Đô thị thông minh: Xu thế phát triển của thời đại:

​Kỳ 3: Cách Seoul chuyển đổi thành đô thị thông minh

Thứ Bảy, 27/06/2020 15:05  | Anh Duy

|

​(CATP) Mới đây, Bộ Đất đai, Kiến trúc và Giao thông Hàn Quốc phối hợp với các đối tác như Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức sự kiện mang tên Tour Nghiên cứu về Thành phố Thông minh Hàn Quốc lần thứ 3. Sự kiện cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của nước này để chuyển dịch các thành phố trong nước theo hướng “thông minh”.

Thủ đô Seoul hiện đang là đô thị đi đầu trong làn sóng chuyển dịch này. Bài tham luận nhan đề “Cách Seoul đang chuyển đổi thành một thành phố thông minh” của tác giả Myunggu Kang – Giáo sư bộ môn Kế hoạch và Phát triển đô thị - Đại học Seoul gửi đến Tuần lễ sáng tạo – sự kiện được Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hàn Quốc từ ngày 18 đến 20-2-2020 đăng tải trên trang blog ý kiến của WB cho thấy cách thức chuyển đổi này.

Bài tham luận nhận định: Thế giới chúng ta sống đang đô thị hoá nhanh chóng khiến các thành phố tiếp tục là nền tảng về hạ tầng và xã hội để con người phát triển thịnh vượng và bền vững. Trong những năm gần đây, ý tưởng phát triển các “thành phố thông minh” ngày càng nổi bật song hành cùng những giải pháp mới xuất hiện để giải quyết các thách thức về đô thị hóa.

Một thành phố thông minh phải là nơi định hướng hành động tập trung vào việc tạo ra một tác động thực tế và tích cực: Với việc ứng dụng công nghệ mới, sẵn có cho công dân, doanh nghiệp, tạo ra một môi trường phù hợp với chính sách quy hoạch đô thị và khu vực. Ví dụ, một thành phố thông minh có kế hoạch và quản lý các chức năng cốt lõi của nó bằng cách sử dụng hiệu quả dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số để trở nên hiệu quả, sáng tạo, toàn diện và linh hoạt.

Seoul là thành phố đi đầu trong việc chuyển đổi thành một thành phố thông minh. Ảnh: Anh Duy ​

Với thủ đô Seoul (Hàn Quốc), quy trình chuyển đổi này quy tụ ở 4 khía cạnh chính gồm: Di chuyển thông minh, xử lý chất thải đô thị và sử dụng năng lượng thông minh, công dân thông minh và kiến tạo không gian công cộng thông minh trong lòng đô thị. Giáo sư Myunggu Kang đã đi vào phân tích từng khía cạnh này:

1/ Di chuyển thông minh

Từ năm 1970 đến 2000, tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt để đi quanh thành phố đã giảm từ hơn 70% xuống dưới 30%, trong khi lượng người dùng ô tô lại tăng đáng kể. Sau khi thành phố thực hiện chương trình Cải cách hoạt động di chuyển thông minh ở Seoul vào năm 2003, tỷ lệ người đi xe buýt và tàu điện ngầm(MRT) đã tăng trở lại gần 70% trong khi người dùng ô tô vẫn giữ ở mức dưới 30%. Có được thành công này là nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào quản lý bao gồm ứng dụng Hệ thống giao thông thông minh (ITS),Hệ thống quản lý xe buýt (BMS) và Hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

BMS là một ví dụ. Đây là một trung tâm điều khiển tích hợp có thể giám sát toàn bộ hệ thống theo thời gian thực. Trung tâm điều khiển tập hợp thông tin về định vị xe (vị trí và tốc độ), từ đó dữ liệu được truyền tới bảng điều khiển dịch vụ thông tin tại các điểm dừng xe buýt và thông qua các ứng dụng khác nhau cho hành khách truy cập qua điện thoại di động và Internet. Số lượng xe buýt được chỉ định cho bất kỳ tuyến đường nhất định nào, có thể được điều chỉnh. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong mạng có thể được quản lý tốt hơn vì trung tâm điều khiển có thể liên lạc trực tiếp với từng tài xế xe buýt, một lần nữa thôngtin từ các tài xế có thể được truyền đạt nhanh chóng đến hành khách.

Người dân đi tàu điện ngầm ở Seoul - Ảnh: Korea.net

Tại TP.HCM hiện nay, hệ thống BMS đang được ứng dụng. Điển hình là trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi (quận 1). Trạm lắp đặt 12 bảng điện tử kết nối Internet, kết nối dữ liệu với trung tâm giúp cung cấp thông tin trực tuyến về mã số tuyến, thời gian xe đến, khoảng cách hiện tại từ trạm đến xe gần nhất, với thông tin đượchiển thị trực tuyến trên các bảng này.

2/ Xử lý chất thải đô thị và sử dụng năng lượng thông minh

Seoul, giống như nhiều thành phố khác, từng phải chịu tình trạng quá tải chất thải và thiếu điện do sự tăng trưởng nhanh chóng. Một trong những giải pháp chính là Cơ sở phục hồi tài nguyên Gangnam (RRF). Cơ sở này sử dụng nhiệt năng phát sinh trong quá trình đốt rác trong một hệ thống kín để chạy máy phát điện, biến chất thải thành năng lượng, giúp giảm rác ở các bãi, sau đó dùng năng lượng sản xuất ra để sưởi ấm các khu dân cư. Cách làm này giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khí thải carbon, góp phần giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, giúp tăng trưởng đô thị bền vững.

3/ Công dân thông minh và quản trị điện tử

Seoul thực hiện nhiều nỗ lực trong việc mở cửa dữ liệu của chính phủ cho công dân và xây dựng sự đồng thuận thông qua sự tham gia của công chúng. Seoul đã tăng quyền truy cập công cộng vào các dịch vụ và dữ liệu của chính phủ. Điển hình là việc thành phố đã khai trương trung tâm tiếp nhận các cuộc gọi có tên Dasan thông qua đầu số 120 vào năm 2007.

Đây là hệ thống xử lý khiếu nại qua điện thoại của chính quyền, điều hướng mọi thắc mắc và khiếu nại của công dân về một trung tâm tiếp nhận cuộc gọi tích hợp duy nhất, được thiết kế để xử lý các khiếu nại hằng ngày của người dân nhanh chóng và thuận tiện hơn trên dựa trên kiểu tư vấn 1-1.

Mặc dù hệ thống cơ bản dựa trên việc tư vấn qua điện thoại 24/7, nó cũng cung cấp tư vấn thông qua các phương tiện khác như nhắn tin SMS, phương tiện truyền thông xã hội, trò chuyện qua video. Số lượng cuộc gọi trung bình đến Dasan là 22.000 mỗi ngày vào năm 2016.

4/ Không gian công cộng thông minh

Seoul cũng tổ chức lại các không gian công cộng, xem chúngnhư những tài sản quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống và tính bền vững của phát triển. Đơn cử là việc cải tạo lại dòng suối Cheonggyecheon chảy qua lòng thành phố. Chính quyền đã cho gắn các cảm biến đo chất lượng nước dọc dòng suối này để phát hiện những chất gây ô nhiễm nước thải được thải xuống suối. Dữ liệu đo được truyền theo thời gian thực đến một trung tâm kiểm soát và dữ liệu này cũng mở cho công dân truy cập.

Khu vực suối Cheonggyecheon được cải tạo trở thành địa điểm thư giãn trong thành phố - Ảnh: koreandramaland.com

Việc cải tạo suối Cheonggyecheon đã giúp ngăn chặn tìnhtrạng lũ lụt tái diễn hằng năm ở khu vực trung tâm, giúp giảm nhiệt đô thị vào mùa hè. Giờđây khi đến Seoul có thể bắt gặp những người trẻ tản bộ, vui chơi bên cạnh dòng suối này, nơi một thời từng nức tiếng ô nhiễm.

​Kỳ 1: Ứng dụng công nghệ vào cuộc sống
 
Kỳ 2: Thanh toán thông minh nhìn từ thẻ EasyCard 
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang