Phản ứng trái chiều của Ấn – Trung sau đụng độ phản ánh điều gì?

Thứ Tư, 24/06/2020 12:26

|

​(CAO) Hôm 24-6, Reuters dẫn phân tích từ các chuyên gia nhận định vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở đường biên tối 15-6 khiến hàng chục người thiệt mạng nhận được phản ứng trái chiều từ hai phía.

Trong khi Ấn Độ xem đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua của đất nước thì Trung Quốc có chiều hướng “xem thường” ảnh hưởng tác động từ vụ việc này.

Trung Quốc sở dĩ có thái độ trên vì Bắc Kinh hiện nay đang bị lôi vào các trận chiến ngoại giao khác, từ tranh chấp, bất đồng với Mỹ, Úc cho đến vấn đề Đài Loan và họ cũng đang phải đối phó với tình hình bất ổn ở Hong Kong. Bên cạnh đó Bắc Kinh còn phải lo đối phó với dịch Covid-19 với các ca nhiễm có chiều hướng tăng trở lại trong nội địa.

Vì thế Trung Quốc không muốn tạo thêm rắc rối cho mình. Họ có chiều hướng xuống thang căng thẳng sau vụ đụng độ ở biên giới với Ấn Độ vì nhận ra nếu tiếp tục khiêu khích có thể đẩy nước láng giềng về phía Mỹ nhiều hơn.

Cũng theo Reuters, phản ứng của Bắc Kinh cũng chỉ ra mối quan tâm của họ hiện nay không đặt nặng ở mặt trận xung đột với Ấn Độ vì nó ít quan trọng hơn về mặt chính trị so với các ưu tiên khác, như yêu sách đối với Đài Loan và Biển Đông và sự cần thiết trong việc gia tăng kiểm soát của họ đối với Tân Cương và Hồng Kông.

Trong khi đó tại Ấn Độ, thủ tướng Narendra Modi - một người theo chủ nghĩa dân tộc đã phải đối mặt với những áp lực trong nước kêu gọi ông đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không phải chịu áp lực công khai như vậy.

Khu vực xảy ra đụng độ hôm 15-6 nhìn từ vệ tinh - Ảnh: MAXAR

Người Ấn Độ theo dõi mọi thứ mà Trung Quốc đang làm, nhưng hầu hết người Trung Quốc chỉ để mắt đến các vấn đề quốc tế liên quan đến Mỹ hoặc Đài Loan – Reuters dẫn lời ông Zhang Jiadong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải nhận định.

Cả hai chính phủ đều muốn chơi rắn với đối thủ, nhưng thông tin từ chiến trường từ xa rò rỉ vào các lực lượng truyền thông Ấn Độ theo cách không thể có ở Trung Quốc. Cuộc đụng độ xảy ra bởi vì quân đội từ cả hai phía có một sự hiểu biết khác nhau về nơi kiểm soát thực tế nằm ở đâu, ông nói.

Khu vực tranh chấp này là một đỉnh đồi cằn cỗi không có giá trị kinh tế hoặc địa chiến lược. Theo quan điểm của chính phủ Trung Quốc, nó không đáng để làm mất ổn định các mối quan hệ song phương về vấn đề này, theo ông Zhang.

Mức độ dư luận Trung Quốc ít quan tâm đến vụ việc thể hiện ở việc cuộc đụng độ biên giới đã không lọt vào 50 từ khoá tìm kiếm hàng đầu của người dân nước này trên Weibo (công cụ tìm kiếm trên mạng của Trung Quốc).

Người biểu tình tại Ấn Độ đốt hình chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để phản đối sau vụ đụng độ - Ảnh: Reuters

Trong khi đó tại Ấn Độ, tiếng nói gây áp lực lên chính quyền Modi đến từ các nhà lãnh đạo của phe đối lập, các cựu tướng lĩnh và nhà ngoại giao đã đồng loạt chỉ trích ông vì đã không bảo vệ được đời sống của người dân và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Nhiều người đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.

Câu chuyện từ vụ đụng độ đã trở thành tâm điểm của truyền thông và dư luận trong nước. Mối đe dọa từ Trung Quốc từng khiến Ấn Độ chịu đựng trong cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi vào năm 1962, nay đã trở thành mối quan tâm làm lu mờ chú ý nhằm vào cuộc khủng hoảng gây ra bởi dịch Covid-19 ở Ấn Độ.

Số vụ biểu tình trong đó có nhiều vụ biến thành bạo động để phản đối vụ việc đến nay chưa có điểm dừng. Cựu Thủ tướng Manmohan Singh cho biết người dân Ấn Độ đứng sau Modi, nhưng ông phải chịu trách nhiệm.

“Chúng tôi đang đứng ở ngã tư lịch sử. Các quyết định và hành động của chính phủ sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách các thế hệ tương lai nhìn nhận về chúng tôi” - ông Singh nhận định. Các nhà phân tích cho rằng áp lực từ dư luận trong nước như vậy khiến Modi khó thỏa hiệp hơn trong vụ việc mà không để bị mất mặt.

Ông Modi (trái) và ông Tập đứng trước áp lực kkác nhau từ dư luận sau vụ đụng độ - Ảnh: Tân Hoa Xã

Modi từ khi lên cầm quyền vào năm 2014 đã đặt mục tiêu sẽ biến Ấn Độ thành một cường quốc về kinh tế và quân sự, nhưng Trung Quốc đã tiến xa hơn họ trong tiến trình này. Nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay lớn gấp 5 lần Ấn Độ, với ngân sách chi tiêu quân sự gấp 3 lần.

Chính quyền Modi vì thế có thể sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế chống lại Trung Quốc để xoa dịu áp lực từ dư luận, thay vì mạo hiểm xung đột quân sự với một kẻ mạnh hơn.

Ấn Độ tố Trung Quốc xây dựng trong lãnh thổ dẫn đến đụng độ
 
Dân Ấn Độ “sôi sục” kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang