(CATP) Kể từ ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) xuất bản tờ Thanh Niên (ngày 21-6-1925), đến nay đã tròn 95 năm. Cách đây 35 năm, ngày 5-2-1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn ngày 21-6 là Ngày Báo chí Việt Nam. Ngày 21-6-2000, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương đã đổi tên ngày truyền thống của giới báo chí nước ta là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
95 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đội ngũ những người làm báo. Báo chí đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt, góp phần tích cực mang lại những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới; nâng vị thế nước ta trên trường quốc tế lên tầm cao mới.
Đất nước ta đang tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, hơn lúc nào hết, báo chí càng có vinh dự lớn lao và trách nhiệm nặng nề. Trên cơ sở định hướng chiến lược của Đảng và Luật Báo chí năm 2016, Chính phủ có chủ trương sắp xếp lại "đội hình" cả bộ máy và nguồn nhân lực, nhằm tạo điều kiện cho báo chí thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Sứ mệnh ấy là "phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; tiếng nói của tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội, diễn đàn của nhân dân".
Đất nước ngày càng hội nhập sâu vào cộng đồng thế giới, dân chủ ngày càng mở rộng, thông tin, truyền thông ngày càng thiết yếu đối với đời sống xã hội. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định ngày càng trở nên thiết thực. Báo chí phải tạo điều kiện cho công dân thực thi quyền cơ bản ấy.
Báo chí tác nghiệp trong cao điểm dịch Covid-19
Hơn nữa, báo chí nước ta không chỉ là phương tiện thông tin thiết yếu, mà còn là vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng, chính trị. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Báo chí là mặt trận. Nhà báo là chiến sĩ”. Theo lời dạy của Người, rõ ràng nhà báo không chỉ là người đưa tin đơn thuần, mà còn là người định hướng thông tin, góp phần xây dựng thái độ, tình cảm và trách nhiệm của bạn đọc.
Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, cốt lõi, trong quá trình phát triển, hệ thống chính trị nước ta còn bộc lộ những mặt tồn tại, bất cập. Đó là điều không tránh khỏi. Nhưng điều không tránh khỏi ấy là cái cớ để các thế lực thù địch chống phá đất nước ta, chống phá công cuộc đổi mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Để ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn ấy, các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí cần kịp thời thông tin, định hướng để hệ thống báo chí chính thống (những cơ quan báo chí được Nhà nước cấp phép theo quy định của pháp luật) đấu tranh với các luận điệu sai trái, chống Đảng, chống Nhà nước trên mạng xã hội. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp ngăn chặn những trang thông tin xấu, làm hoang mang dư luận, theo Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2018.
Thiết thực kỷ niệm 95 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi cơ quan báo chí nói chung và mỗi nhà báo nói riêng cần xác định rõ trách nhiệm chính trị và vị trí của mình, "xốc lại đội hình", nâng cao chất lượng về mọi mặt; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; xây dựng đất nước ta giàu mạnh, vững bền.