(CAO) Ngày 3/7, tại Cần Thơ, Ngày hội kích cầu du lịch TP.Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long chính thức khai mạc.
Đây là sự kiện nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của TP.Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng.
Ngày hội bao gồm chuỗi hoạt động: Hội nghị sơ kết 6 tháng liên kết phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khảo sát các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình Ấn tượng du lịch Việt Nam 2020, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; Lễ công bố Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Ngày hội kích cầu du lịch TP.Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long vừa khai mạc. Ảnh: CTV
Các hoạt động này nhằm thực hiện chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động để kích cầu du lịch sau đại dịch COVID-19, chuẩn bị khôi phục hoạt động du lịch quốc tế sau khi Chính phủ cho phép; đồng thời nhằm sơ kết Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa UBND TPHCM và UBND 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025, được ký kết ngày 14/12/2019 tại tỉnh Bạc Liêu.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là khu vực có tiềm năng du lịch đa dạng với nhiều loại hình du lịch phong phú; có đặc điểm sông ngòi chằng chịt cùng những dãy cù lao xanh mát.
Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái đa dạng, sản vật địa phương phong phú, đặc sắc - lợi thế to lớn và độc đáo để vùng phát triển du lịch sinh thái. Du khách muốn khám phá du lịch miệt vườn có thể đến tham quan những vườn trái cây trĩu quả ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Cần Thơ.
Trong khi đó, đến với Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, du khách sẽ có thời gian trải nghiệm thú vị về biển, đảo miền Tây Nam Bộ. Đến với An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh…, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu những di tích lịch sử, thưởng thức ẩm thực phong phú và tham dự nhiều lễ hội dân gian.
Nếu Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế với sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn thì sản phẩm du lịch chủ lực của TPHCM lại chính là du lịch MICE (du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị). Sự liên kết giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng Ðồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua đã phát huy lợi thế của nhau, giúp mở rộng thị trường, thị phần khách.
Trong bối cảnh chưa thể mở cửa du lịch quốc tế do dịch COVID-19, việc thúc đẩy phát triển du lịch trong nước được xem là giải pháp duy nhất để từng bước khôi phục ngành du lịch trong lúc này.
Năm 2019, lượng khách đến Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 30.000 tỉ đồng.
Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 03, ngày 01/8/2016, về đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, ngành du lịch Cần Thơ đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm. Năm 2019 Cần Thơ đón 8.869.065 lượt khách du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt 4.435,3 tỷ đồng.
Ngày hội kích cầu du lịch TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long thu hút 30 gian hàng của 14 tỉnh, thành và 11 đơn vị kinh doanh du lịch với nhiều lĩnh vực đa dạng: lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vườn du lịch và các hãng hàng không Việt Nam.