Đô thị thông minh: Xu thế phát triển của thời đại:

Kỳ cuối: Một hệ sinh thái hoàn chỉnh

Thứ Tư, 01/07/2020 12:03  | Anh Duy

|

(CATP) Các thành phố thông minh kết nối với nhau tạo thành một vùng đô thị thông minh với các ứng dụng công nghệ tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi người dân được thụ đắc tiện nghi đến mức hầu hết hoạt động hằng ngày của họ đều có liên quan đến hệ sinh thái này.

Công nghệ phủ khắp

Sau khi du ngoạn Đài Bắc, tôi đặt vé tàu cao tốc (HSR) xuống Cao Hùng, thành phố phía nam hòn đảo. Đây là một trong những hệ thống đường sắt cao tốc có tốc độ cao nhất Thế giới, lên đến 300km/h. Dòng điện được dẫn từ một nhà máy phát điện chạy dọc theo đường dây điện trên cao, mắc trên các cột chạy dọc đường ray biến nó thành cực dương, còn đường ray chạy tàu thành cực âm.

Một mạch điện khép kín hình thành cung cấp năng lượng cho đoàn tàu này chạy với tốc độ cao trên suốt hành trình của tuyến di chuyển dài 350km. Với khoảng cách đó, từ Đài Bắc xuống Cao Hùng tôi chỉ phải ngồi tàu trong vòng 90 phút.

Một tuyến đường sắt đô thị nơi tàu điện ngầm đi qua ở Đài Bắc. Bên dưới là xe buýt. Các phương tiện này được quản lý bởi các hệ thống thông minh (TMS, BMS) định vị vị trí, tốc độ của phương tiện - Ảnh: Anh Duy

Chính quyền ứng dụng hệ thống quản lý tàu (TMS) cho hệ thống đường sắt này. Tương tự BMS để quản lý xe buýt thông minh, TMS là một trung tâm điều khiển tích hợp có thể giám sát toàn bộ hệ thống vận hành tàu điện theo thời gian thực, với việc tập hợp thông tin về định vị tàu (vị trí và tốc độ), từ đó dữ liệu được truyền tới bảng điều khiển dịch vụ thông tin tại các ga tàu. Đứng tại ga Đài Bắc, khi ngước nhìn lên các bảng điện tử kết nối Internet nằm trong hệ thống TMS, tôi biết được thông tin trực tuyến về mã số tuyến tàu HSR ghi trên vé, thời gian tàu đến, khoảng cách từ vị trí tàu đang di chuyển đến vị trí ga của tôi, với thông tin được hiển thị trực tuyến trên các bảng này bằng cả tiếng địa phương lẫn tiếng Anh.

Các tuyến HSR kết nối vào TMS là ứng dụng tiêu biểu của công nghệ giúp người dân di chuyển thông minh, rút ngắn thời gian đi lại.

Thông tin về các tuyến tàu và thời gian chạy trong ngày cũng được đơn vị quản lý là Công ty Đường sắt cao tốc Đài Loan đăng tải trên website của họ, cập nhật liên tục hoạt động theo thời gian thật: chuyến nào đang chạy, chuyến nào đang gặp sự cố phải hoãn giờ đến ga. Nếu theo dõi thông tin bằng TMS hay trên website “chưa đủ”, khách hàng có thể tải ứng dụng theo dõi hoạt động tàu chạy về điện thoại thông minh để tiện thiết lập cho mình một hành trình hợp lý.

Hệ sinh thái hoàn chỉnh

Trước khi qua du lịch, tôi lên website của iTaiwan để đăng ký lịch trình nhập cảnh dự kiến, quốc tịch, số hộ chiếu để đăng ký tài khoản sử dụng Internet không dây (Wi-fi) miễn phí tại hòn đảo. Khi xuống sân bay, tôi chỉ việc tìm đến trung tâm dịch vụ du lịch (Tourist Service Center) trình hộ chiếu để nhân viên ở quầy kiểm tra thông tin lưu trên máy chủ. Tại đây họ kích hoạt tài khoản iTaiwan mà tôi đã đăng ký trước trên website từ Việt Nam và cung cấp mật khẩu (password) đăng nhập wi-fi.

Mạng iTaiwan phủ khắp hòn đảo giúp tôi đến bất kỳ địa điểm nào cũng có thể truy cập Internet miễn phí để xem tin tức, lướt mạng xã hội, theo dõi hoạt động của các phương tiện chuyên chở. Như vậy, những du khách như tôi vừa “đắm mình” trong tiện nghi của dịch vụ giao thông thông minh (tàu điện) vừa thoải mái sử dụng Internet – tiện nghi của hạ tầng viễn thông phủ khắp mọi nơi, vốn là một thành tố quan trọng để cấu thành một đô thị thông minh.

Xuống tàu ở Cao Hùng, tôi lại “đắm chìm” vào một tiện nghi khác của hệ sinh thái là thẻ EasyCard (Kỳ 2). Đây là một dạng thẻ Debit (nạp tiền vào bao nhiêu, sử dụng bấy nhiêu đến khi hết thì nạp tiếp). Tấp vào cửa hàng tiện lợi, tôi đưa tiền giấy nhờ nhân viên nạp khoảng 1000 Đài tệ (Khoảng 700.000 đồng) vào thẻ rồi dùng thẻ này để cà lên hệ thống mắt đọc thanh toán để đi tàu điện ngầm (MRT) trong thành phố, mua thức ăn, nước uống ở các cửa hàng. Đi xe buýt hay thậm chí đi phà vượt biển qua tham quan một hòn đảo ở Cao Hùng cũng chỉ cần cà thẻ Easy.

Di chuyển trên phố phường Đài Bắc. Xã hội Đài Loan là một xã hội đô thị hoá cao độ với việc ứng dụng nhiều dịch vụ nằm trong hệ thống "thành phố thông minh" để quản trị - Ảnh: Anh Duy 

Các thiết bị đọc thẻ ở cuối điểm của hành trình tự trừ tiền bằng đúng khoảng cách đã đi từ điểm A đến điểm B. Với tiện nghi thanh toán thông minh này, dựa vào ứng dụng từ Internet Vạn vật (IoT), một khách du lịch nước ngoài bất đồng ngôn ngữ có thể dễ dàng thanh toán các dịch vụ ở địa phương chỉ bằng một thao tác.

Ở những xã hội đô thị hoá như Đài Loan, thanh toán qua thẻ tín dụng trong hệ thống dịch vụ du lịch đã trở nên phổ biến. Một xã hội không tiền mặt. Từ Việt Nam chỉ cần lập một thẻ ngân hàng có liên kết với các tổ chức như VISA hay MasterCard, tôi có thể đặt phòng trực tuyến thông qua các ứng dụng đặt phòng như Booking.com rồi nhập mã số thẻ để thanh toán trước. Tiếng tít tít báo tài khoản bị trừ vang lên, khi qua đây du lịch chỉ cần gặp lễ tân khách sạn để họ in hoá đơn rồi dọn đồ lên phòng.

Thanh toán bằng thẻ tín dụng hiện nay đang ngày càng phổ biến ở nước ta, cũng là một điển hình tiêu biểu của việc ứng dụng IoT vào cuộc sống, tạo nên hệ sinh thái của một thành phố thông minh.

Từ TMS quản lý tàu, Wi-fi phủ khắp, EasyCard cho đến thanh toán đặt phòng bằng thẻ tín dụng là lát cắt trong bức tranh ứng dụng công nghệ vào đời sống, tạo thành những thành phố và vùng đô thị thông minh. Cả 1 ngày di chuyển giữa hai thành phố, cho đến lúc đặt lưng nghỉ ngơi sau 1 ngày dài, không lúc nào tôi thoát được khỏi "hệ sinh thái" là các dịch vụ thông minh đã bao trùm này. 

Xây dựng đô thị thông minh hiện nay đang là một xu thế không thể đảo ngược, phát triển theo đà tiến như vũ bão của công nghệ. Quy hoạch và ứng dụng thế nào chính là bài toán dành cho các nhà quản lý, các chính quyền cũng như cần sự đồng lòng ủng hộ và đóng góp những phát kiến của người dân để tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh: từ cung ứng các dịch vụ công đến ứng dụng tư (như xe tự lái, xe ôm công nghệ…)

Cuộc sống trong một đô thị thông minh chính là việc mỗi cư dân “đắm mình” trong hệ sinh thái “thông minh” đó với các hệ thống thành phần kết nối với hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hành xử thông minh như con người, giúp thực hiện các tác vụ trơn tru, thuận tiện hơn.

Để xây dựng được một đô thị thông minh đúng nghĩa đòi hỏi một quyết tâm cao độ bởi đó là một hành trình dài và gian truân từ xây dựng hạ tầng, dịch vụ đến kiện toàn chính sách rồi bắt tay vào thực hiện.

​Kỳ 4: Không còn là giấc mơ viễn tưởng
 
​Kỳ 3: Cách Seoul chuyển đổi thành đô thị thông minh
 
Kỳ 2: Thanh toán thông minh nhìn từ thẻ EasyCard
 
​Kỳ 1: Ứng dụng công nghệ vào cuộc sống
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang