"Cát tặc" - nỗi ám ảnh triền miên ở ĐBSCL:

Bài 3: Những dòng sông nổi giận

Thứ Năm, 18/06/2020 11:08

|

(CATP) Cùng với những sà lan cát nước ngọt quý giá được "cát tặc" bơm hút từ đáy các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên là những dòng sông bị tổn thương. Đáy sông ngày càng sâu thêm, dòng nước ngày càng hung tợn hơn, ngoạm những bãi bờ cuốn mất hút xuống sông, gây nên những vụ sạt lở kinh hoàng.

Kí ức vùng sạt lở

Đứng tại bờ kè TX.Tân Châu (An Giang), ông Lý Thành Kiên (82 tuổi) lục trong ký ức về vùng đất nơi ông đang ở: "Trước đây hơn 20 năm, đất khu vực này còn xa mấy chục mét ngoài kia, ra tận gần nửa sông. Đất ban đầu cũng bị lở, nhưng chưa kinh hoàng như năm 2000 - năm nước lũ lớn nhất ở vùng này, Thị xã Tân Châu xảy ra sạt lở một đoạn dài khoảng 200m, ăn sâu vào con đường đến 15m. Nhiều gia đình phải di dời khẩn cấp. Rồi chính quyền làm bờ kè, yên ổn cho đến nay".

Như còn điều gì day dứt, ông Kiên nói tiếp: "Hơn 10 năm trước, khúc bờ sông này và đoạn trên Vĩnh Xương (TX.Tân Châu) thuộc sông Tiền, mỗi năm nước lũ về mang theo phù sa nhiều lắm! Nhưng lúc đó cũng là thời kỳ cực thịnh của dân hút cát lậu. Tôi nhớ khoảng năm 2008 đến năm 2012, chỉ một đoạn sông mà có đến vài chục chiếc ghe cùng hút cát một lúc. Họ hút cát ngày lẫn đêm, qua nhiều năm, nhiều tháng, dẫn đến sạt lở dữ dội mấy trăm mét cả đoạn sông Tiền".

Điểm sạt lở trên QL91 (cũ) tại xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, An Giang) vào tháng 8-2019 (ảnh: Vĩnh Kỳ)

Đi ngược về hướng đầu nguồn sông Tiền, chúng tôi gặp ông Hoàng Minh Chí (72 tuổi, ngụ xã Vĩnh Xương, TX.Tân Châu) đang ngồi tại bờ sông ngắm tàu, ghe qua lại. Khi nghe đề cập về nạn "cát tặc" ở đây, ông Chí nói ngay: "Tôi sống ở đây từ nhỏ, từng chứng kiến cảnh tàu, ghe tấp nập ngay trước khu vực nhà mình. Đó là giai đoạn "cát tặc" lộng hành nhất".

Rồi ông Chí trầm ngâm, vẻ buồn bã lẫn tức giận: "Họ lấy cát, họ đâu có nghĩ gì cho dân trong bờ. Lở đất của ai thì mặc kệ. Họ chỉ biết mỗi ngày lấy được bao nhiêu cát, có bao nhiêu tiền, vậy là đủ. Họ vô tâm lắm! Nhiều lần chúng tôi ra ngăn cản nhưng có được đâu? Tôi nghĩ lòng sông này cũng chẳng còn gì dưới đó ngoài đất thịt. Vòi hút lúc trước ngắn, quăng xuống là hút, mà giờ thì quăng xuống cả buổi mới hút được, vậy là đủ biết lòng sông sâu thế nào?

Nghĩ mà đau, mà tức cho dòng sông này. Nó mà giận dữ thì tan nát hết, như nhiều vụ sạt lở ở đây nè!". Ông chỉ tay xuống bờ đất đang rơi từng mảng nhỏ xuống sông: "Lở hoài kiểu này thì khổ lắm! Không biết khi nào tới lượt mình... rơi xuống sông".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL hiện có 564 điểm sạt lở, với tổng chiều dài là 830km. Trong đó,sạt lở bờ sông là 512 điểm, với tổng chiều dài khoảng 566km, chủ yếu dọc các sông Tiền, Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch. Bờ biển có 52 điểm sạt lở, với tổng chiều dài là 268km. Mỗi năm, 13 tỉnh, thành trong vùng mất từ 300 - 500 héc-ta đất,hàng nghìn hộ dân mất nhà, đất, tài sản... vì nạn sạt lở.

