TPHCM: Đề xuất hỗ trợ thợ hồ, bảo vệ, tiếp viên... gặp khó khăn do Covid-19

Thứ Sáu, 03/07/2020 21:00  | A. Quân

|

(CAO) Sở LĐ-TB&XH TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc bổ sung vào danh sách đối tượng hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) đã bị mất việc làm, gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt nhưng nhóm lao động tự do trên địa bàn thành phố vẫn đang chịu ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Do đó, việc bổ sung hỗ trợ nhóm lao động tự do ngoài 6 ngành nghề, công việc đã được nêu trong Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ (gồm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe) là thực sự cần thiết, nhằm giảm bớt một phần gánh nặng, khó khăn trong cuộc sống của người dân.

Nhiều thợ hồ gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Cụ thể, đó là những người làm công việc quét dọn, giúp việc gia đình; bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê; bán hàng và trợ giúp bán hàng; xử lý hạt giống để nhân giống, đốn lá lợp nhà; đánh bắt thủy sản ven biển và nội địa; những người phụ hồ, thợ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ - tự làm hoặc làm theo nhóm; tài xế, phụ xe, lơ xe, tiếp viên, nhân viên làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải; tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, may gia công, làm hàng thủ công mỹ nghệ, làm đẹp, thể thao, giải trí.

Lý giải về điều này, ông Lê Minh Tấn cho rằng việc cách ly xã hội, tạm ngừng kinh doanh một số lĩnh vực, người dân hạn chế ra đường trong thời gian giãn cách xã hội đã khiến cho nhóm người lao động tự do (người lao động tay chân, làm công việc giản đơn) bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, không đáp ứng đủ mức sống tối thiểu trên địa bàn thành phố.

Ngoài việc dừng các hoạt động theo yêu cầu giãn cách xã hội, từ ngày 23/4, TP tiếp tục dừng hoạt động một số lĩnh vực như cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, vật lý trị liệu, xông hơi; các trung tâm thể dục thể thao và cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà... làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm lao động ở khu vực này.

Tiêu chí áp dụng cho đối tượng được hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), lao động tay chân, làm công việc giản đơn, trình độ nghề thấp. Người lao động có việc làm bấp bênh thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản đảm bảo an sinh xã hội; người lao động tự do bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Người lao động được hỗ trợ nếu đảm bảo đủ các điều kiện: mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo của thành phố (dưới 3 triệu đồng/tháng) và cư trú hợp pháp tại địa phương (có hộ khẩu thường trú của thành phố hoặc có đăng ký tạm trú dài hạn có xác nhận của công an nơi đăng ký tạm trú).

Mức hỗ trợ được đề xuất là 1 triệu đồng/người/tháng, tùy theo diễn biến dịch và tình trạng việc làm của người lao động nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và nguồn kinh phí được trích từ ngân sách thành phố.

Thống kê từ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy trong 24 quận, huyện của thành phố có khoảng 89.300 lao động tự do thuộc 280 nhóm ngành nghề bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bình luận (0)

Lên đầu trang