Tăng thẩm quyền cho HĐND TP. Đà Nẵng

Thứ Sáu, 19/06/2020 16:33

|

(CAO) HĐND TP có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Vào phiên làm việc cuối cùng vào chiều nay (19/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Nghị quyết nhận được sự tán thành của 445/451 đại biểu, đạt tỷ lệ 92,13%.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Trước khi bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình một số vấn đề đại biểu đặt ra trong quá trình thảo luận nội dung này. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, khi thực hiện thí điểm, mô hình chính quyền đô thị sẽ đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND TP theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Theo đó, Nghị quyết quy định mỗi Ban của HĐND TP có không quá 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (khoản 2 Điều 2).

“Quy định như vậy nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi ban” – ông Tùng nhận định.

Để tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp ở quận, Nghị quyết đã bổ sung thẩm quyền của HĐND TP trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân quận.

Cụ thể, HĐND TP có thẩm quyền xem xét việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP đối với Chủ tịch UBND quận, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận.

Đồng thời, để cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận trước HĐND TP, Nghị quyết quy định HĐND TP có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Cùng với nội dung trên, với mô hình chính quyền địa phương, thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường trong công tác nhân sự cũng được bổ sung nhiều điểm.

Ông Hoàng Thanh Tùng thông tin, quá trình thảo luận về dự thảo Nghị quyết, có một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhìn nhận, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó người dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng.

Vì lẽ trên, cơ quan giải trình, tiếp thu chưa quy định nội dung đó trong Nghị quyết.

Để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND quận, phường, Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận; đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang