Chưa chốt thời điểm tăng lương trở lại

Thứ Sáu, 19/06/2020 17:25

|

(CAO) Căn cứ tình hình thực tế, Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh tăng lương trở lại.

Với đa số phiếu thuận, Quốc hội chiều nay (19/6) đã cho phép Chính phủ chưa điều chỉnh lương cơ sở từ 1/7/2010 như kế hoạch. Tuy nhiên, thời tăng lương trở lại không được Quốc hội đưa ra mà giao Chính phủ báo cáo khi phù hợp.

Báo cáo giải trình nội dung này trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một số đại biểu Quốc hội đề nghị việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở theo kế hoạch nhưng chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và giữ nguyên việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng kể từ 1/7/2020 theo lộ trình.

Quốc hội bấm nút thôn g qua Nghị quyết kỳ họp

Có ý kiến đề nghị quy định rõ thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/1/2021.

Ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước 1/1/1995 và người hưởng trợ cấp. Có ý kiến lại đề nghị, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo UBTVQH về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở vào ngày 31/12/2020 hoặc trước ngày 1/1/2021.

Hồi âm các ý kiến trên, UBTVQH nhận thấy, để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách nhà nước, việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2020 như kế hoạch là cần thiết, thể hiện sự đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước.

Do đó, sau khi cân nhắc, UBTVQH cho phép chưa điều chỉnh lương cơ sở, bao gồm cả lương hưu.

Điểm đáng chú ý nữa, được đề cập đến trong Nghị quyết kỳ họp thứ 9, là việc thực hiện chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội thống nhất giao Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo Quốc hội về những vấn đề đặt ra trong thực tế nhằm thực hiện tốt nhất Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh lộ trình thực hiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Quốc hội lưu ý tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định; hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn sách giáo khoa phổ thông.

Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43 năm 2014 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.

Bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân, đồng thời có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa đối với học sinh và thư viện trường phổ thông vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Cũng tại Nghị quyết, Quốc hội đánh giá dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, lây nhiễm trong cộng đồng thấp, tỷ lệ người mắc bệnh trên quy mô dân số thấp, chưa có trường hợp tử vong do dịch bệnh.

Quốc hội khẳng định ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế dã được duy trì, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Vai trò, vị thế, hình ảnh của Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang