(CATP) Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 2-7, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cảnh báo, đến cuối quý 3-2020 tình trạng thất nghiệp mới thực sự xảy ra.
Theo thống kê của Bộ LĐ, TB&XH, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn.
Lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuồi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng. Lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là khu vực công nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1,4 triệu người. Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động bán buôn bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú ăn uống.
Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp (ước tính giải quyết việc làm cho 540 ngàn lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước), nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng 6 bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 28%, Hà Nội giảm 23%,...).
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương
Đồng thời, một loạt các thị trường lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc,...bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nên phải ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam, nhiều đơn hàng tuyển dụng, đơn xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng. 6 tháng đầu năm 2020, chỉ có 60,3% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài so với cùng kỳ năm trước), riêng trong tháng 5-2020, các doanh nghiệp chỉ cung ứng được 126 lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động hiện nay đang hồi phục dần do dịch Covid 19 trong nước được khống chế, các ngành nghề bị dừng, đứt chuỗi đã dần trở lại bình thường, sang quý 3 sẽ có tín hiệu vui, mỗi tháng có khoảng 80-90.000 lao động quay lại thị trường.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cảnh báo, khoảng cuối quý 3-2020, tình trạng thất nghiệp mới thực sự xảy ra, đặc biệt tại các ngành như may mặc, da giày…do tình hình dịch bệnh vẫn ngày càng nghiêm trọng trên thế giới, sản phẩm làm ra không xuất khẩu được, không có nguyên liệu sản xuất do các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. “Đây cũng là cảnh báo của các tổ chức quốc tế”-ông Dung cho hay.
Tại hội nghị, báo cáo về kết quả triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; còn với các doanh nghiệp mặc dù đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị này, trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được gói 16.000 tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp vay không lãi vì các thủ tục quá chặt chẽ, rườm rà khiến doanh nghiệp e ngại. Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ nới lỏng điều kiện, tiêu chí hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; tiếp tục kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, trước mắt đến hết năm 2020; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động bị mất việc làm, giúp họ có cơ hội trở lại thị trường lao động.
Cụ thể, ông Dung đề nghị bỏ tiêu chí thứ 2 (doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay vì nếu không có nguồn thu thì doanh nghiệp phá sản rồi, không hoạt động được mà vay nữa), đồng thời kéo dài thời hạn vay. Về vấn đề này, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề nghị của ông Dung, yêu cầu triển khai sớm việc nởi lỏng tiêu chí để hỗ trợ doanh nghiệp.