Đô thị thông minh: Xu thế phát triển của thời đại:

​Kỳ 1: Ứng dụng công nghệ vào cuộc sống

Thứ Ba, 23/06/2020 13:10  | Anh Duy

|

​(CATP) Sở Nội vụ TP.HCM hôm 20-5-2020, gửi tờ trình lên UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, trong đó được dư luận quan tâm là đề xuất sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức để hình thành một thành phố trực thuộc TP.HCM, tạm gọi là thành phố phía Đông.

Theo Sở Nội vụ, lý do để đưa ra đề xuất này là mong muốn biến thành phố phía Đông thành một khu đô thị sáng tạo khi tận dụng được hạ tầng, dịch vụ có sẵn như Khu công nghệ cao, khu làng Đại học, khu đô thị mới Thủ Thiêm, kết nối với hạ tầng kỹ thuật khung đang dần được kiện toàn như xa lộ Hà Nội, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên… cùng với việc tận dụng địa thế cửa ngõ để kết nối liên vùng với toàn vùng Đông Nam Bộ, biến nơi đây thành địa bàn phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tri thức, trong tương lai trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo.

Đây là một hành trình dài phải đi từng bước từ phát triển hạ tầng (phần cứng) đến việc ứng dụng công nghệ, trí thông minh nhân tạo (AI) tạo thành một “phần mềm” điều phối hoạt động quản trị đô thị, từ đó tạo nên một thành phố “sáng tạo” và “thông minh” đúng nghĩa.

Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) được xếp hạng là một trong những thành phố thông minh nhất toàn cầu - Ảnh: gigabitmagazine.com​

Không chỉ là sáp nhập hành chính

Mô hình vùng đô thị với thành phố nằm trong thành phố đã có từ lâu trên toàn cầu. Gần nhất là vùng đô thị Manila (Philippines) với thủ đô Manila là thành phố trung tâm cùng 15 thành phố vệ tinh khác nằm trong địa giới tạo thành một “vùng đô thị”.

Trong mô hình này, mỗi thành phố trực thuộc trong vùng đảm nhiệm một vai trò nhất định, như thành phố Makati được quy hoạch làm trung tâm tài chính và kinh tế, nơi đặt đại bản doanh của nhiều tập đoàn lớn nhất Philippines. Điều này tương tự như việc quy hoạch thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM làm vai trò đầu tàu trong việc phát triển các ngành mũi nhọn, sáng tạo. Tuy nhiên nếu xét về phương diện “đô thị thông minh”, chưa thể nói vùng đô thị Manila là “thông minh nhất”.

Theo Wikipedia định nghĩa, một thành phố thông minh (smart city) là một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hành xử thông minh như con người, gồm mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức) để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thành phố thông minh hiện là xu thế phát triển của thời đại - Ảnh: e-zigurat.com

Điển hình gần đây nhất là tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh được phản ánh qua thang đo trên ứng dụng AirVisual. Ứng dụng đánh giá trực tuyến chất lượng không khí ở các địa điểm trên toàn cầu này dựa vào các điểm gắn thiết bị quan trắc không khí đặt ở nhiều nơi trong 1 thành phố. Các dữ liệu tại các điểm này sau đó được gửi về máy chủ của ứng dụng, dùng thuật toán phân tích để cho ra đánh giá chất lượng không khí vào hôm đó, giờ đó là ở mức độ tốt, trung bình hay có hại cho sức khoẻ. Đó là một điển hình về ứng dụng công nghệ trong quản trị để hình thành nên một thành phố thông minh.

Công nghệ là cốt lõi

Theo trang activesustainability.com, trang web thường đưa ra bảng xếp hạng các thành phố thông minh nhất trên toàn cầu hằng năm, đã đánh giá cao những thành phố sử dụng cơ sở hạ tầng, đổi mới về công nghệ để giảm tiêu thụ năng lượng và giảm khí thải. Trang này nhận định thành phố thông minh là kết tinh tầm nhìn ngày càng quan trọng của việc định hướng cuộc sống của chúng ta theo hướng bền vững. Điển hình như việc sử dụng các tấm pin mặt trời trong các thành phố, cung cấp thêm phương tiện giao thông và xe điện cho người dân di chuyển, thúc đẩy và phát triển hoạt động sử dụng xe đạp ...

Thành phố thông minh sử dụng nhiều nguồn lực và những hành động nhỏ này giúp thành phố vận hành hiệu quả và trở nên bền vững hơn. Để xếp hạng các thành phố thông minh nhất Thế giới, trang web này dựa trên 10 khía cạnh quan trọng sau: Quản trị, quy hoạch đô thị, quản lý công cộng, công nghệ, môi trường, dự báo quốc tế, gắn kết xã hội, tính di động và hoạt động giao thông, vốn nhân lực và kinh tế.

Theo đó, 5 thành phố thông minh nhất hiện nay gồm: Tokyo, Luân Đôn, New York, Zurich và Paris. Dĩ nhiên bảng xếp hạng này chỉ mang tính chất tương đối tuỳ thuộc vào tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng cũng như sự tiến bộ hay thụt lùi trong việc đáp ứng các tiêu chí của các thành phố qua từng năm.

Công nghệ là cốt lõi của một thành phố thông minh - Ảhh: smartcitiesworld.net

New York (Mỹ) là một ví dụ. Theo trang gigabitmagazine.com, New York hiện là thành phố thông minh nhất Thế giới vì: Với dân số hơn 8,5 triệu người, New York sử dụng 1 tỷ gallon nước mỗi ngày. Là một phần trong kế hoạch thành phố thông minh của mình, Cục Bảo vệ Môi trường thành phố đang triển khai hệ thống Đọc đồng hồ tự động (AMR) quy mô lớn để có được ảnh chụp nhanh hơn về mức tiêu thụ nước, đồng thời cung cấp cho khách hàng một công cụ hữu ích để kiểm tra lượng nước sử dụng mỗi ngày. Thành phố cũng đã chuyển sang sử dụng các thùng rác thông minh có nguồn gốc năng lượng mặt trời Bigbelly để theo dõi mức độ rác thảivà đảm bảo việc thu gom rác được lên lịch thường xuyên.

Hay đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) được trang gigabitmagazine.com xếp thứ 9 trong số các thành phố thông minh nhất vì nỗ lực đổi mới công nghệ liên tục với gần như 100% dân số có điện thoại di động và có số lượng điểm truy cập không dây (wireless) cao trên toàn cầu. Nó cũng nổi bật về số lượng người dùng phương tiện truyền thông xã hội và số lượng điện thoại di động tính trên đầu người. Là một phần trong kế hoạch thành phố thông minh của mình, Hồng Kông cũng đã triển khai hệ thống thẻ căn cước điện tử mới (e-ID) cho công dân…

Như vậy, khi nói về thành phố thông minh, người ta thường đề cập đến khía cạnh ứng dụng công nghệ để thực hiện các hoạt động quản lý đô thị sao cho trơn tru, đem lại lợi ích gia tăng cho dân chúng của một chính quyền.

Phát triển thành phố thông minh hiện là một xu thế phát triển của thời đại khi lấy công nghệ làm cốt lõi, không phải có được chỉ nhờ một mệnh lệnh hành chính sáp nhập địa giới các địa phương. Dán mác “sáng tạo, thông minh” vào một thành phố thì dễ nhưng để đạt được mặt chất của khái niệm này là cả một hành trình dài.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang