(CAO) Từ Quốc hội khoá XV, việc đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban về các vấn đề Xã hội thành Ủy ban Xã hội sẽ chính thức được thực hiện.
Với 87,37% đại biểu tán thành, chiều nay (19/6), Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Có tới 19 đại biểu không tán thành và 10 đại biểu không tham gia biểu quyết.
Giải trình, tiếp thu dự luật trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành việc đổi tên hai Ủy ban của Quốc hội là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng và Ủy ban về các vấn đề xã hội.
Cơ quan giải trình nêu quan điểm, phạm vi các lĩnh vực phụ trách của từng Ủy ban đã được nêu cụ thể tại quy định của luật về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình trước Quốc hội
“Tên gọi của các cơ quan cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện khái quát được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan để phân biệt với các cơ quan khác” – ông Tùng dẫn yêu cầu của đại biểu và cho biết, việc đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đổi tên Ủy ban về các vấn đề Xã hội thành Ủy ban Xã hội cũng được các cơ quan của Quốc hội và đa số các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ.
Với những lý do đó, quy định này được thể hiện trong luật để bắt đầu thực hiện từ Quốc hội khóa XV.
Về đại biểu Quốc hội, theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Giải trình, ông Tùng cho biết, luật Quốc tịch có quy định Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
“Bản thân cụm từ “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” đã có nội hàm là chỉ có một quốc tịch Việt Nam, không có quốc tịch thứ hai” – ông Tùng giải thích.
Mặt khác, Luật Cán bộ, công chức và luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành cũng sử dụng cụm từ này để xác định chế độ một quốc tịch của công dân Việt Nam. Do đó, ông Tùng thông tin, ban soạn thảo luật thống nhất không bổ sung từ “chỉ” vào trước cụm từ “có một quốc tịch” vì sẽ tạo ra sự thiếu thống nhất, gây ra cách hiểu khác đối với quy định của các luật có liên quan.
Liên quan đến chỉ tiêu ứng cử ĐBQH trong đề án bầu cử đại hội và các văn bản hướng dẫn, theo nhiều đại biểu cần có chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm, công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.
Ý kiến khác cho rằng, không nên cơ cấu ĐBQH là chuyên gia, nhà khoa học vì ĐBQH là chính trị gia, còn chuyên gia là những người am hiểu sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, nếu được cơ cấu làm ĐBQH thì không đúng nguyên lý tổ chức, vận hành của Quốc hội.
Hồi âm các ý kiến, UBTVQH nhìn nhận, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì vấn đề quan trọng nhất, có tính quyết định đó là lựa chọn được những người tiêu biểu thực sự tâm huyết, có năng lực, trình độ, uy tín, bản lĩnh, kinh nghiệm và sức khỏe vào làm ĐBQH.
“Đây là chỉ đạo xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng cũng như yêu cầu của cử tri và của chính các vị ĐBQH với mong muốn làm cho Quốc hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn” – ông Tùng đánh giá. Đối với các nội dung nêu trên, ông Tùng cho biết, UBTVQH xin phép được tiếp thu, ghi nhận để có định hướng phù hợp trong Đề án bầu cử ĐBQH sắp tới.
Điểm đáng chú ý, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, Luật thông qua đã nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40%. Điều này, theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, theo ông Tùng, thời gian tới, Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở từng địa phương.
Để có cơ sở pháp lý áp dụng trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử ĐBQH khoá XV, UBTVQH đã chỉnh lý lại Điều 2 của dự thảo luật, theo đó quy định Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.