Thịt heo đắt, Bộ trưởng NN&PTNT khuyên người dân ăn gà, cá, tôm

Thứ Bảy, 13/06/2020 17:06

|

(CAO) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình khi đại biểu phàn nàn về giá thịt heo tăng cao.

Không thể điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính

Việc mất cân đối cung – cầu thịt heo khiến giá mặt hàng này bị đẩy lên cao là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đến trong phiên thảo luận tại Hội trường hôm nay (13/6) về tình hình kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), thực trạng trên đã không thể giải quyết suốt hơn một năm qua.

“Các Bộ có chức năng giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước như Nông nghiệp, Công Thương phải chịu trách nhiệm” – đại biểu Xuân chỉ đích danh.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phát biểu thảo luận tại phiên họp

Lưu ý điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải căn cứ trên biện pháp thị trường, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ ra, hiện tượng giá thịt heo vừa qua không hạ dù các cấp thẩm quyền liên tục đưa ra "lệnh" giảm.

Từ thực tế này, theo đại biểu Hàm, cần nghiên cứu việc tăng giá này do sản xuất hay lưu thông. Nếu do khâu sản xuất thì kích thích tăng đàn, còn do lưu thông thì cân nhắc việc Nhà nước đứng ra thu mua, cung ứng trực tiếp trên thị trường.

"Cần thiết thì kinh tế Nhà nước phải hỗ trợ, không nên như thời gian qua dư luận cho rằng, người dân chỉ được ăn thịt heo giá rẻ trên tivi" – ông Hàm khuyến cáo.

Còn các đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) kiến nghị, Chính phủ cần có biện pháp tái đàn, kích cung mà không cần nhập khẩu để tự chủ trong nước cũng như có các gói hỗ trợ, kích cầu tái đàn.

Giá thịtt heo tăng cao, theo đại biểu của Đồng Tháp, là do doanh nghiệp chăn nuôi lớn khống chế giá.

“Doanh nghiệp không cung cấp con giống ra thị trường để bán cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, hoặc có bán đi thì với giá rất cao. Người chăn nuôi họ không có khả năng mua giống heo tái đàn, thậm chí họ lo ngại với giá lợn giống cao như vậy sau quá trình chăn nuôi bán ra sẽ rất khó có lãi” – đại biểu Hoà nhìn nhận.

Khẳng định lĩnh vực chăn nuôi và lương thực cần phải được quan tâm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, những lĩnh vực liên quan đến đời sống an sinh xã hội của người dân phải có sự tham gia của doanh nghiệp Nhà nước, qua đó mới điều tiết được thị trường.

“Trong cơ chế thị trường sẽ chịu tác động về nguồn cung, khi nguồn cung dồi dào giá sản phẩm sẽ giảm, nên không làm chủ được nguồn cung thì giá sẽ khó giảm” – đại biểu Ngân nêu giải pháp.

Cung – cầu chưa gặp nhau

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phân tích một số nguyên nhân dẫn đến giá heo cao, trong đó có sự ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, một loại dịch bệnh rất đặc biệt, nguy hiểm cho ngành chăn nuôi heo.

Dịch bệnh này, theo Bộ trưởng Cường, khiến khoảng 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, giảm 20% về lượng. “Chính điều này là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng biến động giá vừa qua” – ông Cường thông tin.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Trước tình hình đó, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngay từ tháng 3-2019, chúng ta đã có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác, như: gà, thủy sản, trứng. Do đó, đến cuối năm 2019, đã bù đắp được 760.000 tấn thực phẩm, không xảy ra thiếu thực phẩm.

Tuy nhiên, vì lợn chết mất 20% tổng đàn, nên phải phục hồi đàn theo lộ trình. Theo kế hoạch, đến quý 4 năm nay, hệ số đầu lợn sẽ ngang mức 31 triệu con của thời điểm trước khi bị dịch xảy ra. “Cung cầu nó chưa gặp nhau, dẫn đến câu chuyện giá tăng” – Bộ trưởng Cường chốt lại.

Giải quyết tình trạng trên, theo Bộ trưởng Cường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang tập trung đẩy nhanh hơn quá trình tái đàn, nhưng cũng phải thận trọng đề phòng dịch bệnh quay lại.

Rất nhiều địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ nông dân khôi phục đàn heo.

“Nhân diễn đàn này, chúng tôi đề nghị chúng ta tập trung khuyến cáo và lựa chọn các thực phẩm đa dạng. Không có lý gì bây giờ chúng ta cứ tập trung ăn thịt lợn cả. Thịt gà rất tốt, do bà con nông dân sản xuất ra. Cá cũng vậy, tôm cũng vậy, trứng cũng vậy, đều của nông dân ta cả” – Bộ trưởng khuyến nghị.

Việc sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, theo Bộ trưởng, vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực cho một ngành nào.

Sau khuyến nghị gây cười ở hội trường, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ giải pháp hạ giá thịt lợn để bình ổn thị trường.

Đáp từ, Bộ trưởng Cường nhắc lại là tập trung tái đàn nhanh, đưa ra khuyến cáo đa dạng sản phẩm, tăng cường thương mại để làm sao kiểm soát, không để trục lợi, không để lợi dụng chuyện này để tăng giá.

“Còn nói giá bao nhiêu thì không thể kết luận, nhưng sẽ cố gắng để cung cầu gặp nhau sớm để có giá phù hợp nhất” - Bộ trưởng Cường nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang