm đến nay đã có 17 vụ sạt lở, với chiều dài hơn 1.000m2, ảnh hưởng đến 37 căn nhà, trong đó có 4 căn bị đổ sụp xuống sông hoàn toàn. Ước thiệt hại tài sản hơn 12 tỷ đồng. Tính ra, số vụ sạt lở tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Các quận, huyện xảy ra sạt lở gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền và Vĩnh Thạnh.
Cầu Rạch Cam ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ bị sạt lở, khiến giao thông bị chia cắt.
Điển hình vào khoảng 3 giờ sáng 10-6-2020, cầu Rạch Cam (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) bị sạt lở xuống sông.
Theo ghi nhận, những cọc bê tông đóng để gia cố trước đó cũng bị xô lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Sự cố trên đã khiến đường ống cấp nước ở khu vực này bị ảnh hưởng, trụ điện trung thế cũng bị sụp xuống sông. Tình trạng trên khiến giao thông trên đường tỉnh 918 từ quận Bình Thủy đi huyện Phong Điền bị chia cắt. Ngoài ra, điều mà người dân ở đây lo lắng là một số nhà dân đã xuất hiện những vết nứt lớn. Trong khi đó, công trình kè bảo vệ chợ Rạch Cam vẫn đang thi công.
Có nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở, ông Phan Thanh Sơn (người dân địa phương) buồn bã nói: “Chúng tôi mong bờ kè sớm hoàn thành để có thể yên tâm sinh sống, chứ nhìn nhà cửa bị nứt thế này thì mất ăn mất ngủ”. Sau sự cố, gia đình ông Sơn đã dọn đồ đạc đi trú tạm ở nơi khác vì lo sợ sạt lở sẽ tiếp tục lan rộng.
Theo ông Lê Tiến Dũng (Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.Cần Thơ), do phần mố cầu bị sụp nằm tại vị trí dòng nước xoáy, lâu ngày đất bị xói mòn dẫn đến bị sạt lở. Ngành giao thông đã cho tháo dỡ cầu Rạch Cam hiện tại và tiến hành thi công cầu mới. Cầu mới dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng 2 tháng tới, giúp khôi phục giao thông trên tuyến tỉnh lộ 918.
Trước đó, ngày 13-5, khu vực này cũng xảy ra một vụ sạt lở làm 2 căn nhà của ông Phan Văn Hữu và bà Phan Thị Xuân Thu bị sụp xuống sông Bình Thủy. Đoạn có nguy cơ sạt lở dài 400 m, thuộc dự án kè chống sạt lở chợ Rạch Cam giai đoạn 2 đang được triển khai do Chi cục Thủy lợi TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Sau khi khảo sát thực tế điểm sạt lở này, ông Nguyễn Thanh Dũng (Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ) nhận định: Đây là khu vực sạt lở nguy hiểm khẩn cấp và có khả năng sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới nếu không xử lý kịp thời. Do đó, ông Dũng yêu cầu tạm dừng thi công bờ kè ở khu vực này để xem xét, rà soát, đánh giá khoa học đầy đủ, từ đó sẽ quyết định phương án thiết kế, thi công tiếp theo.
…ĐẾN TUYẾN ĐƯỜNG HUYẾT MẠCH
Vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 14-6, trên tuyến kênh Thạnh Đông (thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) một vụ sạt lở với chiều dài khoảng 40m, rộng hơn 3m xảy ra trên tuyến đường nông thôn, đã làm giao thông bị chia cắt. Đáng nói, vụ sạt lở làm 2 xe máy đang lưu thông qua khu vực này rơi xuống kênh. Ông Huỳnh Văn Hào (người dân địa phương) cho biết: “Trước đó khu vực này không có dấu gì bất thường nhưng bất ngờ đến sáng nay thì bờ kênh bất ngờ bị xói lở, làm sụp đổ hoàn toàn, mất tuyến đường đi độc đạo”.
Tại tỉnh Đồng Tháp, sau những trận mưa lớn, tuyến đường cầu Cái Tàu Hạ - Xóm Cưởi (đoạn khóm Phú Hòa và Phú Bình, TT.Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành) đã xuất hiện nhiều vết nứt có chiều dài trên 600m, nhiều nhà cặp bờ sông có hiện tượng sụp lún, nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện khu vực này có 33 hộ dân với trên 100 nhân khẩu đang sinh sống.
Một tuyến lộ ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bị sạt lở dù trước đó đã 4 lần gia cố.
Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 12-6, tuyến đường Nha Mân - Phú Long (đoạn ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) bất ngờ sạt lở xuống lòng sông Nha Mân. Đoạn sạt lở có chiều dài trên 50m, sâu vào đất liền hơn 4m, cắt đứt hoàn toàn giao thông qua khu vực này. Ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Tại thời điểm sạt lở, bà Đồng Thị Nga (người dân địa phương) đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường bị rơi vào hố sạt lở, rất may chỉ bị thương nhẹ. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương cùng các lực lượng tại chỗ đã đến hiện trường kiểm tra, bảo vệ và phân luồng giao thông cho người dân đi lại. Trước mắt là di dời hệ thống điện, cáp viễn thông, hệ thống nước sinh hoạt. Hiện có 11 hộ dân với 24 nhân khẩu đang sinh sống dọc theo đoạn đường này.
Tại tỉnh An Giang, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 14-6, tại khu vực bờ nam rạch Cái Sao (tổ 15, khóm Trung Hưng, phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên) xảy ra sạt lở đất với chiều dài hơn 60m và đang có nguy cơ sạt lở thêm khoảng 70m. Đặc biệt vị trí sạt lở cách Quốc lộ 91 khoảng 200m, cách đường giao thông liên khóm khoảng 4m. Vụ sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 15 căn nhà của dân. Trong đó, 6 hộ dân bị thiệt hại phần nhà bếp, 5 hộ dân có nhà bị nứt và 4 hộ dân khác nhà nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, buộc phải di dời đến nơi an toàn.
Ông Lương Huy Khanh - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết: “Nguyên nhân ban đầu được xác định là do vị trí sạt lở nằm ở khúc cua, biên độ triều lên xuống, dòng chảy lớn, mái dốc thẳng đứng, nền đất yếu, cộng với mưa lớn kéo dài”.
Ngoài sạt lở kênh, sông thì địa phương này còn xảy ra sạt lở trên cả tuyến lộ huyết mạch. Theo đó, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 27-5, Quốc lộ 91 cũ (đoạn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) xảy ra sạt lở, khiến 1/3 mặt đường nhựa, với chiều hơn 40m bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu. Vụ sạt lở đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 31 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
(Còn tiếp...)