Cùng đứng nhìn về phía bờ sông, ông Nguyễn Hồng Minh (60 tuổi, ngụ xã Vĩnh Xương) cho biết: Dọc sông Tiền đoạn từ xã Vĩnh Xương xuống tới TX.Tân Châu đã sạt lở nhiều lần. Nhất là đoạn ngay thị xã, lúc trước bị sạt lở đến nỗi mất cả khu vực chợ; nhà dân dọc tuyến sông cũng thiệt hại nhiều.

"Nếu bây giờ mà chính quyền ngăn được "cát tặc" sớm, rồi triệt để đừng cho họ làm nữa thì mới mong 10, 20 năm sau, khu vực này được bình yên" - Ông Minh chia sẻ.

Những vụ sạt lở ở TX.Tân Châu gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, lên đến hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ven sông. Tuy nhiên, một khi dòng sông nổi giận thì không chỉ dừng lại ở đó, mà có thể còn kéo theo những vụ sạt lở kinh hoàng khác.

"Hà bá” chuyển mình, lật đất

Trong những tháng qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Tỉnh Long An công bố tình trạng khẩn cấp khu vực sạt lở bờ sông Cần Giuộc, với tổng chiều dài khoảng 2,4km. Tại Cà Mau, hơn 37km cửa biển, bờ biển; tỉnh Tiền Giang có thêm 4 "điểm nóng" phải công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở. Mới nhất, ngày 27-5-2020, tỉnh An Giang công bố tình trạng khẩn cấp sau khi xảy ra sạt lở trên QL91 cũ (tại xã Bình Mỹ, H.Châu Phú).

Điểm sạt lở mới trên QL91 (cũ) tại xã Bình Mỹ vào tháng 5-2020 (ảnh: Vĩnh Kỳ)

Ngoài các tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở, hầu hết các địa phương khác, như: Đồng Tháp, Hậu Giang, TP.Cần Thơ cũng đều xảy ra sạt lở. Riêng TP.Cần Thơ, chỉ 5 tháng đầu năm nay đã xảy ra 17 vụ sạt lở, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, nhiều vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng đã xảy ra ở ĐBSCL. Ngày 18-3, tại chợ trung tâm xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) xảy ra sạt lở nghiêm trọng, làm chia cắt hoàn toàn xã này với các địa phương lân cận. Các địa phương khác trong vùng U Minh, nhiều tuyến giao thông cũng bị sụp lở nghiêm trọng, hơn 1.000 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 22km (tính đến tháng 4-2020).

Ngày 7-3, tại khu vực 5, phường An Bình (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, gần chợ nổi Cái Răng) tiếp tục xảy ra vụ sạt lở dài khoảng 20m, ăn sâu vào đất liền từ 10 - 12m, gây thiệt hại 5 nhà dân. Có trường hợp toàn bộ phần nhà sau bị sụp hết xuống sông.

Tại An Giang, tình hình sạt lở cũng đang diễn biến phức tạp. Sáng 27-5, một đoạn trên QL91 cũ (thuộc xã Bình Mỹ, H.Châu Phú) sụp xuống sông Hậu. Ông Lê Bá Truyền (nhà đối diện nơi sạt lở) kể: "Lúc đó khoảng 5 giờ sáng, tôi ra xem vết bị nứt trước đó 4 ngày, thì thấy vết nứt rộng ra. Tôi khom xuống lòng sông để xem thử, bỗng cảm thấy đất nghiêng. Hoảng quá, tôi chạy đi thì liền sau đó đất chỗ tôi vừa đứng từ từ sụp xuống sông. Nhà tôi ở ngay đoạn lở này, tôi hoang mang vô cùng".

Ông Hai Chính (80 tuổi) ngồi cùng ông Truyền, nói với giọng trách móc: ""Hà bá” nổi giận thì thứ gì chịu nổi! Mấy năm nay rồi, đất có dấu hiệu sạt lở, mà tình trạng hút cát lậu có giảm đâu. Hút riết thì đất sụp lở, có gì đâu mà lạ. Thiên tai này bắt nguồn từ nhân tai. Chỉ con người mới tàn phá thiên nhiên, làm thiên nhiên nổi giận. Chứ thuận lẽ tự nhiên thì đất nơi này bồi lắng, làm sao mà sạt lở được?".

Sơ đồ sông Tiền, sông Hậu vào năm 2016 sâu hơn rất nhiều so với năm 2008 (nguồn: Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam)

Ngành chức năng đo đạc cho biết, đoạn sạt lở trên QL91 cũ lần này cách chỗ sạt lở cũ (năm 2019) khoảng 80m về hướng hạ lưu. Đoạn sạt lở kéo dài khoảng 40m, ăn sâu vào phân nửa mặt đường, ảnh hưởng trực tiếp đến 31 hộ dân trong vùng nguy hiểm, cần được sớm di dời, bố trí nơi ở mới.

Tiếp tục xuôi theo dòng sông Hậu, chúng tôi đi quanh TP.Long Xuyên (An Giang) thì bất ngờ hay tin khoảng 8 giờ 30 ngày 14-6, bờ rạch Cái Sao (thuộc phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên) đã bị sạt lở hơn 60m. Có 15 căn nhà của người dân trong vùng nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp. Hỏi những người hàng xóm tại khu sạt lở này, được biết trước đây, bên kia rạch bị lở nặng, người dân phải làm kè. Thế là khoảng 3 năm sau, bờ bên đây lại bị sạt lở. Điều đáng lo là vụ sạt lở này không hề có nhiều dấu hiệu báo trước để người dân cảnh giác, mà đất bất thần đổ ập xuống sông, vô cùng nguy hiểm.

Trước đó, chúng tôi có dịp đến hiện trường vụ sạt lở tại khu vực 5 (phường An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) vào trưa 8-3. Bà Lê Thị Hải vừa kể, mặt trông như hoảng hốt: "Lúc đó khoảng 10 giờ sáng, người dân đang lo cơm nước thì nghe ầm ầm, tiếng lớn lắm, như động đất vậy. Vài phút sau, thấy căn nhà bên cạnh sụp ầm xuống sông. Vợ chồng, con cái tôi nhanh chân chạy ra. Không lâu sau, cái nhà bếp của tôi cũng sập xuống luôn".

Hiện trường nơi sạt lở tại phường An Bình là những căn nhà trống hoác, sập đổ, những mảng tường nghiêng ngả trộn lẫn bùn đất. Những mảng đất mới lòi ra, cố bám vào phần còn dính lại, nhưng cũng từ từ rơi tọt xuống sông. Cả đoạn sạt lở kéo dài 25m, sâu 12m, ảnh hưởng đến 5 hộ dân tại khu vực này.

Nghĩ đến nhiều vụ sạt lở bất ngờ, chúng tôi liên tưởng về sự chuyển mình nổi giận của những dòng sông, nơi mà lớp cát đáy nền ngày càng cạn kiệt, dòng chảy thay đổi bất thường, tác động mạnh mẽ vào các thành bờ, cộng với nhiều yếu tố từ trên bờ dẫn đến những vụ sạt lở xảy ra liên tiếp.

Mỗi vụ sạt lở đều có nhiều nguyên nhân tác động, trong đó có tác động đáng kể của việc hút cát quá mức diễn ra nhiều năm qua, gây ra hậu quả kéo dài đáng báo động ở nhiều nơi hiện nay. Qua thực tế cho thấy, điều người dân lo lắng hiện nay là "cơn giận của hà bá” ngày một dữ dội hơn. Sạt lở không chỉ ở sông lớn đến sông nhỏ, từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu mà còn ở biển Tây.

Nguy hiểm hơn, trước khi xảy ra sạt lở thì những điểm này hoàn toàn không có dấu hiệu rạn nứt. Các đoạn đê, tuyến đường đất tưởng như khá chắc chắn, bỗng dưng bị sạt lở, làm người dân ngỡ ngàng và không có giải pháp phòng ngừa trước.

Chuyện sạt lở ở ĐBSCL không phải là mới, vấn đề là hằng năm tình trạng này càng dữ dội hơn. Các nhà khoa học dự báo tình trạng sạt lở sẽ còn kéo dài và nghiêm trọng hơn khi vào mùa nước nổi năm nay.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Đêm mật phục
 
Bài 2: Đường đi của cát lậu
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang