Những kỷ niệm về nhà tình báo Trần Quốc Hương

Thứ Hai, 15/06/2020 10:13

|

(CATP) Tháng 2 -1972, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định mở Hội nghị Bình Giã ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) đang là Phó bí thư thường trực Thành ủy kiêm Trưởng ban An ninh T4, nhận chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) - Phó bí thư Trung ương Cục phụ trách Thành ủy - về việc thành lập tổ chức tình báo đi vào các nhân vật đối lập Sài Gòn để lôi kéo, phân hóa hàng ngũ địch.

Tháng 9-1972, ông Mười Hương bàn với ông Lê Thanh Vân (tức Sáu Ngọc, sau 1975 là Giám đốc Công an TPHCM, Anh hùng Lực lượng vũ trang), nguyên lãnh đạo Cục Tình báo được cử vào miền Nam, lúc đó là Phó ban An ninh T4, phụ trách mảng điệp báo - về việc thành lập Cụm điệp báo lấy bí số A10 gồm một số người như: Nguyễn Minh Trí (Mười Trí), Huỳnh Huề (Ba Hoàng), Trần Thiếu Bảo (Hai Phương), Nguyễn Hữu Khánh Duy (Năm Quang)… hoạt động dưới sự lãnh đạo của ông Mai Chí Thọ (Năm Xuân, sau là Bộ trưởng Bộ Công an), ông Mười Hương và Ban An ninh T4 (cụ thể là các ông Sáu Ngọc và Thái Doãn Mẫn).

Cụm trưởng Tổ điệp báo A10 Nguyễn Minh Trí có thời gian hoạt động gần gũi và giữ nhiều kỷ niệm về ông Trần Quốc Hương. Xin trích một phần hồi ức của ông Trí về nhà chỉ huy tình báo huyền thoại này.

Ông Trần Quốc Hương nhận Huân chương Sao Vàng do Đảng và Nhà nước trao tặng năm 2006

KHÔNG PHỤ LÒNG MONG MỎI CỦA BÁC HỒ VÀ TRUNG ƯƠNG

Năm 1954, khi miền Bắc sắp hoàn toàn giải phóng, thay vì về Hà Nội tiếp quản, ông Mười Hương lại khăn gói vào Nam để làm một công việc chưa được đào tạo từ trường lớp nào: tổ chức hoạt động tình báo.

Ông vẫn còn nhớ rõ: “Sau Hiệp định Geneve 1954, tháng 7-1954, Xứ ủy Nam kỳ cử đồng chí Lê Đức Thọ ra gặp Trung ương bàn về chiến lược cách mạng và xin Trung ương cử tôi vào đó. Tổng bí thư Trường Chinh xin ý kiến và được Bác Hồ đồng ý. Anh Trường Chinh gặp tôi giao nhiệm vụ và nói: “Khó khăn nhiều lắm đấy, đi không biết bao giờ trở lại. Phải suy nghĩ cho kỹ, nếu thấy đi không được thì cứ báo cáo, Trung ương không ép”. Bác Hồ cũng gặp tôi dặn dò: “Công việc thì các chú khác đã dặn kỹ rồi, xem làm được thì nhận và đã nhận thì đừng phụ lòng Trung ương, đi sao nhớ về vậy!”.

Sau này, mỗi khi ngẫm lại, ông Mười Hương càng thấm thía lời căn dặn của Bác “đi sao nhớ về vậy”, đó không chỉ là lời dặn dò của một lãnh tụ cách mạng với cán bộ cấp dưới, mà dường như là câu của người cha dành cho đứa con sắp đi xa vậy.

Vào Nam, ông Mười Hương tham gia lãnh đạo Ban Địch tình Xứ ủy - cơ quan cực kỳ quan trọng để đối phó với hệ thống cảnh sát tình báo Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn. Năm 1958, ông sa vào tay giặc. Biết ông là cán bộ cao cấp, anh em Ngô Đình Diệm tìm cách “chuyển hướng” tư tưởng để sử dụng. Đích thân Ngô Đình Nhu bố trí gặp ông tại nhà nghỉ mát của Ngô Đình Cẩn ở cửa Thuận An (Huế) hòng lung lạc. Không khuất phục được, chúng đã đưa ông vào danh sách 200 tù nhân cần thủ tiêu, nhưng chưa kịp thực hiện thì cuộc đảo chính Diệm - Nhu xảy ra.

Địch liên tiếp hỏi cung cả ngày lẫn đêm, không cho ngủ, nếu ngủ gật là chúng đánh, nhằm làm cho ông căng thẳng tinh thần đến không chịu nổi. Ông bảo “nó muốn thế thì mình phải trụ vững, bên cạnh đó đôi mắt trong veo của cậu con trai đầu lòng nhìn tôi lúc chia tay thường hiện về, góp phần động viên tôi đủ nghị lực không sa ngã trước quân thù”.

Cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 đã kết liễu chế độ gia đình trị của anh em nhà họ Ngô. Trong tù, ông Mười Hương biết mình đã sống rồi nên trao đổi với anh em phạm nhân liên hệ ra ngoài, đặc biệt là với Giáo hội Phật giáo và giới báo chí lên tiếng tố cáo chế độ Diệm đang giam giữ rất nhiều người bất đồng chính kiến, khi nhà cầm quyền xem xét lại, họ sẽ đảo cung.

Đây cũng là cơ hội tốt để móc nối lại liên lạc với tổ chức. Lúc bấy giờ, anh em ở ngoài mới biết ông Mười Hương vẫn còn sống. Ông Mai Chí Thọ chỉ thị phải cứu bằng được ông ra. Khi đó, chính quyền mới có chủ trương dùng tàu hỏa đưa tất cả số tù nhân bị Ngô Đình Cẩn giam ở Huế vào Sài Gòn để phúc tra. Một số anh em bàn nhau lập kế hoạch khi đoàn tàu đi qua vùng rừng núi sẽ nhảy xuống trốn, nhưng ông Mười Hương không ủng hộ kế hoạch này vì ông thấy quá phiêu lưu. Ông tin rằng, về đến Sài Gòn sẽ có cách thoát, bởi lẽ các đồng chí không bao giờ bỏ rơi ông.

Đúng như dự đoán, khi bị đưa về Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, tổ chức đã bố trí một cơ sở của ta là bà Lê Thị Nhiễm, người sau này trở thành Anh hùng quân đội, nhận Mười Hương là con và thường xuyên đến thăm nuôi. Một chi tiết hết sức thuận lợi là chồng bà Nhiễm cũng mang họ Trần, tạo cho ông Mười Hương bản lý lịch hợp pháp, nên địch không phát hiện điều gì đáng ngờ.

Ông Mười Hương khai mình chỉ là giáo viên dạy tư tên là Trần Văn Trí, bị đặc vụ của Ngô Đình Cẩn bắt oan. Ông nằm trong danh sách 22 người được đưa lên Hội đồng An ninh xét thả đợt ấy. Hôm đưa ra phúc tra, ông Mười Hương trả lời khớp với những gì đã khai trước đây và một mực kêu oan nên được tha.

Ông Mười Hương (ngồi giữa) và ông Lê Hồng Anh (ngồi cạnh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gặp anh chị em Cụm A10 năm 2002

MƯU TRÍ VỚI KẺ THÙ

Ra tù, ông Mười Hương về ở nhà bà Nhiễm tại Q3, hàng tháng phải tới đồn cảnh sát gần nhất trình diện. Ông “ngoan ngoãn” nằm ở đó 1 tháng, về sau ông được tổ chức đưa về căn cứ Củ Chi gặp lãnh đạo miền lúc bấy giờ là các ông Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà... Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lúc đó là Bí thư Trung ương cục rất muốn giữ ông Mười Hương ở lại, nhưng Bác Hồ nói: “Chú ấy vừa trải qua cuộc đấu tranh vô cùng gay go, quyết liệt, phải để chú ấy nghỉ ngơi một thời gian”. Sau đó, ông nhận chỉ thị của Trung ương gọi ra miền Bắc.

Dù được sắp xếp đi nghỉ ở châu Âu, mục đích chính là để gặp người vợ đang học bên đó sau 10 năm xa cách, nhưng ông Mười Hương lại xin về Nam. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn khuyên: “Anh cứ nghỉ ngơi thêm một thời gian đã, ở ngoài này cũng không thiếu việc cho anh làm đâu”. Giai đoạn 1964 - 1968, ông được cử làm Cục trưởng Cục Kỹ thuật - Bộ Công an, đảm trách việc liên lạc với lực lượng An ninh miền Nam.

Sau này địch tăng cường chống phá tổ chức phong trào cách mạng ở Sài Gòn, lực lượng gần như bị xóa trắng, kể cả Trưởng ban An ninh cũng bị bắt. Sau khi vào lại chiến trường miền Nam, ông Mười Hương lại khăn gói cùng đồng chí Mười Cúc (ông Nguyễn Văn Linh - Phó bí thư Trung ương cục) xuống T4 để củng cố, xây dựng lại Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và lực lượng phong trào nội đô một cách cấp bách, vì cục diện thế giới và trong nước không cho phép chậm trễ nữa.

Sau Mậu Thân 1968, lực lượng An ninh T4 cũng tổn thất nặng, hàng chục cán bộ điệp báo trung, cao cấp được miền Bắc chi viện và tại chỗ đã bị bắt, hy sinh hoặc bị lộ phải rút về căn cứ. Đầu năm 1969, thực hiện Nghị quyết 9 của Trung ương Cục về tăng cường công tác an ninh vùng trọng điểm, An ninh T4 được tăng cường Phó ban Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc), Thành ủy viên, cán bộ chủ chốt của Bộ Công an (Cục trưởng Cục Phái khiển, tức Cục Tình báo) tăng cường cho Sài Gòn - Gia Định, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Tài (Tư Trọng, nguyên Cục trưởng Bảo vệ chính trị của Bộ Công an, Trưởng ban An ninh T4).

Ngày 23-12-1970, trên đường công tác, ông Nguyễn Tài bị bắt, là tổn thất rất lớn đối với An ninh miền Nam cũng như của Thành ủy. Tháng 11- 1971, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định Trần Bạch Đằng nhân danh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam viết thư gửi Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, đặt vấn đề trao đổi ông Nguyễn Tài với tù binh Mỹ Douglas Ramsey - nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ bị bắt năm 1966. Nhưng phía Mỹ từ chối vì cho rằng “Nguyễn Tài quá quan trọng để đổi lấy Ramsey”. Sau này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn nói rằng, đó là một hình thức ngăn cản Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa thủ tiêu ông Nguyễn Tài.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang