Điều gì thôi thúc tác giả viết và khi đến gặp ông, nghe ông khó khăn lắm mới kể chuyện cuộc đời mình, tôi rất biết ơn và cảm động. Bởi vì cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc Việt Nam có biết bao người anh hùng. Lịch sử có thể ghi lại chiến công, nhưng tâm hồn và tính cách con người, có thể chỉ văn học - viết theo thể loại “nonfiction” (phi hư cấu) - sẽ giữ lại được các đối thoại trực tiếp và chân thật, không có “bảo tàng” nào giữ được.
Nhà tình báo chiến lược huyền thoại Mười Hương đến dự một buổi họp mặt do lực lượng Công an tổ chức. Ảnh: Bùi Văn Nghiệp
Đó là mơ ước của tôi muốn được viết về những người con ưu tú của nước Việt. Nhưng khi tôi gặp ông Trần Quốc Hương (Mười Hương), ông bảo rất băn khoăn, không viết hồi ký, vì “nói lại thì cái hay, cái được dễ nhớ, mà cái dở, cái mất thì không nhớ”. Khi đó ông đã bị bệnh, đi lại khó khăn, nói chậm rãi kiểu chiêm nghiệm, tự vấn hơn là kể về thành tích.
Hôm đầu tiên, ông đã bảo: “Tôi thích “cái” Phu-xích. Ông ấy là nhà lãnh đạo, viết tác phẩm lớn ngay trong ngục. Thậm chí tôi thích hơn đọc Giu-cốp, dù tôi cũng mê Giu-cốp lắm! Nhưng hình như Giu-cốp không nói đến sai lầm, khuyết điểm. Tôi không tin chỉ đạo cuộc chiến tranh lớn đến thế lại không có sai lầm, thất bại nào. Có những anh đi đâu thắng đó, nhưng thực tế không thể không có trục trặc”.
Hình như ông muốn nói về quan sát và suy nghĩ, chứ không tái hiện bản thân. Đó là một nét độc đáo của nhân vật, nhưng lại là cái khó của người viết vì muốn nghe được càng nhiều càng tốt. Ngoài chiến công và cuộc đời tận hiến của ông, tôi còn cảm nhận được chiều sâu tâm hồn của con người tự nhận mình hay nghĩ ngợi, trầm lắng.
Cuốn sách “Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo” do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành
Cuốn sách “Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo” do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành
Ông có một kỷ niệm “suýt chết” với bác Nguyễn Lương Bằng khi hai người chuyển muối, thuốc men lên Việt Bắc, chuẩn bị cho Chính phủ lên đó khi Hà Nội bước vào toàn quốc kháng chiến. Họ phải đưa máy móc, vật tư, kho tàng và 2.000 tấn muối đến nơi. Hai người dùng ôtô đi kiểm tra một kho trung chuyển ở tỉnh Hòa Bình. Sau khi kiểm tra xong lúc 9 giờ, theo nguyên tắc an toàn, tránh máy bay, phải đợi tối mới được về.
Sốt ruột vì nhiều việc, anh thanh niên Mười Hương liều bàn cứ đi vào ban ngày. Không may gặp ngay máy bay, ông Nguyễn Lương Bằng mở cửa, nhào xuống xe, còn Mười Hương nhảy xuống một cái rãnh. Máy bay chúi xuống bắn chiếc xe cháy, ông Bằng phải về báo cáo đúng hẹn với Bác Hồ, còn Mười Hương ở lại giải quyết hiện trường.
Sau đó, Bác Hồ biết chuyện. Bác bảo: “Chú chủ quan quá! Suýt nữa thì “cái sảy nảy cái ung”. Chú vội về làm gì, nhỡ không may hai chú chết cả thì biết làm sao?”. Ông Mười Hương kể lại chuyện này và nói: “Từ đó, tôi có biệt hiệu là Hương “chủ quan”. Có lẽ Bác cũng nhớ chuyện này nên mãi đến khi tôi lên Việt Bắc, gặp lại Bác ở nơi ông Trường Chinh làm việc, khi được giới thiệu: “Thưa Bác, đây cậu Hương!”. Bác thân mật nói: “Hương “chủ quan” đấy phỏng?”. Sau này, khi ông Mười Hương vào miền Nam làm nhiệm vụ, Bác Hồ còn dặn: “Chú nhớ đi sao về vậy”.
Cuộc đời ông Mười Hương trải qua nhiều công tác, chịu tù đày, có cả oan khuất, nhưng ông không bao giờ tỏ ra cay đắng, oán trách. Người ta nhắc nhiều đến ông trong vai trò chỉ huy đầu mối của các nhà tình báo huyền thoại, như: Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ... Nhưng ông bảo, chỉ huy là Trung ương Đảng và lực lượng cách mạng, ông chỉ góp vai trò... “chỉ trỏ”, còn các anh hùng ấy giỏi giang, hoạt động nhiều khi độc lập, đã làm nên kỳ tích.
Nhưng chính nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn lúc đang được tổ chức bố trí học báo chí bên Mỹ, nghe tin đầu mối chỉ huy của mình là ông Mười Hương bị bắt tù đày, tra tấn, nhưng đã giữ được bí mật an toàn cho ông Phạm Xuân Ẩn.
Tiếp xúc với ông Trần Quốc Hương, nghe ông tâm tình chân thật, kể lại những câu chuyện đặc biệt, như sống sót qua chế độ lao tù của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn; lúc đó, ông có cuộc đấu trí với Ngô Đình Nhu.
Được nghe chuyện kể về cuộc đời hy sinh, cống hiến của ông Mười Hương và nhiều nhân vật anh hùng khác nữa, đó là điều hạnh phúc và may mắn đặc biệt trong đời một người cầm bút.