Thủ tướng đã phê duyệt dự án Khu du lịch lấn biển Cần Giờ

Thứ Hai, 22/06/2020 22:14

|

(CAO) Chiều 22/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM gồm các đại biểu: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ báo cáo nội dung kết quả kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV.

Đề nghị sớm công nhận xã Thạnh An là xã đảo

Tại buổi tiếp xúc, đa số cử tri huyện Cần Giờ kiến nghị nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: quy hoạch vùng nuôi chim yến; công nhận xã Thạnh An là xã đảo; sớm thực hiện dự án lấn biển Cần Giờ…

Cử tri Trần Thị Kim Liên, xã Bình Khánh đề nghị TP thông tin về tiến độ xây dựng dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ. Theo cử tri, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2016. Hiện nay, người dân Cần Giờ mong đợi, khi cây cầu hoàn thành sẽ giúp cho huyện Cần Giờ phát triển về kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân và làm thay đổi diện mạo Cần Giờ.

Cử tri Lê Hồng Phúc, xã Thạnh An cho rằng vừa qua, TP và tỉnh Đồng Nai đã ký giáp ranh xác định địa giới hành chính thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM. UBND huyện Cần Giờ đã hoàn chỉnh hồ sơ và có tờ trình UBND TP xem xét thông qua và công nhận xã đảo Thạnh An. Do đó, cử tri đề nghị TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định công nhận xã Thạnh An là xã đảo theo nghị quyết 114/NQ-CP năm 2019.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ.

Bên cạnh đó, TP cần xem xét đưa toàn bộ diện tích cù lao Phú Lợi, tại trung tâm xã Thạnh An ra khỏi ranh rừng phòng hộ, nhằm tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo cử tri Lê Hồng Phúc, từ năm 1991 đến nay có một số diện tích đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý với diện tích tự nhiên 48,56 ha. Trong đó, đất có rừng 30,59 ha và đất ở, khu hành chính 17,97 ha. Ngoài ra còn có 30 ha đất bãi bồi giáp với cù lao Phú Lợi. Từ đó, gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến công trình đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Một số cử tri cũng đề nghị TP sớm đầu tư và thi công 10 công trình phát triển xã đảo Thạnh An với kinh phí 381 tỷ đồng và 3 dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2020-2025, gồm: dự án xây dựng cầu tàu du lịch khu vực Vàm Siêu, xây dựng mới trụ sở UBND xã Thạnh An và xây dựng kè kiên cố phía sông Thêu.

Về dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, một số cử tri kiến nghị TP cần đẩy nhanh hoàn thành để ổn định đời sống cho người dân huyện Cần Giờ; nâng cấp các tuyến đường để tạo thuận lợi cho sự phát triển Cần Giờ. Bên cạnh đó, cần quy hoạch và chính sách hỗ trợ cho Nhân dân đất nuôi trồng thủy sản.

Quan tâm đến tỉ lệ điều tiết ngân sách giữa Trung ương và TPHCM (18%), cử tri Bùi Khánh Điền, thị trấn Cần Thạnh cho rằng tỷ lệ này chưa hợp lý. Hiện nay, chi phí xã hội của TPHCM rất lớn với dân số trên 10 triệu dân, với rất nhiều chi phí cần phải lo như y tế, trường học, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Do đó, Trung ương cần phải tăng tỷ lệ này lên khoảng 50% để TPHCM đầu tư xây dựng phát triển TP tốt hơn.

Dự kiến cuối quý 1-2022 khởi công cầu Cần Giờ

Trao đổi với cử tri về vấn đề dự án cầu Cần Giờ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Bùi Hòa An cho biết theo kế hoạch, nếu việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự án cầu Cần Giờ sẽ hoàn thành cuối năm 2025. Theo đó, tháng 3/2019, UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ.

Cầu Cần Giờ sẽ vượt sông Soài Rạp tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu. Điểm đầu của cầu tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2, khu đô thị Phú Xuân, Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách phà Bình Khánh khoảng 1,8km về phía nam. Tổng chiều dài tuyến đường nghiên cứu khoảng 7,41km.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Bùi Hòa An cho biết trước đây, chủ đầu tư đề xuất làm dự án theo một trong hai phương thức là hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hoặc BT. Theo dự kiến, khoảng tháng 9 hoặc tháng 10/2021 sẽ khởi công dự án cầu Cần Giờ và cuối năm 2024 sẽ hoàn thành dự án này.

Tuy nhiên, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), mà luật này lại bỏ loại hình hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) ra khỏi danh mục hợp đồng các dự án thuộc phương thức đầu tư PPP. Do vậy, TP phải có thời gian điều chỉnh lại việc lựa chọn nhà đầu tư, kéo theo đó thời gian khởi công, hoàn thành dự án cũng phải lùi lại. Dự kiến đầu năm 2022, TP sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đến cuối quý 1-2022 sẽ triển khai dự án. Nếu theo hợp đồng 3 năm thì dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu 2026.

“Việc giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian hơn đầu tư xây dựng công trình. Mặt khác, giải phóng mặt bằng cũng thường làm chậm tiến độ làm dự án. Nếu được người dân đồng lòng, hỗ trợ, dự án mới hi vọng xây dựng đúng tiến độ.”- Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Bùi Hòa An cho biết.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và tiếp thu tất cả các ý kiến mà cử tri huyện Cần Giờ nêu và cho biết sẽ chuyển đến các cơ quan liên quan.

Với những ý kiến liên quan trực tiếp đến huyện Cần Giờ như về môi trường, quy hoạch nuôi chim yến, tiến độ xây cầu, vấn đề đưa hộ dân ra khỏi rừng bảo hộ..., Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị kỳ họp HĐND của huyện sắp tới phải thông tin được đầy đủ các vấn đề này cho người dân biết.

Liên quan đến dự án Khu du lịch lấn biển Cần Giờ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã duyệt đề án này. Từ đó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo huyện Cần Giờ phối hợp với UBND TP công bố qui hoạch đề án này để người dân biết chắc chắn dự án này sẽ làm và đưa ra các lộ trình thực hiện đề án.

“Trong dự án này, ngay từ đầu đã xác định tuyến đường giao thông từ trung tâm TP về Cần Giờ đi qua rừng Sác sẽ được nâng cấp lại, bố trí lại để không ảnh hưởng đến môi trường và cũng dự kiến làm một tuyến đường tránh rừng...”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Liên quan đến ý kiến của cử tri về tỷ lệ phân chia ngân sách, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết: hiện TPHCM ngân sách được giữ lại 18% trong khi Hà Nội gấp đôi là 35%. So với trước đây, tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại ngày càng giảm, từ mức 33% của năm 2003 giảm dần xuống 29%, 26%, 23% và đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, tỷ lệ này chỉ còn 18%.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TPHCM được giữ lại ngân sách ít nên vấn đề này Bộ Chính trị và Quốc hội cũng đã thấy và giao cho TPHCM trong năm nay trình đề án tăng tỷ lệ để lại ngân sách để TP có điều kiện phát triển.

Tuy nhiên, khi làm đề án này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu chỉ nói tăng tỷ lệ ngân sách để lại “để TP phát triển” thì không đạt yêu cầu, mà tăng ngân sách để lại cho TPHCM làm sao phải nộp vào Trung ương nhiều hơn. “Để lại cho TPHCM nhiều hơn và cuối cùng nộp ngân sách Trung ương nhiều hơn” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và cho rằng năng suất lao động của TP cao gấp 3 lần cả nước, một đồng vốn đầu tư công của TP thì khuyến khích được 9 đồng vốn đầu tư của tư nhân (trong khi bình quân cả nước có 5 đồng). Do đó, để lại cho TP 1 đồng từ phần nộp Trung ương, và TP đã tính thử cho thấy để lại cho TP nhiều hơn thì cuối cùng nộp ngân sách cho Trung ương nhiều hơn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết nếu chuẩn bị kỹ thì dự kiến trong tháng 7/2020 sẽ báo cáo Ban Kinh tế Trung ương và xin ý kiến các bộ ngành về phương án “ngân sách để lại cho địa phương có hiệu quả kinh tế cao thì khi kinh tế TP phát triển sẽ nộp ngân sách cho trung ương nhiều hơn”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang