Đô thị thông minh: Xu thế phát triển của thời đại:

Kỳ 2: Thanh toán thông minh nhìn từ thẻ EasyCard

Thứ Năm, 25/06/2020 21:19  | Anh Duy

|

​(CATP) Tháng 1-2019, thành phố Đài Bắc, Đài Loan được Viện Quản lý Phát triển Quốc tế (IMD) có trụ sở tại Lausane, Thụy Sĩ xếp hạng thứ 7 Thế giới ở hạng mục “Thành phố thông minh” trên tổng số 102 thành phố được khảo sát dựa trên 36 tiêu chí. 

Trong các tiêu chí đánh giá, thành phố này được đánh giá cao ở các khía cạnh: độ phổ cập Wi-Fi công cộng miễn phí, nguồn lực y tế, sự thuận tiện khi mua vé phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ tái chế bảo vệ môi trường… Có dịp đến đây, tác giả ấn tượng với một phương diện cấu thành nên sự “thông minh” của thành phố này: Thanh toán thông minh.

Đến Đài Bắc, điều đầu tiên khi bước xuống sân bay tôi đến ngay cửa hàng tiện lợi mua cho mình tấm thẻ Easy (EasyCard). Chiếc thẻ nhựa có kích thước như thẻ ATM từ lúc đó trở thành vật bất ly thân trong suốt hành trình. Sau khi nói nhân viên ở cửa hàng nạp vào chiếc thẻ chừng 500 Đài tệ (khoảng 350.000 đồng), tôi bắt đầu sử dụng ngay công năng của nó để mua bánh mì kẹp và nước cam ngay trong cửa hàng.

Chỉ cần đưa nhân viên EasyCard để họ cà lên mắt đọc ở quầy thu ngân, tài khoản trong thẻ nhanh chóng bị trừ 150 Đài tệ, khỏi cần tiền mặt chi trả. Tấm thẻ Dễ dàng, đúng như tên gọi của nó giúp mọi thứ giao dịch trở nên thuận lợi.

Tấm thẻ EasyCard - Ảnh: Anh Duy

Thanh toán đa năng

Thẻ Easy đóng vai trò như một thẻ dạng Debit (nạp tiền vào bao nhiêu, sử dụng bấy nhiêu đến khi hết thì nạp tiếp) của ngân hàng. Cầm tấm thẻ, tôi không cần phải kè kè trong ví một đống tiền giấy vừa choáng chỗ vừa dễ rơi rớt.

Vào trung tâm Đài Bắc để di chuyển đến các địa điểm trong thành phố, người dân sử dụng hệ thống tàu điện ngầm (MRT) với các tuyến (line) toả đi khắp các địa điểm trong thành phố. Một lần nữa, EasyCard chứng tỏ sự hữu dụng khi chỉ cần cà thẻ vào mắt đọc ở lối vào một trạm tàu điện, tấm thẻ sẽ ghi nhớ địa điểm hành khách bước vào.

Từ điểm A tôi xuất phát ở trạm Taipei Main Station đi MRT đến điểm B là trạm Đạm Thuỷ (Tamsui), khi bước ra khỏi trạm và cà thẻ lần nữa, tài khoản trong EasyCard bị trừ đúng số tiền cho chặng đường vừa đi. Một tiếng tít vang lên báo hiệu tài khoản bị trừ trên màn hình của mắt đọc. Khỏi trả tiền giấy.

Dĩ nhiên ở các thành phố như Singapore hay Seoul họ cũng sử dụng những tấm thẻ tương tự EasyCard để đi MRT, nhưng ở Đài Loan tấm thẻ này không chỉ sử dụng cho hệ thống giao thông công cộng (MRT, tàu điện cao tốc đến các tỉnh hay xe buýt) mà còn ứng dụng dàn trải trên nhiều loại hình dịch vụ của thành phố. Tất cả nối kết tạo nên một hệ sinh thái tiêu dùng chi trả thông qua việc nạp tiền vào thẻ rồi cà thẻ thanh toán.

Sau khi di chuyển lên xuống các trạm tàu điện, tôi vào Starbucks mua 1 ly cà phê. Lúc thanh toán, thẻ EasyCard cũng làm tốt công việc của mình. Gần như mọi thứ đều thu vào trong 1 chiếc thẻ. Trước khi sang đây, tôi lên webiste của trang YouBike để đăng ký tài khoản. Đến Đài Bắc, ở những điểm xa các trạm tàu điện tôi dùng thẻ EasyCard cà vào mắt đọc để lấy xe đạp từ các trạm cố định trên đường, vi vu ngắm phố.

Thẻ EasyCard đặt trên mắt đọc của thiết bị thanh toán của cửa hàng tiện lợi. Tài khoản trong thẻ bị trừ tương đương giá món hàng đã mua - Ảnh: Anh Duy

Hệ sinh thái hoàn chỉnh

Luôn nạp đầy thẻ EasyCard. Đó là với tôi, một du khách không có tài khoản ngân hàng ở Đài Loan. Mỗi lần trong thẻ gần hết tiền (dưới 100 Đài tệ), tôi lại tạt ngang một cửa hàng tiện lợi nhờ họ đặt thẻ vào mắt đọc của quầy thu ngân để nạp thêm tiền (thu tiền giấy từ khách hàng).

Tuy nhiên truy cập webiste của tập đoàn quản lý EasyCard, họ mở cả dịch vụ liên kết thẻ EasyCard của mỗi người với tài khoản ngân hàng của chính họ. Chế độ tự động tải (Autoload) ngay lập tức được kích hoạt. Thẻ EasyCard sẽ tự động được tải lại 500 Đài tệ hoặc bội số của số tiền đó từ tài khoản ngân hàng được kết nối để nạp vào thẻ khi số dư trên thẻ không đủ để thanh toán hoặc còn ít hơn 100 Đài tệ, mà không tính bất kỳ khoản phụ thu nào từ hoạt động tự chuyển tiền này.

Một xã hội bớt dùng tiền mặt trong giao dịch được định hình, thuận lợi nhờ các thành phần của một hệ sinh thái thanh toán nối kết với nhau: Đó là nối kết giữa tài khoản ngân hàng với tấm thẻ để tiền luôn được nạp đầy, là hệ thống giao thông công cộng từ tàu điện ngầm đến xe buýt được trang bị mắt đọc để thanh toán bằng thẻ, là các cửa hàng bán thực phẩm, quán cà phê, quán ăn… nhiều nơi chấp nhận quẹt EasyCard để thanh toán.

Sẽ là thiếu nếu không kể đến hệ thống cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/7, cửa hàng dược phẩm, mỹ phẩm của các thương hiệu lớn phủ khắp mọi ngóc ngách, bán đủ thứ từ nhu yếu phẩm hằng ngày đến thực phẩm, đồ dùng gia đình. Tất cả đều được trang bị thiết bị thanh toán có mắt đọc trừ tiền để trừ tiền từ EasyCard.

Thành phố Đài Bắc luôn giữ thứ hạng cao trong danh sách "Những thành phố thông minh nhất toàn cầu" - Ảnh: Anh Duy

Thật khó hình dung khi sống ở Đài Loan mà lại thiếu đi tấm thẻ này. Ngày về vì bay chuyến đêm, tôi tiêu hết những đồng tiền giấy cuối cùng để đặt taxi từ khách sạn ra sân bay. Bụng đói, sực nhớ còn vài trăm tệ trong thẻ EasyCard, thế là có ngay bữa ăn đêm nóng sốt ở cửa hàng tiện lợi.

Bí quyết để người dân cùng đồng lòng bớt sử dụng tiền mặt chính là tạo nên một hệ sinh thái sử dụng dịch vụ hoàn chỉnh như ở Đài Loan: thẻ EasyCard với các liên kết ngân hàng, trạm tàu, cửa hàng tạo thành 1 mạng lưới. Đây cũng là một bức tranh của xã hội nơi các dịch vụ liên kết trơn tru với nhau để thanh toán. Một xã hội đô thị thời cách mạng công nghiệp 4.0 làm chủ với Internet Vạn Vật hay Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (tiếng Anh: Internet of Things, viết tắt IoT) chi phối.

Theo Wikipedia, IoT là một liên mạng, trong đó các thiết bị, phương tiện vận tải (được gọi là "thiết bị kết nối" và "thiết bị thông minh"), phòng ốc và các trang thiết bị khác được nhúng với các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành cùng với khả năng kết nối mạng máy tính giúp cho các thiết bị này có thể thu thập và truyền tải dữ liệu, nối kết với nhau.

EasyCard- tấm thẻ nơi các dịch vụ quy tụ về thiết bị này để luân chuyển dòng tiền, chính là ứng dụng thiết thực của IoT. Một đô thị thông minh được hình thành từ những nền tảng và dịch vụ như thế này.

(Còn tiếp...) 

​Kỳ 1: Ứng dụng công nghệ vào cuộc sống
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang