Cho phép Hà Nội tự quyết thu một số khoản phí

Thứ Sáu, 19/06/2020 12:43

|

(CAO) Ngoài được quyết các khoản phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí, Hà Nội được điều chỉnh mức hoặt tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, sáng nay (19/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội với 91,51% phiếu tán thành.

Theo Nghị quyết được thông qua, Quốc hội cho phép HĐND TP. Hà Nội được quyền quyết định một số khoản thu phí trên địa bàn (phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí).

Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Hà Nội

Việc điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí cũng được Quốc hội cho phép Hà Nội thực hiện.

Cũng theo Nghị quyết này, ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế…

Đồng thời, TP cũng được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội…

Giải trình trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, quá trình thảo luận, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí; đề nghị quy định mức trần thu phí và kiến nghị không nên bổ sung phí, lệ phí tòa án.

Giải thích, UBTVQH cho biết, theo quy định tại Điều 17 của Luật Phí và lệ phí năm 2015, thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của UBTVQH.

Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương lần thứ 6, khóa XII, UBTVQH xin Quốc hội cho phép thí điểm giao HĐND TP. Hà Nội thực hiện quyền hạn này như quy định tại dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội.

Quy định này, theo UBTVQH, cũng tương thích với cơ chế thí điểm đối với TPHCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Hồi âm đề nghị quy định mức trần thu phí và kiến nghị không nên bổ sung phí, lệ phí tòa án, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không quy định mức trần thu phí, nên cho phép HĐND TP. Hà Nội được quyền quyết định mức thu cụ thể, phù hợp với thực tế nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý và điều hành.

Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này, UBTVQH khẳng định, TP. Hà Nội phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết.

TP. Hà Nội cũng không được quyết định đối với các khoản phí do Ngân sách Trung ương (NSTW) hưởng 100%, vì đây là các khoản phí do cơ quan Trung ương trực tiếp thu.

Liên quan đến việc cho phép TP. Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công, một số ĐBQH đề nghị cân nhắc, vì đây là khoản thu lớn, có thể làm mất cân đối NSTW.

Báo cáo việc này, UBTVQH thông tin, theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, các cơ quan, đơn vị phải di dời trụ sở được sử dụng tối đa 70% (riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh là 100%) số thu tiền sử dụng đất và tài sản trên đất của trụ sở cũ để trang trải chi phí liên quan đến việc bán, di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới; phần nộp NSNN là 30% còn lại.

“Việc quy định cho ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% số thu nộp NSNN sau khi đã trừ chi phí liên quan cũng không ảnh hưởng lớn đến cân đối NSTW trong ngắn hạn, nhưng có ý nghĩa động viên, khuyến khích chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh sắp xếp các cơ sở nhà, đất nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công” – báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, theo UBTVQH, với quy định trên, TP. Hà Nội sẽ có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho phù hợp.

Quy định này tương tự như cơ chế thí điểm cho TPHCM tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang