Chiến dịch #Metoo và nỗi sợ mất việc

Thứ Bảy, 21/04/2018 12:07

|

(CAO) Chiến dịch #MeToo đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ từng là nạn nhân bị quấy rối tình dục trên khắp thế giới, giúp những người phụ nữ này có động lực để lên tiếng đòi lại công bằng. Tuy nhiên, nhiều người lại chọn cách im lặng vì lo sợ sẽ bị mất việc.

Chiến dịch #MeToo đã có từ lâu, sau một thời gian chiến dịch này dần thu hút được sự ủng hộ của nhiều người và nhanh chóng lan rộng trên khắp các mạng xã hội. Hàng loạt vụ quấy rối tình dục đã được phanh phui, trong đó vụ việc ông trùm giải trí Hollywood - Harvey Weinstein bị cáo buộc quấy rối tình dục các nữ nghệ sĩ đã tốn không ít giấy mực của báo chí.

Hàng loạt nữ nghệ sĩ đã lên tiếng tố cáo Harvey Weinstein có hành vi quấy rối tình dục.

Tại Trung Quốc và các nước ở châu Á, chiến dịch #Metoo cũng đã khuyến khích một số phụ nữ lên tiếng, đặc biệt là ở các trường đại học. Điển hình là vụ việc ông Shen Yang, 62 tuổi, là một học giả đã bị 2 trường đại học sa thải vì bị cáo buộc cưỡng hiếp một sinh viên nữ vào hơn 20 năm trước khiến cô phải tự tử.

Hôm 18-4, ông Junichi Fukuda, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản cũng đã tuyên bố từ chức vì bị cáo buộc quấy rối tình dục một số nữ phóng viên.

Ông Junichi Fukuda đã từ chức vào hôm 18-4 và phủ nhận mọi cáo buộc. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh những người dám lên tiếng đòi lại công bằng, cũng có không ít phụ nữ lại chọn cách im lặng. Họ lo sợ sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất việc, không thể xin được việc làm trong ngành nếu lên tiếng không thành công.

Cách đây 2 năm, Zhang Chung, nhân viên văn phòng tại Trung Quốc trong một chuyến đi công tác đã bị cấp trên quấy rối tình dục. Người sếp này đã có gia đình nhưng vẫn giở trò khiếm nhã với Zhang.

Không ít phụ nữ đã từng bị quấy rối tình dục nơi công sở.

Sau sự việc, Zhang cho biết cô đã rất sợ hãi và phải dùng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, cô đã không báo cáo vụ việc với lãnh đạo công ty hoặc cảnh sát vì lo sợ sẽ bị sa thải. “Công ty có phúc lợi và đảm bảo quyền lợi cho nhân viên, nhưng tôi không nghĩ công ty sẽ can thiệp, xử lý việc quấy rối tình dục”, Zhang nói.

Một giám đốc công ty ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết dù Zhang báo cáo vụ việc, có thể lãnh đạo công ty cũng sẽ không giải quyết. Hiện tại, Trung Quốc không có đủ chế tài và các luật để xử phạt quấy rối tình dục. Các nạn nhân cũng lo sợ sẽ đánh mất cơ hội phát triển nghề nghiệp và phải chịu sự soi mói của mọi người xung quanh. Vì vậy hầu hết nạn nhân bị quấy rối tình dục tại Trung Quốc đều chọn cách im lặng.

Vì sợ mất việc, hầu hết nạn nhân đều chọn cách im lặng.

Ngoài ra, ngành truyền thông tại Trung Quốc cũng là ngành có tỉ lệ bị quấy rối tình dục khá cao. Nữ nhà báo Huang Xueqin (từng là nạn nhân bị quấy rối tình dục) cùng một số đồng nghiệp đã thực hiện khảo sát. Có đến hơn 80% trong số hơn 400 nữ nhà báo đã từng là nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Huang Xueqin cũng cho biết chỉ có một số ít người chịu đứng ra tố cáo. “Nếu vụ kiện không được xử lý thỏa đáng, nạn nhân có khả năng sẽ không thể làm việc trong ngành nữa”, Huang Xueqin nói thêm.

Nữ nhà báo Huang Xueqin chụp hình kèm hashtag #Metoo kêu gọi phụ nữ dũng cảm lên tiếng.

Nữ luật sư Guo Jianmei cho biết cô đã tiếp nhận nhiều vụ kiện quấy rối tình dục trong những năm qua nhưng hầu hết đều không thành công. Nguyên nhân chính là vì chế tài của chính phủ vẫn còn lỏng lẻo và các công ty cũng không có chính sách xử phạt hành vi quấy rối tình dục.

Trong thời gian gần đây, mạng xã hội tại Việt Nam cũng lan truyền thông tin một nữ cộng tác viên tại một tòa soạn ở TP.HCM bị cấp trên quấy rối. Mặc dù thông tin trên vẫn đang được các bên liên quan tiến hành xác minh, điều tra làm rõ; tuy nhiên vụ việc cũng đã khiến cộng đồng mạng chấn động và yêu cầu nhanh chóng được làm rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang