Hàng trăm vụ án, kể cả trọng án do ông tham gia đều được khám phá và kết thúc mau chóng, bởi sự phán đoán sáng suốt cộng với nghiệp vụ tinh tường của một sĩ quan có hàng chục năm kinh nghiệm... Các chiến sĩ trong lực lượng cảnh sát cho đến nay vẫn lưu giữ những ấn tượng khó phai về vị tướng sắc sảo, bản lĩnh và rất công minh trong việc xử lý các tình huống của công việc. Với ông, mọi thứ đều phải đặt dưới tính thượng tôn của pháp luật, không có ngoại lệ cho bất cứ cá nhân nào.
Do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp đành xếp lại toàn bộ hộ sơ vụ án Năm Cam, bàn giao cho người kế nhiệm, hy vọng các đồng sự sẽ đi tiếp chặng hành trình mà ông còn dang dở.
Niềm tin và sự chờ đợi đã không phụ lòng ông, phải mất gần 10 năm sau vụ án Năm Cam mới được đưa ra ánh sáng. Tôi gặp ông tại tư gia và bắt gặp một nụ cười rạng rỡ trên gương mặt cương nghị của ông; vào lúc vụ án Năm Cam đang đi vào giai đoạn sắp kết thúc. Ông vui vì nhiều lẽ, vui vì cái ác đã bị tiêu diệt, vui vì những gì mà ông và Ban chuyên án trước đó đã đoán định tình hình không sai sót, đây là những cơ sở thiết yếu cho việc thành công của chiến thắng lần này.
Niềm vui dường như qua mau và nỗi ưu tư lắng lại. Tôi bắt gặp ánh mắt xa xăm của tướng Thiệp khi ông đưa cho tôi xem tờ báo đăng hình ảnh của các can phạm vốn là các sĩ quan có trọng trách trong lực lượng công an. Họ đã cùng ông một thời đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử, thế mà hôm nay lại phải cúi đầu trước vành móng ngựa.
... Chuông điện thoại tại Văn phòng Tổng cục Cảnh sát đổ dồn liên hồi. Tin từ Công an Lạng Sơn báo về cho hay: Có một vụ tàn sát dã man người dân vô tội tại huyện Đình Lập. Đối tượng Đỗ Cao Thắng, con trai của trưởng Công an huyện vì mâu thuẫn cá nhân đã sử dụng súng AK 47 nổ súng sát hại cùng lúc 10 người. Đối tượng còn gây ra một vài vụ cướp xe khách ở tuyến đường Hải Phòng - Quảng Ninh, Hải Phòng - Lạng Sơn... gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Ngày 16-3-1992, tướng Trịnh Thanh Thiệp thân chinh cùng lực lượng CSHS của Bộ Nội vụ lên Đình Lập để nắm tình hình. Ông tổ chức ngay cuộc họp chớp nhoáng với huyện ủy, công an huyện và đi đến quyết định sẽ nổ súng nếu đối tượng kháng cự. Lực lượng tung quân ém ở các vị trí được xác định là nơi ẩn náu của đối tượng. Khoảng 4 giờ chiều, đối tượng ra suối uống nước, tay lăm lăm khẩu súng đã nạp đạn sẵn, các chiến sĩ hỏi thẳng tướng Thiệp: "Để anh em vững dạ, ông móc túi lấy ngay sổ tay và viết ngay mấy chữ: "Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trong vụ này. Nổ súng, ký tên: Trịnh Thanh Thiệp".
Khi đối tượng vừa đặt chân xuống bờ suối, ngay lập tức hàng loạt đạn đanh giòn đã kết liễu y. Bà con dân tộc trong vùng chứng kiến tận mắt kẻ thủ ác bị trừng trị đã vỗ tay reo hò vang dội cả núi rừng: "Hoan hô cán bộ, cán bộ giỏi lắm. Thế là con thú dữ đã bị trừng phạt rồi".
Và từ đó, danh xưng "Thiệp thép" đã được anh em trong lực lượng gọi một cách trìu mến, mỗi khi nhắc đến tính cách cũng như những chiến tích của vị tướng này.
Tướng Thiệp bùi ngùi mỗi khi hồi nhớ những vụ án kiểu này, ông nói: "Đằng sau mỗi chiến công còn ẩn chứa bao nỗi mất mát, chỉ có ai dự phần mới có thể thấu cảm được". Ông cho hay, khi bắt tay làm án, cái khó khăn nhất là vượt qua bản thân mình, có lẽ đây là chặng hành trình chật vật nhất. Không có một cái đầu lạnh, bàn tay sạch và trái tim nóng thì sự thành công của người chiến sĩ công an mới chỉ thành công phân nửa mà thôi.
Dấu ấn khó quên trong lịch sử của ngành công an là việc phá vụ án sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, khi ấy ông vừa ngồi chưa ấm chỗ chiếc ghế Trưởng phòng CSHS Công an TPHCM.
Vụ án xảy ra lúc 23 giờ ngày 26-1-1978, sau khi nghệ sĩ Thanh Nga vừa đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga về tới nhà thì bị sát sát hại cùng chồng - ông Phạm Duy Lân. Trong bối cảnh khá phức tạp về chính trị, xã hội lúc đó, có nhiều ý kiến của cơ quan thực thi pháp luật nhận định: Sau năm 1975, đoàn cải lương Thanh Minh (đoàn mà Nghệ sĩ Thanh Nga tham gia) là đoàn cải lương có xu hướng tích cực, tiến bộ. Đoàn đã công diễn các vở kịch gây được những tác động lớn về chính trị, nghệ thuật trong đông đảo công chúng. Có rất nhiều khả năng đây là một vụ án do phản cách mạng, gián điệp ra tay sát hại Thanh Nga để cảnh cáo văn nghệ sĩ, gây hoang mang trong giới nghệ sĩ và nhân dân.
Bằng kinh nghiệm dày dặn hàng chục năm của một sĩ quan CSHS, Trưởng phòng CSHS Trịnh Thanh Thiệp đã loại trừ hướng suy luận này. Ông khẳng định đây chỉ thuần túy là một vụ án hình sự thông thường. Ý kiến này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các thành viên trong Ban chuyên án.
Cũng trong thời gian xảy ra vụ án, hàng loạt các vụ bắt cóc, tống tiền đều nhằm vào các gia đình có danh phận cao trong xã hội; đặc biệt là vụ bắt cóc con của nữ nghệ sĩ Kim Cương, con của bác sĩ Lã Hỷ.
Cuối cùng những kết quả từ vụ án cho thấy, nhận định của Trịnh Thanh Thiệp và cộng sự hoàn toàn sáng suốt. Những kẻ bắt cóc, tống tiền và sát hại nghệ sĩ Thanh Nga đã phải cúi đầu nhận tội trước pháp luật.
Hỏi ông về lực lượng săn bắt cướp (SBC) lừng danh một thời của Công an TPHCM, ông bồi hồi nhớ lại: "Những ngày đó ở Sài Gòn diễn ra rất nhiều vụ cướp trên đường phố rất táo trợn. Lực lượng của ta thì còn non trẻ. Không thể để cho loại tội phạm này hoành hành, tôi đề xuất với Ban Giám đốc Công an TPHCM cho lập ngay một tổ SBC. Tiêu chuẩn của đội là những cán bộ trẻ, khỏe, chạy xe giỏi, võ nghệ cao cường... Lực lượng này có quyền đi xe máy không giới hạn tốc độ, được vượt đèn đỏ khi truy kích đối tượng ở đường một chiều. Khi gặp đối tượng, SBC có quyền bắt 03 phát súng: Phát thứ nhất cảnh cáo, phát thứ hai bắn bị thương, nếu kháng cự thì phát đạn thứ ba có quyền bắn hạ. Từ thí điểm này, hầu hết các quận, huyện ở TPHCM đã triển khai tổ chức đội SBC cưỡi hon-da 67 xoáy nòng phóng lướt với tốc độ xé gió, trở thành nỗi kinh hoàng của bọn cướp và các loại tội phạm khác".
Không dừng lại và tự mãn sau mỗi chiến công, thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp cùng các đồng nghiệp tiếp tục tận tâm, tận lực ghi thêm những dấu son đầy ấn tượng vào biên niên sử của lực lượng Công an nhân dân; đó là vụ trọng án như vụ Khánh Trắng ở Hà Nội, Tín Pa - Let ở Khánh Hoà, Minh Masama ở Vũng Tàu và giai đoạn đầu của vụ án Năm Cam.