ĐIỆP KHÚC NGỪNG RỒI "ĐỔ" CÁT
Sau hơn 5 tháng tạm dừng thi công thả bao cát xuống sông nhằm khắc phục khẩn cấp sạt lở nghiêm trọng ở QL91, đoạn qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, An Giang), trung tuần tháng 3-2020, Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Mỹ Luông (gọi tắt là Công ty Mỹ Luông, địa chỉ tại TX.Tân Châu, An Giang) tiếp tục thi công.
Theo Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang, từ ngày 3-2-2020 đến 13-4, Công ty Mỹ Luông phải thi công hoàn thành phần còn lại của giai đoạn 1 công trình, gồm thả 24.423m3 cát, triển khai trải vải địa kỹ thuật, thảm đá dưới sông, với khối lượng 675m3, kinh phí là hơn 25 tỷ đồng. Hằng ngày, sà lan chở đầy cát đến điểm sạt lở, cho nhân công đổ cát vào bao rồi ném xuống sông. Chứng kiến cảnh này, một người dân địa phương lắc đầu, ngao ngán: "Hiệu quả hay không chưa thấy, nhưng sạt lở cứ tiếp tục sạt lở...".
Như Báo Công an TPHCM thông tin, ngày 27-7-2019, trên QL91 đoạn qua xã Bình Mỹ xuất hiện vết nứt. Ngày hôm sau, vết nứt rộng từ 1 - 2cm, chiều dài khoảng 50m "ăn" sâu hơn 50% chiều rộng mặt đường. Ngày 29-7-2019, UBND tỉnh An Giang công bố tình huống khẩn cấp về nguy cơ sạt lở nghiêm trọng trên QL91. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thiết lập hành lang an toàn giao thông đường bộ và đường thủy qua khu vực này.
Đến khoảng 1 giờ ngày 1-8- 2019, toàn bộ khối nứt bị sạt, trượt xuống sông, chiều dài sạt lở khoảng 85m, làm 26 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Cùng ngày, UBND tỉnh thống nhất phương án xử lý khẩn cấp do BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, với kinh phí 25 tỷ đồng, thả các bao tải cát với khối lượng tương ứng khoảng 26.000m3 xuống sông để ổn định đường bờ, tạo mái xử lý sạt lở khẩn cấp.
Nhiều chuyên gia nhận định, ném bao cát xuống sông không hiệu quả, lãng phí
Theo báo cáo của BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang, tính đến ngày 18-8-2019, đơn vị thi công đã thả được 53.707/78.130m3 cát (tương đương 88% khối lượng) để xử lý sạt lở tuyến QL91 đúng hồ sơ thiết kế công trình. Tuy nhiên, khoảng 14 giờ 30 cùng ngày, khối cát đang thực hiện xử lý sạt lở đã bị sạt, trượt xuống sông. UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng thi công công trình để tổ chức khảo sát lại địa hình khu vực và khoan địa chất, nhằm có phương án xử lý ổn định công trình.
Khoảng 3 giờ ngày 20-8- 2019, ngay tuyến QL91, đoạn mà BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang cho thả bao cát xuống sông để khắc phục sạt lở, lại xảy ra sạt lở tiếp, với chiều dài gần 30m. Trên mặt đường, nhiều vết nứt mới "ăn" sâu vào khu vực đông dân cư.
Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh An Giang cho rằng, do doanh nghiệp thi công chưa hợp lý. Thời gian tới, đơn vị thi công phải thi công khô, rồi gói lại từng lớp cho chặt, chứ không thể bơm nước vào rồi bó lại. Đơn vị tư vấn khảo sát vụ sạt lở QL91 đã hoàn thành xong phương án, gửi các sở, ngành tỉnh An Giang để xin ý kiến đóng góp. Theo đó, đơn vị này đề xuất vẫn thực hiện phương án tương tự cách thức triển khai khẩn cấp lần trước, nhưng chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 sẽ tiến hành thả bao tải chứa cát ổn định đường bờ, nhưng chỉ thực hiện tới cao trình "dương 05" (tức là cao tới bờ của QL91). Sau đó, sẽ khảo sát, đánh giá và chờ cho đất "chặt" lại. Đến khi lũ rút, mới tiến hành làm lại mặt đường. Công ty Mỹ Luông tiếp tục thực hiện phần còn lại để quyết toán gần 26 tỷ đồng. Thế nhưng, mặt đường tiếp tục sạt lở.
NÊN DỪNG NGAY NHỮNG CÔNG TRÌNH TỐN KÉM
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc ném bao cát xuống sông để khắc phục sạt lở không đem lại hiệu quả như mong muốn. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL) cho rằng, nguyên nhân sạt lở chính xảy ra ở miền Tây là thiếu cát và thiếu phù sa.
"Trước khi thực hiện công trình khắc phục sạt lở khẩn cấp, chủ đầu tư phải hiểu rõ cơ chế dòng sông, tính đến rủi ro, thất bại của phương án. Nếu thấy không thể bảo vệ tuyến đường còn lại thì cần tính tới phương án rút lui, chấp nhận bỏ khu vực đó, tái định cư dân và làm đường tránh. Hoặc lựa chọn phương án chỉnh trị nắn dòng, đưa "tim sông" ra giữa hoặc sang bờ kia, chấp nhận mua đất, bồi thường và cho sạt lở đất nông nghiệp bờ kia ít giá trị hơn bờ này" - Ông Thiện nói.
Tỉnh An Giang tạm ứng ngân sách 25 tỷ đồng, chỉ định nhà thầu ném bao cát xuống sông ngay điểm sạt lở tại QL91, nhưng sự cố vẫn tiếp diễn
Về nguyên nhân số tiền 25 tỷ đồng khắc phục sạt lở bằng lớp cát trên lòng sông bị nước cuốn trôi, Ông Thiện lý giải; Điểm sạt lở tại QL91 ở An Giang là khu vực sông bị hẹp, cong, tạo ra bên vịnh (bên lõm) và bên doi (bên lồi). Khi nước ở thượng nguồn chảy xuống, theo lực quán tính có khuynh hướng đi thẳng, nhưng tới đây bị hẹp, buộc chuyển hướng nên tạo ra lực ly tâm, làm cho "tim sông" không đi giữa sông, mà đi sát vào bờ phía vịnh. Do mực nước bên vịnh cao hơn, bị trọng lực kéo xuống, ngoài dòng chảy tới còn có dòng chảy xoắn. Phía vịnh luôn chịu áp lực xói lở, còn phía doi có thể bồi lắng.
"Trước đây, quá trình sạt lở vẫn sẽ diễn ra ở phía vịnh, nhưng chậm hơn. Nhưng ngày nay, sông đã sâu hơn, dòng nước thiếu bùn, cát thì hình hành "nước đói". Dòng chảy xoắn này đào xuống tạo "vực thẳm" bên dưới, "ăn" vào bờ sông. Sạt lở thường xảy ra vào đầu mùa lũ. Hai loại dòng chảy này ở phía vịnh bào mòn, "ăn" đứt chân bờ sông. Mực nước thấp nên khối đất ở trên rất nặng, không có gì chống đỡ" - Ông Thiện cho biết.
Không chỉ An Giang, một số tỉnh dọc sông Tiền, sông Hậu cũng chọn phương án ném các bao cát xuống sông khi xảy ra sạt lở. Ngày 7-3-2020, TP.Cần Thơ xảy ra sạt lở ở P.An Bình (Q.Ninh Kiều), gần chợ nổi Cái Răng, làm 5 căn nhà trôi tuột xuống sông. Địa phương thi công chống xoáy lở bằng cách chở sà lan cát đến, thuê nhân công dồn cát vào bao để ném xuống sông.
Một kỹ sư ở TP.Cần Thơ nói: "Nếu bao buộc kỹ, ném xuống lòng sông, không tiếp xúc ánh nắng, độ bền có thể lên đến vài năm. Còn nếu để trên bờ, tiếp xúc nắng, mưa, các bao đựng cát này chỉ chừng 20 ngày đã bị mục. Việc dùng bao chứa cát ném xuống để lấp đầy các hố sâu, xoáy dưới lòng sông chỉ là giải pháp tạm thời. Để bền hơn, phải dùng đá loại lớn, nhưng tốn kém hơn nhiều".
Trở lại việc ném bao cát xuống sông Hậu để khắc phục sạt lở QL91, các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT từng đưa ra nhiều phương án khả thi. Từ năm 2012, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT đã lập dự án đầu tư xây dựng kiên cố hóa sạt lở QL91, với 2 phương án. Ngoài phương án xây dựng tuyến tránh QL91, đơn vị này đề xuất phương án xây dựng các đoạn kè bờ bằng cọc bê-tông, giữ nguyên phần đường hiện hữu, xây dựng công trình kè bảo vệ QL91 có tổng chiều dài 5.130m tại các đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
BQLDA giao thông 7 (Bộ GTVT) cho rằng, phương án sử dụng bao cát chỉ có hiệu quả ở những khu vực có dòng nước chảy nhẹ, nước dâng từ từ hoặc khu vực ao, hồ. Vì vậy, việc sử dụng bao cát chống sạt lở bên dòng sông Hậu ra rạch Thị Hòa có dòng nước chảy mạnh là không khả thi. Cục Quản lý đường bộ IV nhận định, giải pháp để xử lý cần nghiên cứu tổng thể diễn biến xói lở; trong đó cần nghiên cứu, so sánh giải pháp và tính toán kỹ. Đặc biệt quan tâm những con đường dọc theo bờ sông bố trí kho bãi có nguy cơ sạt lở cao để điều chỉnh quy hoạch, kết hợp nhiều giải pháp tình thế dựa trên thực tế khảo sát, đánh giá, có thể làm kè bờ bằng bê-tông, thảm rọ đá tạo mái, kết hợp xử lý hố xói...
Nên chăng, cần khảo sát, nghiên cứu những phương án khả thi trong việc thực hiện dự án chống sạt lở ở miền Tây, trước khi ồ ạt chỉ định đơn vị thầu ném bao cát xuống sông trong khi hiệu quả chống sạt lở không cao?
PGS-TSKH Nguyễn Tác An - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam:
Các biện pháp hiện nay không giải quyết được triệt để tình trạng sạt lở tại QL91 nói riêng, cũng như các vùng lân cận nói chung. Trong quản lý thiên nhiên, về cơ bản có 2 giải pháp: thích ứng và thích nghi. UBND tỉnh An Giang đang cố "chống lại tự nhiên" bằng cách lấy cát ở khu vực này lấp đầy khu vực sạt lở khác. Không những tốn kém, cưỡng ép tự nhiên, mà hiệu quả cũng không cao vì có thể không chỉ sạt lở bờ, có thể nền móng đường còn sụt thì đổ bao nhiêu cát cũng không có ý nghĩa.
Cạnh đó, phải đánh giá, xem xét nhanh quá trình sạt lở xảy ra do đâu? Do hoạt động khai thác của con người hay do sự thay đổi của tự nhiên hoặc hoạt động kinh tế, sản xuất từ các vùng lân cận tác động? Chỉ khi tìm ra chính xác nguyên nhân thì mới có được giải pháp hiệu quả.